Ảnh hưởng không chỉ ở nước Nhật
Kobe đã công bố một danh sách thông tin chi tiết về những sản phẩm không đáp ứng những quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, bao gồm bột sắt, dây thép và nhiều sản phẩm khác liên quan tới thép, nhôm và đồng. Có tới 8 trong số các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản cho biết đã mua vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel, bao gồm: Toyota, Nissan, Honda, Suzuki, Ford, Mazda, Subaru và Mitsubishi.
Trước tình hình này, các nhà sản xuất xe hơi đã nhanh chóng tiến hành những cuộc điều tra khẩn cấp và triển khai chiến dịch thu hồi xe nếu phát hiện bất cứ sai phạm nào.
Suzuki khẳng định không có chiếc ô tô nào của mình sử dụng và lắp đặt các vật liệu bị ảnh hưởng nêu trên. Honda xác nhận đã sử dụng nguyên liệu của Kobe Steel trên nắp ca-pô và cửa xe.
Về phía Toyota, công ty vẫn đang đẩy mạnh điều tra để xác định những mẫu xe có thể bị ảnh hưởng từ những vật liệu được lắp đặt. Nissan tuyên bố hãng sử dụng các sản phẩm nhôm của “trùm thép” Nhật Bản trong cấu trúc mui xe và cửa trên một vài mẫu xe.
Trụ sở chính của Mitsubishi cũng có những phản hồi kịp thời và xác nhận sử dụng một số thành phần vật liệu của Kobe trong sản xuất ô tô. Hãng xe vẫn đang tích cực điều tra, tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định những sản phẩm của Mitsubishi đang lưu hành hiện nay có chứa những vật liệu này hay không.
Ford cho biết, chiếc Mondeo “huyền thoại” của hãng sở hữu mui xe làm từ nhôm đến từ nhà cung cấp thép Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Kobe Steel vẫn chưa xác nhận liệu thành phần này có nằm trong danh sách vật liệu không đạt chỉ tiêu chất lượng của hãng hay không. Đồng thời, Ford khẳng định với người tiêu dùng về mức độ an toàn bởi mui xe không thuộc các yếu tố cấu trúc có thể làm thay đổi chất lượng của xe.
Phó chủ tịch của tập đoàn thép Kobe - Naoto Umehara (phải) cúi đầu trong buổi họp báo tại Tokyo
Hiroya Kawasaki lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel trong buổi công bố thông tin bê bối tại tập đoàn này.
Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.
Kobe Steel đã gây ra một vụ bê bối trên bình diện toàn cầu, với các ngành nghề khác nhau. Đoàn tàu sản xuất cho Anh Quốc sử dụng thép của công ty này.
Ít nhất cả sáu ông lớn của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản và các thương hiệu khác đều sử dụng thép của Kobe Steel.
Cổ phiếu của Kobe Steel rơi đáy sau khi thông tin vụ bế bối được công bố.
Trước tình hình nghiêm trọng này, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tiến hành kiểm tra khẩn cấp để xem liệu có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không.
Lãnh đạo Kobe Steel trong cuộc gặp với các quan chức chính phủ Nhật Bản tại Tokyo.
Vụ giả mạo số liệu của Kobe Steel còn lan sang cả ngành công nghiệp quốc phòng của “đảo quốc Mặt trời mọc”. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết các nhà sản xuất lớn như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI Corp đã sử dụng các sản phẩm nhôm không đạt chuẩn của Kobe Steel. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ tên của các thiết bị quốc phòng bị ảnh hưởng.
Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản và quản lý nhà nước. Gần đây nhất, hãng sản xuất túi khí đã phá sản Takata là nguyên nhân dẫn tới cuộc triệu hồi xe lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.
Trước tình hình này, Giáo sư Thomas Clarke, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần khi các nền kinh tế châu Á khác, gồm cả Trung Quốc, dần dần nâng cao chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm do họ làm ra. Chính vì thế, không ít chuyên gia đã đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp muốn tránh scandal rằng, đã đến lúc mỗi công ty cần ngừng quảng bá mình là hàng Nhật Bản. Thay vào đó, họ nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Theo Dân Trí