Lực lượng CSGT đường thủy tuần tra kiểm soát trên sông Lạch Tray (Tp. Hải Phòng).
Ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế
Theo thống kê của Cục CSGT, tính từ 1/1/2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 544.012 trường hợp với 550.475 hành vi vi phạm; ra quyết định phạt tiền 495.198 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước trên 320,2 tỷ đồng; đình chỉ 1.420 trường hợp không đảm bảo điều kiện hoạt động; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn 142 trường hợp; tịch thu 7 bằng, chứng chỉ chuyên môn giả. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính năm sau có xu hướng tăng so với năm trước.
Công tác phối hợp giữa cảnh sát đường thủy với lực lượng ĐTNĐ VN, Đăng kiểm Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, lực lượng quản lý Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản về công tác đảm bảo TTATGT cũng được thực hiện có hiệu quả rất tốt. Trong đó, qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện 365 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy, bắt 4 đối tượng truy nã; thu giữ rất nhiều hàng quốc cấm, buôn lậu và nhiều hàng hóa có giá trị khác.
Lực lượng liên ngành ĐTNĐ phối hợp tuyên truyền trên khu vực sông Hồng (Tp. Hà Nội)
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép trên luồng, hành lang bảo vệ luồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 411 trường hợp.
Về tình hình TNGT đường thủy, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, TNGT đường thủy cả nước đã xảy ra 252 vụ, làm chết 171 người, bị thương 41 người, chìm và hư hỏng 240 phương tiện, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 2,1 tỷ đồng.
Qua điều tra, xử lý các vụ TNGT đường thủy cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn có 32,5% do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc ATGT; 15,8% do điểu khiển phương tiện đâm va; 14,6% do điều khiển phương tiện thủy không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; 6,25% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Về thời gian xảy ra tai nạn đều vào ban đêm (từ 18h đến trước 24h).
Mặt khác, hiện Luật Giao thông ĐTNĐ không quy định phương tiện khi hành trình đi về một bên của luồng mà chỉ quy định phát tín hiệu đổi hướng. Điều này đang gây nên tình trạng lộn xộn và khó xác định lỗi tránh nhau khi xảy ra TNGT đường thủy.
Cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
Đánh giá về những bất cập trong công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ, Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thời gian qua, chỉ có sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát đường thủy, TTGT ĐTNĐ, Đăng kiểm VN được thực hiện khá tốt. Còn giữa các lực lượng khác, sự phối hợp rất hạn chế, hầu như chưa có cơ chế phối hợp, cơ chế trao đổi thông tin, nên chưa có biện pháp thống nhất giải quyết đồng bộ tình hình phức tạp TTATGT trên ĐTNĐ. Trong khi đó, ngoài Chính phủ, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ thuộc 6 Bộ và UBND các cấp cùng phối hợp với nhau đảm bảo TTATGT ĐTNĐ.
Mặt khác, cũng theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện có nhiều lực lượng khác như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển một số nơi tiến hành TTKS và xử lý vi phạm hành chính trên ĐTNĐ. Thượng tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, việc nhiều lực lượng tiến hành tuần tra kiểm soát tuy là giải pháp kiểm soát chặt chẽ nhưng không tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động, còn cản trở, tạo ra các khó khăn, vướng mắc không đáng có cho từng lực lượng.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an).
Tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ, Nghị định số 110/2014 NĐ – CP và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về Giao thông ĐTNĐ năm 2017 tại khu vực phía Bắc được Bộ GTVT tổ chức ngày 27/6 vừa qua, Thượng tá Đỗ Thanh Bình cũng đề xuất bổ sung vào Luật Giao thông ĐTNĐ có thêm điều khoản quy định về điểm của bằng chứng chỉ chuyên môn.
“Khi cấp bằng có thời hạn 5 năm thì cũng quy định luôn số điểm của bằng đó. Khi người lái phương tiện hay thuyền viên vi phạm quy định nào thì sẽ trừ điểm tương ứng với lỗi vi phạm đó. Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng các nước trên thế giới đều làm như vậy. Đây là một giải pháp rất hữu hiệu, có tác động mạnh đến tâm lý của người tham gia giao thông thủy nhằm ngăn ngừa họ thực hiện hành vi vi phạm”, Thượng tá Đỗ Thanh Bình cho hay.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Thanh Bình, ngành ĐTNĐ cần được tăng mức đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT ĐTNĐ; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong đăng kiểm, đăng ký phương tiện (theo đặc thù vùng, miền) cũng như tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa,…, đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của giao thông đường thủy.
Theo tapchigiaothong.vn.