Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Tạ Tôn
Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT cần đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 149/2016 quy định chi tiết về Luật Giá và sửa đổi Thông tư 35/2016 theo hướng bỏ trần giá sử dụng đường bộ tại các dự án BOT làm mới, có đường khác cho người dân lựa chọn. Mức giá tại các dự án này để thị trường quyết định, còn cơ quan Nhà nước chỉ kiểm soát trần giá vé tại các tuyến đường độc đạo.
Ông Nguyễn Danh Huy
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư:
Nhà nước chỉ kiểm soát giá trần với đường độc đạo
Theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức giá dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Trước đây, khi Bộ GTVT chưa ban hành Thông tư 35, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện nay, trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy.
Về mức giá, tôi lấy ví dụ, một con gà bây giờ có giá 20 nghìn đồng thì 20 năm sau, còn gà đó không thể vẫn giữ giá 20.000 đồng. Do đó, đối với các dự án giao thông cũng cần phải có lộ trình tăng giá sử dụng dịch vụ như thế nào cho hợp lý, chúng ta không thể công bố giá cố định mãi mãi được.
Quan điểm của chúng tôi là khi sửa đổi Nghị định 149/2016 và Thông tư 35 cần bỏ trần giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án đường cao tốc, dự án đường BOT có tuyến song hành cho người dân lựa chọn, mức giá sẽ do thị trường quyết định. Nhà đầu tư đưa ra giá cao, người dân sẽ không lựa chọn, nếu giá thấp, hợp lý, phương tiện sẽ đi vào. Cơ quan Nhà nước chỉ kiểm soát giá trần đối với các dự án đường độc đạo. Thực tiễn trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện thu giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc theo giờ cao điểm với mức cao, giờ thấp điểm họ giá xuống rất thấp để người tham gia giao thông lựa chọn. Đây là giải pháp hiệu quả để điều tiết giao thông.
PGS.TS.Trần Chủng
PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng):
Nên để thị trường quyết định mức giá
Bộ GTVT đang nghiên cứu sửa đổi thông tư thay thế Thông tư 35 theo hướng bỏ trần giá sử dụng dịch vụ đường bộ đối với các dự án BOT đường cao tốc, hầm đường bộ xây dựng, để giá vé do thị trường quyết định là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn.
Đối với các công trình giao thông, mức phí sử dụng đường bộ cũng cần phải tuân theo cơ chế thị trường, chủ phương tiên đi trên những công trình hầm, đường cao tốc hiện đại, được phục vụ tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn như tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm chi phí xăng dầu, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT thì phải trả mức phí dịch vụ cao hơn, nói nôm na là tiền nào của nấy, chứ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không nên quy định mức giá trần như hiện nay.
Khi quy định về mức giá dịch vụ đường bộ được sửa đổi theo hướng bỏ áp giá trần, mức giá để thị trường quyết định không chỉ giúp các dự án hầm đường bộ, đường cao tốc tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn vốn mà còn tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tiếp tục tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Cần ban hành khung giá vé cho từng loại công trình
Vướng mắc lớn nhất trong Thông tư 35 của Bộ GTVT là quy định trần giá sử dụng dịch vụ cho các dự án đường bộ. Các dự án không phân biệt là cầu, hầm hay dự án đường bộ đều bị khống chế bởi trần giá vé.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, khi sửa đổi Thông tư 35 sắp tới, việc bỏ trần giá dịch vụ tại các dự án đường bộ sẽ khó khả thi vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định hiện hành, nhất là từ phía Bộ Tài chính.
Bất cập khi quy định trần giá vé là chúng ta khống chế giá vé bên trên nhưng giá vé dưới đáy là bao nhiêu thì không quy định. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, Bộ GTVT có thể đưa ra khung giá dịch vụ cho từng loại công trình đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu,… Trong đó, sẽ quy định mức giá thấp nhất và cao nhất về phí sử dụng dịch vụ cho từng loại công trình.
Ông Mai Tuấn Anh
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC):
Giá vé đường cao tốc cần linh hoạt, không chốt cứng
Các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều là những tuyến xây mới và có đường song hành để người tham gia giao thông lựa chọn. Tuy nhiên, mức giá sử dụng dịch vụ của các tuyến đường này đều đang chịu ảnh hưởng của Thông tư 35. Tôi cho rằng, đối với các tuyến xây mới, có đường song hành, mức giá cần phải được điều chỉnh linh hoạt chứ không thể chốt cố định như hiện nay tại Thông tư 35. Ví dụ, như trước đây, chúng tôi cũng đã từng đề xuất điều chỉnh mức giá trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo khung giờ thấp điểm, cao điểm. Phương tiện đi vào giờ cao điểm sẽ trả phí cao, thấp điểm trả phí thấp.
Đây là hình thức điều tiết giao thông bằng kinh tế khuyến khích các phương tiện đi vào các khung giờ thấp điểm nhằm giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, do vướng phải những quy định trong Thông tư 35 nên phương án trên đã không thể được thực hiện. Hơn nữa, đối với những dự án cao tốc làm mới, hiệu quả rất cao, nếu chúng ta cứ giới hạn mức giá sử dụng dịch vụ sẽ dẫn tới việc hoàn vốn của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc này cần tuân theo cơ chế nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao.
Ông Trần Văn Thế
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả:
Cần bỏ áp giá tối đa đối với các dự án BOT giao thông đầu tư mới
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi những quy định bất cập trong Thông tư 35. Tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất quyết liệt và cần thiết của người đứng đầu ngành GTVT để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư BOT giao thông, trong đó có hầm Đèo Cả.
Theo tôi, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư thay thế Thông tư 35, khi quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các dự án đường bộ để kinh doanh cần đảm bảo phù hợp với nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn và phù hợp với thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đồng thời có tính đến lợi ích của người dân, không gây phản ứng khiếu kiện như thời gian qua.
Trong thông tư mới, Bộ GTVT cần bỏ quy định áp giá tối đa đối với các dự án BOT giao thông đầu tư mới, có tuyến đường song hành đảm bảo sự lựa chọn cho người dân và mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại các dự án này cần tuân theo quy luật của nền kinh tế, để thị trường quyết định mức giá.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 của Nghị định 149/2016 ngày 11/11/2016, Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Cụ thể, tại khoản e, điều 8, Nghị định 149 nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Theo tôi, sắp tới khi sửa đổi, Bộ GTVT cần kiến nghị Chính phủ bỏ quy định áp giá tối đa đối với các dự án BOT giao thông đầu tư mới, có tuyến đường song hành và mức giá tại các dự án này sẽ do thị trường quyết định.
Theo Báo Giao thông