Kinh doanh vận tải hay giải pháp công nghệ?
Theo văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế xác định ngành nghề kinh doanh của Uber là sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải chứ không phải hoạt động vận tải.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế giao cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế TNDN và thuế GTGT cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu.
Do được xác định chỉ hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ, Uber B.V chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu. Trong khi đó, nếu xác định hoạt động của Uber B.V là vận tải, doanh nghiệp này phải kê khai nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thuế cho rằng việc xác định như vậy là không đúng bởi trên thực tế, Uber B.V đang hoạt động vận tải. Khi khách hàng cà thẻ để trả tiền, 100% tiền cước về tài khoản của Uber B.V tại Hà Lan trước khi Uber B.V trả tiền về cho các tài xế theo định kỳ.
Do vậy, để cho tài xế lái xe Uber chịu trách nhiệm khấu trừ thuế cho Uber là vô lý vì hầu hết là xe của cá nhân nhàn rỗi đưa vào kinh doanh.
“Nghĩa vụ thuế của họ còn chưa hoàn thành huống gì bắt họ đi khấu trừ thuế nhà thầu cho Uber, trong khi người trực tiếp nhận tiền của khách hàng trả là Uber chứ không phải tài xế lái taxi” - vị này nói.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho rằng khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, Uber B.V cung cấp công nghệ còn tài xế sử dụng xe của mình để kinh doanh.
Bình thường nếu tài xế nhận tiền và chuyển trả 20% theo tỉ lệ ăn chia, trách nhiệm kê khai sẽ thuộc về tài xế ở VN. Các tài xế này sẽ phải nộp thuế nhà thầu cho 20% đó của Uber nhưng việc này không thực hiện được vì Uber thực hiện “nửa nọ nửa kia”.
Lắt léo ở chỗ là dù ký hợp đồng cung cấp công nghệ cho đối tác ở VN, nhưng thay vì chỉ nhận 20% tiền do đối tác VN chia lại, Uber tại Hà Lan nhận luôn 100% tiền cước rồi sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho các đối tác ở VN.
Theo quy định của luật hiện hành, bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập, bên đó có trách nhiệm phải kê khai khấu trừ thuế và nộp lại cho cơ quan thuế. Như vậy rõ ràng trách nhiệm kê khai nộp thuế phải thuộc về Uber B.V chứ không thể giao cho các tài xế.
“Hơn nữa Uber B.V không hiện diện ở VN, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nhưng lại là người thu tiền, làm sao có thể đẩy trách nhiệm cho những cá nhân ở VN kê khai nộp thuế được. Như vậy rõ ràng họ lách luật và không rõ ràng.
Đồng ý Uber có mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại, chứ không thể không tuân thủ pháp luật về thuế, dẫn đến không công bằng cho các doanh nghiệp vận tải khác ở VN” - vị này nói.
Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu được thuế của Uber. Quy định mới nhất về thuế đối với Uber do Tổng cục Thuế ban hành lại gây nhiều tranh cãi.
Cần tạo môi trường kinh doanh công bằng
Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn, chẳng biết chủ trương của Tổng cục Thuế là điều tiết thuế của Công ty Uber Hà Lan hay qua các tổ chức kinh doanh vận tải của VN - đối tác của Uber...
Cũng theo ông Hỷ, quyền định giá cước, quyền thu cước và phân chia lợi nhuận đang thuộc về Uber Hà Lan. Vì vậy đặt vấn đề bên VN phải khấu trừ và nộp thuế thay cho Uber ở nước ngoài là điều bất hợp lý.
“Cần xác định rõ trách nhiệm các bên, trong đó Uber và các đối tác VN có nghĩa vụ gì, thuế bao nhiêu phần trăm. Việc xác định rõ trách nhiệm này sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng phương án thu và giải pháp chế tài bảo đảm việc thu theo quy định của pháp luật về thuế” - ông Hỷ nói.
Trong khi đó, một doanh nghiệp taxi cho rằng giá cước taxi truyền thống hiện cao hơn xe Uber vì các doanh nghiệp phải nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế và thực hiện nhiều điều kiện về quy định kinh doanh taxi (lái xe phải khám sức khỏe 2 lần/năm, kiểm định đồng hồ tính cước 1 lần/năm, phí kiểm định đồng hồ tính cước khi điều chỉnh giá cước, đóng bảo hiểm y tế, xã hội cho lái xe và bảo hiểm cho hành khách... trong khi taxi Uber không hề chịu các loại phí trên và không nộp thuế nên có thể đưa ra giá cước thấp để tranh giành khách, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, ảnh hưởng đến taxi truyền thống” - vị này nói.Trao đổi tại toạ đàm về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho hay hiện hoạt động của các doanh nghiệp TMĐT rất nhiều, từ cung ứng dịch vụ đi lại, nghỉ dưỡng, làm đẹp, trò chơi online đến cả hàng hóa tiêu dùng.
Thời gian qua, Hà Nội và TP.HCM đã thanh tra các doanh nghiệp và các loại hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, thu được số thuế nhất định. Tuy nhiên, các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước.
“Doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhưng các doanh nghiệp này lại nộp ngân sách quá ít và không đáng kể. Điều này gây thất thu cho ngân sách và khiến mất công bằng trong quản lý thuế”, bà Cúc nói.
Theo bà Cúc, nhiều dự án khởi nghiệp trên thế giới đã thành công và các nước đã thu được thuế. Tại Việt Nam, khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin về loại hình TMĐT, kinh tế sẻ chia cũng đã bắt đầu phát triển.
Lấy ví dụ về trường hợp của Uber, bà Cúc kể, ngay từ khi loại hình kinh tế sẻ chia Uber đi vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói là không được bóp chết họ mà phải làm công bằng. Tức là chưa quản lý tốt thì hãy xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt.
Uber hoạt động tại Việt Nam gần 2 năm
Không chỉ riêng Uber, bà Cúc cho rằng tại Việt Nam tồn tại nhiều hãng, doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ, kinh tế số hoá như sàn thương mại điện tử hay dịch vụ ngủ ké, dịch vụ game online…
Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này lách thuế bằng hình thức kê khai hoặc đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với loại hình dịch vụ của họ hoặc những ngành nộp thuế rất thấp. Chẳng hạn như: Uber đăng ký kinh doanh theo dịch vụ cung ứng công nghệ thông tin, nhưng thực chất là dịch vụ vận tải, hành khách. Airbnb không đăng ký ngành nghề kinh doanh lưu trú – khách sạn trong khi bản thân là cung ứng sản phẩm lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn…
Hay như trường hợp trên mạng Facebook, theo bà Cúc, có hàng nghìn gian quảng cáo, bán hàng, tràn ngập trò chơi điện tử… mà không thể áp dụng thu thuế đối với các doanh nghiệp cung ứng, thầu phụ của các đối tác bên ngoài.
Bà Cúc cho rằng chính sách thuế hiện hành của Việt Nam được điều chỉnh đối với tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm cả kinh doanh thương mại, quảng cáo, hoạt động trong lĩnh vực giải trí… Vì vậy, đã là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu, lợi nhuận đều phải nộp thuế và nghĩa vụ liên quan đối với Nhà nước.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, thực chất các doanh nghiệp hoạt động TMĐT thu tiền từ quốc gia này đem về quốc gia kia, hình thức kinh tế sẻ chia này đang phát triển và gây đau đầu cho các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia.
“Tại Việt Nam, kinh tế sẻ chia là hình thức mới, chúng ta cần đặt vấn đề làm thế nào để quản lý tốt hơn. Đây là vấn đề công bằng trong môi trường kinh doanh và chính sách thuế”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thiên Ân tổng hợp từ Internet