Cần kiểm tra phương tiện trước khi sử dụng: 

Việc đầu tiên bạn cần làm trước khi tham gia giao thông là kiểm tra xe thật kỹ xem có trục trặc hay bất ổn nào không, đặc biệt là các bộ phận quan trọng như: thắng (phanh) xe, tay ga, còi,…nếu không có chuyên môn hay bạn là người “mù tịt” về xe thì nên mang ra các Trung tâm bảo hành xe máy, các Cửa hàng có uy tín chuyên về xe để nhờ thợ kỹ thuật kiểm tra.

Kiểm tra, sửa chữa xe máy trước khi sử dụng

Không lái xe sau khi uống nhiều bia, rượu:

Ngày Tết, bạn rất khó để từ chối việc sử dụng bia, rượu khi đến nhà người thân, bạn bè, đồng nghiệp, … chúc xuân. Nhưng hãy nhớ nên uống có mức độ và quan trọng bạn phải đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện về nhà an toàn, đó là chưa kể đến việc bạn có thể gặp các anh Cảnh sát giao thông, và việc sử lý vi phạm giao thông là không hề “nhẹ” chút nào đối “ngân sách” của bạn.

Theo Nghị định 46/2016/CP của Chính phủ, phạt đến 4.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 5 tháng đối với hành vi: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; đối với lái xe ô tô bị phạt đến 18 triệu đồng nếu vi phạm nồng độ cồn với mức trên và bị tước giấy phép lái xe 6 tháng. Ngoài ra, còn bị tạm giữ phương tiện 7 ngày (bạn phải đóng thêm một khoản phí “lưu kho” nữa nhé).

Không chở quá số người quy định, hàng hoá cồng kềnh: 

Khi xảy ra TNGT người ngồi giữa sẽ hoàn toàn “bị động” khi phản xạ

Một số bạn trẻ, vì “ngại” đi bộ một quãng đường ngắn mà thường chạy xe máy chở 3 (có khi chở 4), điều này là hết sức nguy hiểm, đặc biệt là tính mạng của người ngồi giữa, vì khi có va chạm, hay sự cố giao thông xảy ra, người ngồi giữa sẽ hoàn toàn “bị động” khi phản xạ, và thương tật sẽ nặng hơn so với người điều khiển và ngồi sau xe. Mặc khác, những ngày giáp Tết, nhiều người tranh thủ mua sắm nên chở hàng hoá cồng kềnh trên xe, khiến việc điều khiển phương tiện trở nên khó khăn, đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cao.

Tuyệt đối tôn trọng Luật Giao thông

Dù là trong dịp Tết hay ngày thường, việc tôn trọng luật lệ giao thông là điều bắt buộc và vì quyền lợi của chính bạn. Do đó, không nên vượt đèn đỏ, tăng 3, tăng 4 với xe máy.

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân và gia đình

Khi sử dụng xe máy, cần đội mũ bảo hiểm. Còn khi điều khiển ôtô, việc thắt đai an toàn cần được thực hiện nghiêm chỉnh bởi chỉ khi thắt đai an toàn bạn mới được bảo vệ. Bên cạnh đó, không nên phóng nhanh vượt ẩu mà hãy đi đúng tốc độ theo quy định.

Luôn tập trung khi điều khiển xe dù đường đông hay vắng

Trên thực tế, việc đường đông đúc trước Tết hay cực kỳ vắng vẻ trong những ngày đầu năm đều tiềm ẩn nguy hiểm nếu bạn không tập trung vào việc điều khiển xe. 

Nhiều vụ TNGT xảy ra do hành động vừa chạy xe vừa nghe điện thoại

Khi đã tham gia giao thông, bạn cần tránh sử dụng điện thoại, ăn uống hay trêu đùa những người xung quanh. Nếu buộc phải nhắn tin hay gọi điện, hãy táp xe vào bên đường và dừng hẳn lại để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.

Không nên lái xe khuya hay lái liên tục trong nhiều giờ

Cần phải nghỉ ngơi hạn chế việc lái xe quá lâu sẽ gây tình trạng mất tập trung, mệt mỏi, buồn ngủ

Dù là xe máy hay ôtô, việc điều khiển liên tục trong nhiều giờ đều có thể dẫn tới tai nạn do người lái mệt mỏi hay buồn ngủ mà mất tập trung. Nếu tự lái xe đi xa, hãy chia thành nhiều chặng để nghỉ ngơi cho khỏe và tỉnh táo. Bên cạnh đó, hãy hạn chế lái xe lúc đêm khuya, đặc biệt là từ khoảng nửa đêm tới 4 giờ sáng, thời điểm dễ xảy ra tai nạn nhất trong ngày. Nếu bất đắc dĩ phải lái xe đêm, bạn nên có người ngồi cạnh nói chuyện để duy trì sự tỉnh táo và cần dừng xe nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt hay buồn ngủ.

Nguồn danhgiaxe, VnExpress, antoangiaothong,gov,vn