Theo đó, Cục CSGT phối hợp với công an địa phương trên tuyến sông Hồng (các tỉnh thành Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định) và các địa bàn giáp ranh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.
Yêu cầu đặt ra là xử lý nghiêm các vi phạm, giải quyết tận gốc, không để tình trạng phạt cho tồn tại.
Đối với vi phạm về quá vạch dấu mớn nước an toàn, cảnh sát sẽ kiểm tra tại đầu bến. Đối với trường hợp vi phạm trên đường vận chuyển, bên cạnh việc xử phạt sẽ kiên quyết yêu cầu quay về bến gốc và thực hiện việc hạ tải tại các cảng bến do cơ quan xử phạt yêu cầu.
Đồng thời người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa để tàu thuyền vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa cũng sẽ bị xử lý.
Đối với tàu thuyền vi phạm về hoán cải, cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu chủ tàu đưa tàu về trạng thái ban đầu hoặc đến cơ sở đăng kiểm gần nhất để đăng kiểm lại mới được phép hoạt động. Từ đó tập hợp, lập danh sách kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi tàu, thuyền thực hiện không đúng các quy định trong giấy phép.
Đối với các cảng, bến thủy nội địa có hành vi tổ chức cho tàu thuyền vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động, sau khi xử lý phải lập danh sách và thông báo cho chính quyền địa phương nơi có cảng, bến thủy không phép hoạt động.
Trong 2 tháng qua, các tổ công tác đã kiểm tra 2.954 lượt tàu thuyền, phạt 85 trường hợp gồm các lỗi như: Quá vạch mớn nước, vi phạm bằng lái chứng chỉ chuyên môn, không giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, vi phạm nồng độ cồn, không có hóa đơn… Các đơn vị chức năng đã phạt tiền 461 triệu đồng, tịch thu khoảng 1.500m3 cát.
Ngoài ra cảnh sát giao thông còn bắt giữ 12 tàu thuyền có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và làm giả hồ sơ nguồn gốc hàng hóa, hiện đang phối hợp với Công an Hà Nội xác minh.
Theo csgt.vn