Dưới đây là một số tình huống giao thông tài xế không nên cố vượt để đảm bảo an toàn.

Khi sắp đến đoạn đường giao nhau

Các con đường ở vùng nông thôn thường xuyên có nhiều đường nhánh từ trong thôn xóm ra đường lớn, lại thiếu biển báo giao cắt, ít đèn tín hiệu nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn. Nếu định vượt nhưng chợt thấy phía trước có biển báo hiệu giao cắt nguy hiểm hoặc có dân sinh băng qua thì hãy dừng lại để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Trên thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc do tránh ô tô, xe máy từ trong đường dân sinh phóng ra, tài xế giật mình đánh lái khiến lật xe hoặc bị xe cùng chiều tông vào, hậu quả khôn lường.

Không nên vượt khi sắp đến các đoạn đường giao nhau

Xe phía trước đột ngột đi chậm hoặc phanh gấp

Khi chiếc xe phía trước đột ngột chậm lại, chắc hẳn có vấn đề không bình thường phía trước chiếc xe đó. Vô vàn tình huống có thể xảy ra. Đó có thể là một vụ va chạm, vật cản hoặc biển báo giới hạn tốc độ, hoặc đơn giản chỉ là chiếc xe đó sắp đến chỗ rẽ.

Nếu cố vượt trong tình huống này, điều nguy hiểm là chúng ta không nhìn thấy, cũng không dự đoán được vật cản sẽ xuất hiện từ bên phải hay bên trái đường. Như vậy, tình huống lái xe thêm khó lường khi vừa phải đạp ga tăng tốc vượt qua, vừa phải căng mắt quan sát trong điều kiện tầm nhìn bị che khuất.

Thấy một con dốc cao mà không biết phía bên kia dốc có gì

Dọc các tuyến đường liên tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, tài xế có thể thường xuyên bắt gặp những con dốc ngắn hay đơn giản là những chiếc cầu có độ dốc khá cao. Điều này khiến tài xế không thể đoán trước phía bên kia dốc có những xe nào đang đi cũng như có xe nào muốn vượt nhau theo chiều ngược lại hay không. Bởi vậy, tốt hơn hết là lái xe nên kiên nhẫn thêm một đoạn để bám theo xe trước cho đến khi qua dốc rồi mới vượt.

Tài xế không nên vượt dốc khi không biết phía bên kia dốc có gì

Đối với dốc cầu, pháp luật hiện hành đã có quy định cấm vượt khi đang trên cầu nhưng với con dốc trên đường, tốt nhất là qua dốc rồi xin vượt.

Vượt xe ở hầm chui, cầu vượt, hầm vượt

Đối với những đường hầm chui, cầu vượt ở Việt Nam thường rất nhỏ hẹp, thường có 2 làn riêng biệt, 1 làn dành cho ô tô, 1 làn dành cho xe máy do vậy tài xế không nên cố gắng lấn làn xe khác để vượt. Vì như vậy không những vi phạm luật giao thông mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho chính mình và người khác.

Luật giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ cách di chuyển trong hầm đối với ô tô: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.”

Đối với những đường hầm chui, cầu vượt ở Việt Nam thường rất nhỏ hẹp do vậy tài xế không nên cố gắng lấn làn xe khác để vượt

Ở một khúc đường cong

Vượt ở một khúc cua không thấy đích, không có gương cầu cũng là điều vô cùng nguy hiểm và đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm vì lý do này. Bởi vì tầm nhìn phía trước của tài xế rất bị hạn chế, rất khó phán đoán cuối đoạn cua có xe di chuyển hay không, còn chưa kể đến trường hợp cuối khúc cua có giao cắt.

Một chiếc xe, một con trâu đột ngột xuất hiện có thể khiến tài xế phải thắng gấp mà chưa chắc chiếc xe đã dừng lại đúng ý. Tốc độ, quán tính và độ dốc có thể khiến chiếc xe văng phải văng trái dẫn đến tai nạn không đáng có.

Vậy nên chiếc xe phía trước hoặc phía bên kia của chiếc xe luôn che giấu tài xế một điều gì đó, hãy ghi nhớ điều này.

Các quy tắc vượt xe

a. Vượt xe phải có đèn và còi.

b. Chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật.

Không có chướng ngại vật phía trước; Không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt; Xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

c. Phải vượt xe về bên trái.

Theo baohatinh.vn