Điện thoại và những cái chết thương tâm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới có 5 nguy cơ chính đối với vấn đề an toàn giao thông (ATGT) và tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn cầu, bao gồm: lái xe mất tập trung, phóng nhanh vượt ẩu, không sử dụng mũ bảo hiểm; uống rượu bia khi tham gia giao thông, không thắt dây an toàn cho bản thân và trẻ nhỏ.
    Trong số các nguy cơ này, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, nước ta cần đặc biệt lưu ý đến biện pháp để hạn chế, giảm thiểu tình trạng lái xe mất tập trung, đặc biệt là sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Đây cũng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm.

            
          Sử dụng điện thoại khi đang lái xe, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông - ảnh OVV st
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm việc nghe và cầm điện thoại khi tham gia giao thông. Các nhà khoa học đã chứng minh, việc nghe và nói chuyện sẽ làm giảm nhận thức với môi trường xung quanh. Đặc biệt, trong môi trường giao thông phức tạp, việc bị xao lãng do sử dụng điện thoại khi điều khiển xe sẽ làm giảm khả năng phản ứng của con người, dẫn đến TNGT khi tham gia giao thông”.
    Tại Việt Nam, tình trạng người dân sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Thực tế đã nhiều lần chứng minh, đây là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. 
    Điều chỉnh chế tài để tăng sức răn đe
Theo Vụ Pháp Chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ VN  nhìn nhận “Nhiều trường hợp người lái xe sử dụng điện thoại gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, vừa qua, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến việc sử dụng điện thoại khi qua đường tàu, không nghe được tiếng tàu đến, gây ra những tai nạn thương tâm.


   Nghe điện thoại khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân gây tai nạn – ảnh OVV st
Luật Giao thông đường bộ nước ta đã có quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, Luật mới chỉ dừng ở quy định cấm sử dụng điện thoại đối với người đi xe máy, trong khi người đi ô tô thì còn bỏ ngỏ. Điều này cho thấy bất cập, khiến việc xử phạt của lực lượng CSGT gặp khó khăn. Bên cạnh đó, điều này cũng chưa phù hợp với với Công Ước Quốc tế 1968 về Giao Thông Đường Bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ mà VN đã gia nhập vào cuối năm 2015. Cụ thể, Công ước cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, trong khi Luật nước ta còn thiếu chế tài đối với người điều khiển ô tô.
    Bởi vậy, Nghị định 46/2016 đã bổ sung thiếu sót này. Theo đó, từ ngày 1-8-2016, người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đều bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính”. Mức phạt này đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi so với mức phạt cũ là 60.000 - 80.000 đồng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Đặc biệt, từ 1-1-2017, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đối với hành vi “dùng tay sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển xe chạy trên đường”. Quy định này được đánh giá là cần thiết và phải làm ngay để chấn chỉnh tình hình vi phạm gây mất an toàn giao thông và là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT ở nước ta.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc xử lý của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông mới là điều quan trọng nhất để góp phần giảm thiểu tai nạn. Bởi vậy, không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông nói riêng và thực hiện các hành vi nguy cơ gây mất an toàn giao thông nói chung nên được mỗi người dân chúng ta coi là việc làm bắt buộc. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho việc đảm bảo an toàn mọi người và góp phần giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông gây ra. 
                                                                          Theo VOVGT – Ong Vò Vẽ sưu tầm