Một trong những biện pháp phải kể đến đó là việc triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn. Báo Cà Mau phỏng vấn ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, xung quanh việc triển khai công tác này năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
ông Hồ Hoàn Tất
Ðội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Cà Mau thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại các tuyến đường khu vực nội ô vào ban đêm.
- Ông có thể đánh giá những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trong năm 2023?
Ông Hồ Hoàn Tất: Năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm soát lỗi vi phạm nồng độ cồn, bởi đây là một trong những lỗi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây mất ATGT. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm 2023, các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh ra quân tuần tra, phát hiện xử lý vi phạm TTATGT 66.039 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 3.776 trường hợp), trong đó lỗi vi phạm ở mức cao, có nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT như vi phạm nồng độ cồn là 15.089 trường hợp. Chỉ tính riêng địa bàn TP Cà Mau trong những ngày Tết, các lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và có cả sử dụng ma tuý khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ đó mà tình hình TTATGT trên địa bàn cơ bản được đảm bảo.
Việc ra quân tuần tra kiểm soát đối với lỗi vi phạm này đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi Chính phủ nhận thấy nên kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để có thể có chế tài, xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hoá giao thông “Ðã uống rượu, bia không lái xe”.
- Theo ông, việc chấp hành quy định vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Ông Hồ Hoàn Tất: Như chúng ta đã biết, việc ra quân quyết liệt, hiệu quả trong việc tuần tra kiểm soát nồng độ cồn ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh từng bước làm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, nhất là tại các khu vực nội đô TP Cà Mau. Người tham gia giao thông đã tự ý thức được chuyện phải làm gì sau mỗi bữa tiệc có sử dụng rượu bia, đó là họ sẽ sử dụng các dịch vụ đưa rước về tận nhà hoặc nhờ người thân chở về. Ðiều này cho thấy càng ngày người tham gia giao thông càng ý thức hơn về vấn đề uống rượu bia khi tham gia giao thông, tự xây dựng thói quen “Ðã uống rượu bia không lái xe”.
Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người tham gia giao thông còn lơ là, chủ quan trong việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, nhất là lao động phổ thông và tại các khu vực nông thôn, họ thường chủ quan là lực lượng chức năng ít kiểm soát tới. Vì vậy, trong thời gian tới cần chú trọng tuyên truyền, cũng như tăng cường kiểm tra tại các khu vực này, từng bước nâng dần ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông.
- Xin ông cho biết phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn sẽ được Ban ATGT tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Hồ Hoàn Tất: Ðể tiếp tục giữ vững những thành quả đạt được thời gian qua trong việc kiểm soát nồng độ cồn, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ... theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần phòng ngừa TNGT do các lỗi vi phạm này gây ra. Bên cạnh tuyên truyền trên các cơ quan thông tin đại chúng, Ban ATGT tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức sáng tạo khác, từng bước nâng dần ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần kéo giảm TNGT ở mức thấp nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Cà Mau