Hiện, nhu cầu trạm dừng nghỉ trên cao tốc là rất cấp bách, nhà đầu tư xếp hàng tham gia, vấn đề là cơ chế, cách thức như thế nào để triển khai sớm.

Báo Giao thông trao đổi với ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển GTVT xung quanh nội dung này.

Ông Phạm Hoài Chung. Ảnh: Tạ Hải.

Vì sao còn ít trạm dừng nghỉ?

Cả nước hiện có hơn 1.700km cao tốc được đưa vào khai thác, nhưng hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ. Đơn cử như tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dài hơn 170km không có điểm dừng nghỉ. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu. Thông thường, giai đoạn đầu tuyến đường đưa vào khai thác, có độ trễ về lưu lượng xe, sau 3-5 năm phương tiện mới tăng trưởng nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Hầu hết các trạm dừng nghỉ được định hướng theo hình thức huy động nguồn lực đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, do các quy định, hướng dẫn giai đoạn trước đây chưa được đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai gặp khó khăn.

Vậy theo ông, khó khăn nhất trong thu hút đầu tư trạm dừng nghỉ là gì?

Khó nhất là tuyến đó có lưu lượng xe tốt hay không. Tuyến có lưu lượng xe thấp, thời gian hoàn vốn dài, nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Thêm nữa, trước đây chúng ta chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên vướng mắc trong triển khai, mỗi nơi đầu tư trạm dừng nghỉ một kiểu.

Như ông vừa nói, nhà đầu tư thường chỉ muốn làm trạm ở những tuyến có lưu lượng cao, có khả năng đảm bảo doanh thu?

Yếu tố đầu tiên nhà đầu tư quan tâm là số năm hoàn vốn và tạo lợi nhuận. Lưu lượng xe trên tuyến là yếu tố quan trọng để họ cân nhắc. Tuy nhiên, nếu là nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính có thể yên tâm đầu tư vì lưu lượng xe sẽ tăng trưởng trong thời gian không lâu.

Đây cũng là yếu tố để lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm lực về kinh tế, tài chính, có thể khai thác lâu dài.

Vậy, có cách nào làm nhanh trạm dừng nghỉ ở các tuyến cao tốc ở vùng sâu, vùng xa, lưu lượng xe thấp, không thu hút được nhà đầu tư?

Trong trường hợp đặc biệt, các vị trí ở vùng sâu, vùng xa nhà nước có thể bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng đồng bộ cả tuyến đường và trạm dừng nghỉ. Đến khi lưu lượng xe tăng cao có thể bán quyền cho tư nhân quản lý khai thác.

Quy định đã đủ, làm sao triển khai nhanh?

Theo quy hoạch vừa được Bộ GTVT phê duyệt, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam còn 26 trạm dừng nghỉ cần được đầu tư trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng để trạm dừng nghỉ được làm nhanh, có thể tính kinh phí đầu tư vào tổng mức đầu tư tuyến đường. Quan điểm của ông thế nào?

Trong bối cảnh vốn đầu tư công phải dành cho phát triển cao tốc, nhà nước không bỏ tiền ra làm những công trình có khả năng thu hút đầu tư.

Nhà đầu tư cần đáp ứng nhiều tiêu chí

Theo Thông tư 01 của Bộ GTVT, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ phải có giá trị đề nghị trúng thầu, phải có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án không thấp hơn giá trị khối lượng công việc được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu.

Đề xuất giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án không thấp hơn giá trị được xác định trong hồ sơ mời thầu; có đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền do nhà đầu tư đề xuất tại hồ sơ dự thầu ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định không thấp hơn giá sàn, nhà đầu tư có giá trị cao nhất sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu.


Kinh phí xây mỗi trạm dừng nghỉ khoảng vài trăm tỷ đồng. Với hàng chục trạm chúng ta sẽ tiết kiệm được số tiền lớn để làm công trình giao thông khác.

Việc tách hạng mục trạm dừng nghỉ ra thành hạng mục riêng để kêu gọi đầu tư là phù hợp với điều kiện nguồn lực hiện nay.

Thực tế hiện nay cho thấy, có những tuyến cao tốc, người dân phải xếp hàng 30 phút mới đến lượt đi vệ sinh. Như vậy là nhu cầu đã rất cấp bách, trong khi việc đầu tư trạm dừng phải theo quy trình của dự án xây dựng cơ bản. Theo ông, để đẩy nhanh thì liệu có cần cơ chế đặc thù?

Đúng là thực tế đang rất bức xúc, nếu có thể xin cơ chế đặc thù chỉ định nhà đầu tư thực hiện thì rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trạm dừng nghỉ chỉ là một hạng mục của đường cao tốc nên rất khó để xin cơ chế đặc thù.

Đối với cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội đã có các cơ chế đặc thù chung như cho phép chỉ định thầu tư vấn thiết kế, chỉ định thầu thi công thì không nên sinh ra đặc thù chi tiết hạng mục của dự án.

Thủ tục đầu tư dự án, quy trình thu hút đầu tư theo đúng quy định của pháp luật là bắt buộc nhưng chúng ta có thể cố gắng rút gọn các quy trình. Không nên sinh ra nhiều cơ chế chính sách đặc thù vì trạm dừng nghỉ chỉ là hạng mục đầu tư dân dụng thông thường, kinh phí không nhiều, xây dựng hạ tầng đơn giản và trạm dừng nghỉ trên cao tốc được dự báo doanh thu khá tốt.

Vấn đề ở đây là cải thiện quy trình thực hiện thu hút đầu tư bằng việc đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư. Cùng với xây dựng tuyến đường có thể song hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, xây dựng đồng bộ để khi cao tốc đưa vào khai thác có ngay trạm dừng nghỉ.

Như ông nói thì các quy định hiện nay không vướng, nhưng thực tế thiếu trạm dừng cao tốc là sự thật. Cuối cùng vấn đề nằm ở đâu?

Song song với việc đầu tư để đến năm 2030 có 5.000km cao tốc, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 01/2023, về cơ bản đã “cởi trói” cho hình thức đầu tư, giúp thu hút doanh nghiệp tư nhân làm trạm dừng nghỉ dễ dàng hơn.

Các chỉ đạo của Bộ GTVT gần đây cũng theo hướng đầu tư song hành trạm dừng nghỉ với đầu tư đường cao tốc.

Thông tư 01 sẽ giúp gì cho việc thúc đẩy quá trình đầu tư trạm dừng nghỉ, thưa ông?

Trước đây chưa có hướng dẫn nên đầu tư manh mún, đến nay có thể triển khai làm đồng bộ trạm dừng nghỉ. Thông tư 01 giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy nhanh việc thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư 27 trạm dừng nghỉ còn lại thuận tiện hơn.

Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ; phương pháp lựa chọn nhà đầu tư và làm sao để lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất.

Các chủ đầu tư đã đủ công cụ pháp lý để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Hoàn thành trước 8 trạm trong năm 2024

Sau khi hai tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, quãng đường từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo dài 250km nhưng trên cả tuyến chỉ có một trạm dừng tại Km41 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: PV.

Vậy so với hiện nay, thời gian triển khai rút ngắn được bao lâu, thưa ông?

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vừa được Bộ GTVT phê duyệt, nếu triển khai theo kế hoạch tuần tự, thông thường thời gian hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 10-12 tháng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã giao Cục Đường cao tốc VN xây dựng kế hoạch triển khai với tinh thần khẩn trương nhất, bám sát hướng dẫn tại Thông tư 01, triển khai đồng thời các công việc, sẵn sàng hồ sơ cho các bước tiếp theo, rút ngắn tối đa thời gian trong từng công đoạn.

Trường hợp thuận lợi, không phát sinh các tình huống vào khoảng cuối năm nay sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.

Như ông nói thì thông tư hướng dẫn về mời gọi nhà đầu tư và quy chuẩn trạm dừng nghỉ đã có, mấu chốt là tốc độ triển khai?

Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án tiến hành đồng thời lập thiết kế trạm dừng nghỉ, lập dự án kêu gọi đầu tư, sau đó đấu thầu và triển khai thi công. Trước mắt là hoàn thành 8 trạm trong năm 2024 đã được Bộ GTVT chấp thuận về vị trí, quy mô.

Các trạm dừng nghỉ đã được quy hoạch theo tuyến, các chính sách đã rõ, việc xây dựng cũng không phức tạp, quy mô công trình phù hợp với năng lực của nhiều nhà đầu tư.

Bước tiếp theo là cần đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ dự án, thẩm tra, thẩm định dự án. Trong hợp đồng phải có điều khoản cam kết của nhà đầu tư trúng thầu hoàn thành đúng thời hạn tuyến đường hoàn thành. Cùng đó, địa phương cần vào cuộc quyết liệt bàn giao quỹ đất và mặt bằng phục vụ dự án.

Theo ông, có thể kêu gọi nhà đầu tư có đủ tiềm lực làm nhiều trạm dừng nghỉ trên cùng một tuyến?

Điều đó hoàn toàn có thể. Họ có thể lấy trạm dừng nghỉ có lãi để bù đắp cho trạm khác. Đầu tư trạm dừng nghỉ hiện nay khá hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng tham gia.

Tuy vậy, cũng cần thấy rằng, không phải cứ làm xong cao tốc là phải có trạm dừng nghỉ, có những dự án thành phần chỉ có 40km, khi làm trạm dừng nghỉ phải đủ khoảng cách nên phải đợi dự án nối với tuyến đường đã hoàn thành để đáp ứng quy định về khoảng cách.

Đặt giả thiết có những dự án không kêu gọi được nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ thì làm thế nào, thưa ông?

Đối với các tuyến có nhu cầu cấp thiết, chưa có điều kiện xây dựng được trạm dừng nghỉ theo đúng quy chuẩn, trong khoảng thời gian kêu gọi đầu tư, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo nghiên cứu đầu tư điểm dừng xe tạm thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đến thời điểm việc sử dụng và khai thác hiệu quả sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nâng cấp thành trạm dừng nghỉ.

Cảm ơn ông!

Hoàn thành cao tốc là phải có trạm dừng

Theo quyết định phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vừa được Bộ GTVT ban hành, có 36 trạm dừng nghỉ sẽ được xây dựng. Trong số này, có 7 trạm đã đầu tư đưa vào khai thác, 3 trạm đang đầu tư và 26 trạm chưa đầu tư.

Bộ GTVT giao các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do Bộ GTVT quản lý, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông.

Đối với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án cao tốc do địa phương quản lý, việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng do địa phương tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA 7)
Chạy song song thủ tục mới đảm bảo tiến độ

Trên cơ sở mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT phê duyệt, trong ba dự án thành phần được giao nhiệm vụ chủ đầu tư (Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Ban QLDA 7 đang ưu tiên đẩy nhanh thủ tục đầu tư hai trạm dừng nghỉ trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 144+560 và Km 205+092, quy mô mỗi trạm 5ha.

Đến nay, đơn vị đã lựa chọn tư vấn lập danh mục dự án, khảo sát thực địa, đang làm việc địa phương về công tác GPMB và các vấn đề có liên quan, sơ bộ đã lên quy mô trạm dừng nghỉ. Dự kiến, danh mục dự án sẽ được trình Bộ GTVT xem xét vào giữa tháng 8/2023.

Công tác lựa chọn nhà đầu tư hoàn thành cuối tháng 10/2023. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục, triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9 tháng.

Để đẩy nhanh tiến độ, các thủ tục đang được triển khai song song. Đơn cử, sau khi có chủ trương nâng quy mô trạm dừng nghỉ lên 5ha/trạm, chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn thiết kế lập hồ sơ ngay, không đợi có quyết định phê duyệt quy mô mới bắt đầu lập.

Hiện, Ban QLDA 7 đã chủ động làm việc trước với địa phương để thống nhất vị trí bố trí trạm dừng nghỉ đảm bảo thuận lợi tối đa trong công tác GPMB và tổ chức thi công. Nếu mặt bằng được giao sớm, thời gian thực hiện chắc chắn sẽ được rút ngắn.

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long):
Khó khăn nhất là GPMB

Ban QLDA Thăng Long với vai trò chủ đầu tư bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, đang rốt ráo thực hiện thủ tục đầu tư các trạm dừng nghỉ trên hai tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác là đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện, đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ dự án, ban đang rà soát, trình Bộ GTVT phê duyệt.

Sau khi Bộ phê duyệt, ban QLDA sẽ đăng tải thông tin mời nhà đầu tư quan tâm trên mạng. Dự kiến đến cuối tháng 9/2023, số lượng nhà đầu tư quan tâm sẽ được xác định. Công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2023. Việc thi công thực hiện trong vòng một năm kể từ ngày khởi công.

Khó khăn hiện nay là quy mô các trạm dừng nghỉ có sự thay đổi. Như ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, trước đây, diện tích GPMB tính toán chỉ 2ha/bên nay tăng lên 5ha. Quy mô trạm dừng nghỉ đoạn Mai Sơn - QL45 từ 1ha lên 3ha/bên.

Sự điều chỉnh này đòi hỏi phải làm lại hồ sơ cắm cọc GPMB, kịp thời bàn giao cho địa phương triển khai đền bù, giải phóng. Đồng nghĩa, thách thức lớn nhất là địa phương phải đẩy nhanh công tác GPMB, tạo thuận lợi đẩy nhanh các hạng mục.

Về lâu dài, cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư cần được nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng như một cơ chế đặc thù. Trường hợp chỉ định thầu, thời gian thực hiện sẽ rút ngắn được khoảng 2-3 tháng.

 Theo Báo Giao thông