Mức phạt cao nhất 35-40 triệu đồng khiến nhiều tài xế sợ không dám uống rượu bia rồi lái xe. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ, với chế tài xử phạt cao, lực lượng CSGT làm gắt gao sau một năm triển khai đã có tác dụng răn đe rất lớn, tình trạng uống rượu rồi cầm lái đã giảm đáng kể. Song, gần đây, vi phạm lại tăng lên, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, bệnh nhân TNGT phải cấp cứu do rượu bia lại tăng mạnh.
Vừa uống rượu… vẫn lái xe
Có mặt tại khu vực Linh Đàm (Hà Nội) vào một buổi trưa của ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp sau khi nhậu say xỉn đã leo lên xe máy phóng đi vội vã. Hai trường hợp là nam giới trên 40 tuổi, sau khi ăn nhậu tại một nhà hàng, mặt đỏ gay lái xe ra đường. Người điều khiển xe máy đi không vững, suýt tông vào người bên cạnh.
Ngay sau đó, anh này bị một đồng chí CSGT của Đội CSGT số 14, Công an TP Hà Nội tuýt còi yêu cầu đưa xe vào lề đường để kiểm tra. Người đàn ông cầm lái vì say rượu đã không dắt nổi xe khiến cán bộ CSGT phải dắt hộ. Anh này bị lập biên bản vi phạm vì điều khiển xe mô tô vượt quá nồng độ cồn.
Khi được hỏi, anh giải thích: “Hôm nay liên hoan cuối năm, tôi uống có 2 cốc bia thôi, không hiểu sao mặt lại đỏ thế”. Theo các cán bộ Đội CSGT số 14, hầu như lái xe nào vi phạm nồng độ cồn cũng nói mình chỉ uống chút xíu, nhưng khi đo thì đều vượt ngưỡng nhiều lần.
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông (ảnh minh họa)
Cùng thời điểm đó, một trường hợp bị CSGT phát hiện tại khu vực này, chở vợ ngồi sau trong tình trạng say rượu. Khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, thổi nồng độ cồn thì nhất quyết không hợp tác và cãi “tôi không uống rượu”. Mặc dù trên người anh người này nồng nặc mùi rượu, không dắt nổi xe nhưng nhất quyết không hợp tác. “Những trường hợp thế này, chúng tôi phải chờ người ta tỉnh rượu mới tiếp tục làm việc, vì có nói gì bây giờ họ cũng không nghe”, một đồng chí CSGT cho biết.
Tại Hà Nội, để tránh bị CSGT “tuýt”, nhiều dân nhậu chọn quán bia ở ngõ nhỏ, nơi không có lực lượng kiểm soát. Tại quán bia trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ cứ chiều đến khách đông nườm nượp, kể cả khi có dịch COVID-19. Có khách nhậu ở đây vài tiếng, uống tới cả chục cốc bia, song vẫn điềm nhiên lên xe máy đi như thường. Nơi đây chiều nào cũng chật ních xe máy của khách vào uống bia.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Công an TP Hà Nội, cho biết: Ngoài đảm bảo TTATGT trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi còn thành lập 1 tổ phối hợp với Công an quận Hoàng Mai kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong 15 ngày, tổ đã xử lý được 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt hơn 318 triệu đồng. Lỗi nặng nhất chúng tôi xử phạt lên tới 35 triệu đồng đối với tài xế ô tô vi phạm.
Theo Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, dịp cuối năm và giáp Tết, nhiều người và nhiều cơ quan tổ chức liên hoan, dẫn tới vi phạm về nồng độ cồn tăng. Qua nghiên cứu tại khu vực quận Hoàng Mai, buổi trưa và tối là khi có nhiều người sau khi ăn nhậu uống rượu, bia tham gia giao thông nhất. Vi phạm chủ yếu xung quanh khu vực Linh Đàm, Định Công, nơi có nhiều quán ăn, nhà hàng. Gần đây, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khách đến quán ăn đã giảm, song vẫn có trường hợp uống rượu bia rồi cầm lái. “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho người dân tham gia giao thông không uống rượu bia, đặc biệt là dịp Tết để người dân nâng cao ý thức, phòng ngừa TNGT”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn nói.
Những hậu quả thảm khốc
Theo chân tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn tại TP Lạng Sơn, khi chứng kiến một thanh niên sau khi nhậu xỉn lái ôtô, bị kiểm tra, anh này nhất quyết không chịu hợp tác vì “tôi không uống rượu, chỉ uống tí bia thôi”.
Thượng tá Tô Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Cá biệt còn có những trường hợp chống đối lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Nhiều trường hợp lúc đầu không hợp tác đo nồng độ cồn, chúng tôi phải giải thích, vận động thì họ mới chịu”. Đây là những trường hợp bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý, còn nhiều trường hợp tham gia giao thông trong tình trạng say rượu không phát hiện kịp thời, đã gây ra TNGT với hậu quả nặng nề.
Theo Thượng tá Tô Ngọc Dũng, TNGT tại Lạng Sơn năm 2020 giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ TNGT có liên quan đến người đều khiển giao thông uống rượu bia gây ra. “Thường những vụ TNGT liên quan đến rượu bia đều có hậu quả rất nặng nề”, Thượng tá Dũng nói.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, vi phạm nồng độ cồn chủ yếu xảy ra ở một số huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt rơi vào dịp lễ tết, cưới hỏi, lễ hội. Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở đây mỗi dịp này đều uống rượu, mặc dù say vẫn cầm lái, thậm chí còn chở 2-3 người, phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ gây TNGT. Nếu trên đường đi họ có thông tin CSGT đang làm nhiệm vụ gần đó là tìm cách đi đường vòng, trốn tránh.
Có mặt tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, chứng kiến cảnh nhiều thanh niên còn rất trẻ nhưng đang trong tình trạng nguy kịch do uống rượu say tự gây tai nạn, chúng tôi mới thấy hết hậu quả đáng sợ của “ma men” cầm lái. Nam thanh niên 22 tuổi, quê ở Lạng Sơn, công tác tại Thanh Hóa, bị TNGT vào ngày mùng 3 Tết. Theo bạn của nạn nhân, sau cuộc vui chúc Tết, anh này uống rượu say và lên xe máy đi về. Do không làm chủ được tốc độ, bệnh nhân tự tông vào lề đường, đã được Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa phẫu thuật vỡ tá tràng. Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương bụng, sốc suy đa tạng. Các bác sĩ phải hồi sức tích cực, nhưng bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Ths.BS Phạm Vũ Hùng, Quyền Trưởng Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương cho biết, trong 6 ngày Tết, tổng số bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức giảm 25 ca so với cùng kỳ Tết năm ngoái, nhưng số bệnh nhân TNGT có sử dụng rượu bia lại tăng với 49 ca so với năm 2020 là 35 ca.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, tình trạng TNGT vào viện cấp cứu và điều trị năm 2020 có liên quan đến nồng độ cồn giảm hơn so với trước khi có Nghị định 100, nhưng vẫn còn cao. Ths.BS Phạm Gia Anh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, nạn nhân đa số trong độ tuổi lao động, đáng tiếc có nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, gần như không cứu được do tổn thương về sọ não quá nặng, kèm theo đa chấn thương, huyết áp tụt, sốc. Có trường hợp vào viện thì tử vong hoặc tử vong trên đường đi cấp cứu.
Thế nhưng, hàng ngày, hàng giờ, vui cũng uống, buồn cũng uống, khi bị lệ thuộc vào nồng độ cồn, con người đã không điều khiển được hành vi, phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ khi cầm lái và gây ra TNGT cho chính mình, làm liên lụy đến người vô tội. Theo Thượng tá Tô Ngọc Dũng, đối với các vi phạm nồng độ cồn, Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn đều kiên quyết xử lý, không có trường hợp ngoại lệ. “Mức xử phạt cao nhất của chúng tôi đối với người điều khiển ôtô uống rượu bia là 35 triệu đồng”, Thượng tá Dũng cho biết.
Theo Cục CSGT