Kiểm tra và xử phạt tù đối với lái xe sử dụng rượu bia mới là cách thức đúng ngăn ngừa hậu quả do bia rượu (Ảnh LĐO)

 

“Tôi muốn các bạn có thể một lần đặt mình vào câu chuyện của tôi. Nếu hôm nay hay ngày mai các bạn định đi chơi với kế hoạch sẽ uống rượu bia và tự lái xe, hãy tưởng tượng đến cảnh bạn sẽ tỉnh dậy trong bệnh viện với một đám người lạ hoắc đứng vây quanh, đánh thức bạn và nói rằng đã giết người"- câu chuyện của cô gái 29 tuổi người Mỹ có tên là Graff.

Tháng 4.2005, khi đó Graff 18 tuổi, sau một ngày uống rượu bên bờ biển, chiếc Mazda do cô điều khiển đã mất lái và va chạm với một chiếc xe đi ngược chiều. 2 nạn nhân đã chết.

Lần đầu tiên Graff nhìn thấy khuôn mặt của những người đã chết dưới vôlăng của mình là khi xem những tin tức về vụ tai nạn. “Họ đã cười, họ đã hạnh phúc, họ trông như những người tôi quen, họ giống bà ngoại tôi", cô nói. Và Graff  nói rằng cô mới là người đáng lẽ phải chết trong vụ tai nạn đó.

Vào tháng 6.2007, một tháng trước sinh nhật lần thứ 21 của mình, Graff bị kết án. Ở tuổi 21, khi đáng lẽ sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn, Brandy Graff trở thành tù nhân, với số hiệu #128457.

Câu chuyện của Graff không hiếm. Sự tỉnh ngộ, hối hận ấy cũng là tâm trạng chung của những người đã một lần: 1,2,3... zô, ngồi sau tay lái và tỉnh lại khi đã khiến những người lương thiện không bao giờ có thể về tới nhà nữa.

Ở Việt Nam, những con số giật mình vừa được đưa ra trước Quốc hội: Mỗi năm người Việt uống 4 tỉ lít bia, tiêu tốn 3,4 tỉ USD. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017). Bia rượu làm mất 1,3% GDP (tương đương 65.000 tỉ đồng mỗi năm)...

Và cả những hậu quả lương tâm kinh khủng, nói như ĐBQH Nguyễn Trọng Nhân: “Xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành, hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia, rượu gây ra…”.

Chúng ta cần luật, để hạn chế tối đa những hậu quả không chỉ kinh tế. Nhưng tăng thuế, lập quỹ rõ ràng không phải là cách thức đúng.

Bởi “đắt đỏ” hơn thêm chưa bao giờ là lý do để những người lạm dụng rượu bia cân nhắc, tính toán. Chưa và sẽ không bao giờ là biện pháp có thể giảm thiểu tình trạng bia rượu.

Hãy tiếp cận bằng cách xử tù đối với những người lái xe sử dụng rượu bia- không cần hậu quả. Hãy xử tù những kẻ sản xuất “rượu thuốc độc”, đầu độc đồng bào mình. Đó mới là cách thức đúng là logic.

Chứ thêm một thứ quỹ, tăng thêm vài % thuế thì phải chăng vẫn chỉ là cách đếm tiền?

Theo laodong.vn