Trong xu hướng xe hơi số tự động ngày càng phổ biến, thay thế cho xe số sàn ở mọi phân khúc, số lượng tài xế thuần thục chạy xe số sàn theo đó cũng giảm dần. Điều khiển một chiếc xe số sàn là sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả hai tay và hai chân để ga, phanh, vào số, đánh lái cho phù hợp nhất. Có những thói quen không chính xác mà nhiều tài xế vẫn sử dụng khi chạy xe số sàn. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến.
Về N khi đổ dốc
Về N khi đổ dốc cũng tương tự việc cắt côn khi vào cua nhưng tính chất thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi lẽ độ dốc khiến trọng lực tác dụng vào xe lớn, quán tính tăng nhanh. Đường dốc lại thường nằm ở địa hình đồi núi, khi liên tục quanh co, phải đánh lái nhiều. Về N tăng rủi ro hơn bao giờ hết. Trong trường hợp này cần về số thấp để hãm xe bằng phanh động cơ, theo nguyên tắc “lên số nào, xuống số đó”.
Côn trước, phanh sau
Thông thường, các tài xế mới hay có thói quen côn trước, phanh sau. Một số tài xế lâu năm cũng có thói quen này vì sợ chết máy. Nếu di chuyển ở tốc độ thấp, việc côn trước, phanh sau không gây ảnh hưởng lớn vì quán tính của xe thấp. Tuy vậy, nếu xe di chuyển ở tốc độ cao mà tài xế lại cắt côn trước để dừng xe sẽ khiến phanh mất tác dụng và xe sẽ mất độ bám đường như trường hợp cắt côn vào cua.
Chính vì vậy, lời khuyên của những người có nhiều kinh nghiệm lái xe ô tô là trong mọi trường hợp, bạn hãy phanh trước, tới khi xe có dấu hiệu sắp "lựng khựng" thì nhấn côn để ngắt kết nối trước khi về số hay chạy tiếp.
Không dùng côn để giữ xe trên dốc
Khi dừng trên dốc, rất nhiều tài xế quen cách nhả côn tới điểm giữ cho xe đứng yên. Tuy nhiên, đây là cách hại hộp số khi các chi tiết như bố ly hợp, bánh răng dẫn động, ổ bi sẽ phải chịu lực ma sát rất lớn để giữ cả khối lượng xe đứng yên trên dốc, trong khi thắng ở 4 bánh có thể đảm nhận trách nhiệm này một cách nhẹ nhàng.
Thực tế tính năng này chỉ cho phép giữ xe đứng yên trong 1- 2 giây để người lái có thời gian chuyển từ bàn đạp thắng sang bàn đạp ga. Hãy sử dụng thắng tay khi đậu xe lâu hơn 5 giây, nếu sợ xe bị trượt dốc khi di chuyển, hãy thả bớt chân côn, dậm thêm ga và từ từ nhả thắng tay để xe bò lên dốc.
Ép số để tăng tốc
Số cao trên cần số có vai trò giúp xe đi nhanh nhưng vẫn giữ vòng tour máy thấp, giúp tiết kiệm nhiên liệu và các chi tiết máy được hoạt động với áp lực thấp nhất. Khi muốn tăng tốc, các bác tài thường về 1 số, tăng ga, sau đó mới lên lại số cũ, điều này giúp xe tăng tốc rất nhanh nhưng cũng hại hộp số hơn so với cách nhấn thêm ga để tăng tốc.
Ngoài ra, chỉ sang số khi xe đạt đủ vận tốc, hạn chế thói quen sang số khi vòng tour máy chạm đến vạch đỏ. Bắt hộp số phải làm việc dưới sức ép lớn lâu ngày, tuổi thọ của nó chắc chắn sẽ bị giảm.
Cắt côn khi vào cua
Cắt côn khi vào cua là thói quen nguy hiểm của nhiều tài xế. Khi cắt côn, xe chỉ chạy theo quán tính mà không bị hãm bởi động cơ, do đó cảm giác xe chạy mượt mà, đánh một “lèo” khi qua cua, khiến nhiều tài xế ưa thích. Tuy nhiên, đây lại là thói quen nguy hiểm.
Khi chỉ còn lăn bánh theo quán tính, hệ thống phanh giảm tác dụng, đòi hỏi quãng đường phanh lớn hơn, tài xế khó kiểm soát tốc độ nếu đánh lái thừa hoặc thiếu. Bên cạnh đó, bánh xe giảm độ bám đường khiến tăng rủi ro mất lái.
Lười chuyển số
Việc lười chuyển số khi cần sẽ khiến xe bị ì, không đảm bảo sức kéo.
Rất nhiều tài xế có thói quen lạm dụng chân ga, lười chuyển về số thấp. Chính vì vậy, khi gặp những tình huống giao thông phải đi chậm, nối đuôi hoặc sau đó cần đà để vượt, nhiều người vẫn dùng kiểu "đi một số”. Trong nhiều trường hợp đáng ra nên sử dụng số thấp để đảm bảo sức kéo, giúp xe tăng tốc nhanh (khi vượt) nhưng tài xế vẫn sử dụng số cao (số 5) khiến cho xe bị ì, thời gian vượt lâu và có thể dẫn đến nguy hiểm.
Tiết kiệm hơn số tự động
Quan niệm đi xe số sàn tiết kiệm hơn xe số tự động chỉ đúng ở giai đoạn trước, khi xe số tự động còn chưa phổ biến, công nghệ mới nên ăn xăng hơn. Nhưng hiện nay, xe số tự động chiếm phần lớn, công nghệ liên tục cải tiến, khiến mức tiêu thụ ngang bằng thậm chí ít hơn với chiếc xe lắp số sàn tương ứng.
Xe có tiết kiệm nhiên liệu hay không nằm ở kỹ năng điều khiển. Với số sàn, cần đi ở số hợp lý, chăm chuyển số để giữ độ bền động cơ. Nếu kỹ năng lái xe không thành thục, thì hộp số nào cũng tốn nhiên liệu như nhau.
Những lưu ý khi lái xe ô tô số sàn
- Ra vào số đúng tốc độ: Có một thực tế là hầu hết các tài xế thường sang số khi máy chưa đủ vòng tua khiến xe bị ì, không thoát máy. Nếu bạn chưa đạt đủ tốc độ đã vào số cao sẽ làm cho xe ì, đạp ga xe không tăng tốc được (chạy ép số).
Nếu vào số hợp lý xe sẽ khỏe để vào các số sau và giữ cho máy bền hơn, cộng với thao tác sang số nhanh (giảm ga và cắt côn nhanh – sang số – nhả côn từ từ kết hợp tăng ga), xử lý chướng ngại vật trên đường tốt sẽ đi được nhanh và êm hơn.
- Sử dụng chân côn hợp lý: Khi sử dụng côn, điều làm côn mau mòn không phải là do dùng nhiều hay chạy rà côn mà chính là cho côn tiếp xúc với bánh đà của máy một cách đột ngột hoặc tốc độ bánh đà của máy và sơ cấp ly hợp khi tiếp xúc không cùng vận tốc, tốc độ xe với vòng tua máy không phù hợp.
Khi đạp - nhả côn, nếu xe không khựng lại hoặc vọt tới có nghĩa là thao tác đúng, khi nhả côn tiếng máy không thay đổi, tốc độ xe vẫn di chuyển êm ái là được.
Chỉ đạp chân côn khi thay đổi số là chưa tận dụng được ưu thế của nó. Khi chạy đường xấu nên cắt côn tùy lúc để xe tránh bị giằng - giật. Khi vượt chướng ngại vật chỗ đông người nên rà côn cho an toàn.
- Chú ý khi dùng phanh tay: Nhiều tài xế thường sử dụng phanh tay khi đề-pa ngang dốc và nếu có dấu hiệu tụt dốc lại xiết phanh tay. Thật ra phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ yêu cầu là giữ xe đứng yên khi xe đã dừng.
Nếu phanh tay không nhả ra hoàn toàn khi xe đang chạy sẽ dẫn đến sớm bị mòn do hiện tượng trượt bố phanh, nhưng điều nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng.
- Khi nào nên về số “mo”: Khi đang đi trên đường mà trả xe về số 0 là việc không nên làm vì thực tế không tiết kiệm xăng bao nhiêu mà còn làm cho quán tính của xe tăng lên đột ngột, khiến bạn sẽ khó mà kiểm soát được tốc độ, dễ bị mất lái, nếu ngay lúc đó gặp chướng ngại vật cần đạp phanh ngay thì phanh cũng không mấy hiệu quả./.
vnexpress.net, baonghean.vn