Phóng viên: “Phạt nguội” được xem là hình thức xử lý triệt để các vi phạm về TTATGT khi không có lực lượng CSGT làm việc trực tiếp trên đường. Tuy nhiên, có vấn đề người dân phải đi xa để lập biên bản, vậy trong thời gian tới lực lượng CSGT sẽ đưa ra những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hạn chế đó là do quy định của pháp luật, khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản mới ra quyết định xử phạt được. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành NĐ 135 về danh mục trang thiết bị, trong đó cho phép các phát hiện vi phạm qua thiết bị kỹ thuật thì được gửi đến công an cấp tỉnh, cấp huyện nơi chủ sở hữu phương tiện sinh sống, hoặc cơ quan tổ chức đó để tiến hành lập biên bản và ra Quyết định xử phạt (QĐXP). Điều này làm thay đổi lớn về việc người vi phạm phải đến trụ sở của đơn vị quản lý tuyến đường đó để lập biên bản và ra QĐXP, thay bằng người vi phạm đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt. Việc đó đã làm thay đổi tư duy phải đến trực tiếp thay bằng ủy quyền, như thế thì sẽ: (1) góp phần xử lý nghiêm minh, (2) giảm thiểu thời gian và đi lại của người dân, (3) đặt nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ mà Bộ Công an đang chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ tới cơ sở trong thời gian tới, trong đó có lực lượng CSGT.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Để triển khai thực hiện được cách thức xử phạt như vậy thì lực lượng CSGT đã triển khai những bước như thế nào?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay, Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với các đơn vị để sửa đổi các quy trình, các thông tư của Bộ để làm sao phân công phân cấp, quy trình thực hiện nhiệm vụ này thông suốt từ Bộ tới công an cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ đã có chỉ đạo để kết nối các phần mềm xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông, đăng ký xe của lực lượng CSGT từ Cục đến công an cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc. Chúng tôi đang tổ chức tập huấn quy trình này. Tất cả dữ liệu qua hệ thống giám sát được gửi điện tử trực tiếp từ đơn vị đó tới Công an cấp huyện và trước khi gửi phải được xác minh chính xác nơi ở của chủ xe theo hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư để mời chủ xe lên làm việc, xử lý. Việc theo dõi đó mang tính thông suốt toàn quốc nên chủ xe không thể trốn tránh được việc xử lý của cơ quan chức năng.
Ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi tư duy thực thi pháp luật về TTATGT.
Phóng viên: Theo ông, khi lực lượng CSGT thực hiện như vậy thì người vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông sẽ có những lợi ích gì?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước hết là hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, một vi phạm được lực lượng CSGT phát hiện và xác minh rất chính xác nơi ở, địa chỉ của chủ xe qua hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư; người dân không phải đi lại nhiều để phát sinh các chi phí và giảm thiểu về thời gian. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của lực lượng CSGT mang tính xuyên suốt hơn, trước thì ứng dụng để phát hiện vi phạm, thì nay ứng dụng để xử lý vi phạm, giảm thiểu hình thức trực tiếp, thủ công. Mặt khác, còn giảm thiểu thời gian và tiền bạc chi phí đi lại cho người vi phạm. Qua đó, thay đổi tư duy từ phát hiện, từ nhiều thủ tục phức tạp để chống vi phạm, thay bằng việc phát hiện nhiều vi phạm và xử lý nghiêm minh hơn.
Chúng tôi cũng đang báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ tiến tới cho thí điểm xử phạt mà phát hiện qua hệ thống giám sát sẽ không phải lập biên bản vì các chứng cứ đã rõ, các tài liệu chứng minh ai là người vi phạm và các nội dung khác để ra QĐXP đều đầy đủ. Bổ sung hình thức phạt bổ sung là trừ điểm vào luật XLVP hành chính. Hai điều đó làm thay đổi rất lớn quá trình phát hiện và xử phạt của lực lượng CSGT, làm cho ý thức của người tham gia giao thông sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Theo Cục csgt