Đường cao tốc ở Ấn Độ
Chính sách huy động vốn của Ấn Độ, Hàn Quốc
Ấn Độ được biết đến là một trong những nước thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới. Đó là kết quả của những chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài khá hấp dẫn. Ấn Độ cho phép 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) dưới lộ trình tự động hóa được dùng để hỗ trợ cho công tác vận hành cầu vượt cao tốc, đường thu phí, hầm đường bộ; các dịch vụ xử lý bốc dỡ hàng hóa liên quan đến vận tải đường bộ; công tác xây dựng, nâng cấp, bảo trì cầu, đường; công tác xây dựng, bảo trì các tuyến đường, cao tốc BOT, bao gồm cả hệ thống thu phí… Các dự án mở rộng đường cao tốc được tạo điều kiện miễn/giảm thuế trong vòng 10 năm theo Khoản 80 IA Luật Thuế Lợi tức Ấn Độ. Ngoài ra, Chính phủ còn trợ cấp vốn lên đến 40% chi phí dự án tùy từng trường hợp, miễn 100% thuế trong vòng 5 năm và giảm 30% thuế trong vòng 5 năm tiếp theo. Một số trường hợp được miễn/giảm thuế tới 30 năm.
Không chỉ ưu ái các công ty nước ngoài, Ấn Độ cũng đưa ra nhiều chính sách chăm sóc nhà đầu tư tư nhân trong nước. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ nhiều loại chi phí trong quá trình triển khai dự án đường bộ như: Chi phí nghiên cứu khả thi, chi phí xây dựng trạm nghỉ bên đường, chi phí giải phóng mặt bằng, môi trường, chi phí di dời cây xanh… Ngoài ra, Chính phủ còn miễn thuế nhập khẩu các máy móc tải trọng lớn và thiết bị công nghệ cao phục vụ cho công tác thi công dự án; miễn toàn bộ thuế hải quan cơ bản cho nhựa đường và các máy móc phục vụ việc xây dựng quốc lộ; trao quyền thu phí cho các nhà đầu tư; tặng thưởng quyền đầu tư các dự án giao thông khác mà không cần thông qua đấu thầu…
Là quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển bậc nhất thế giới, Hàn Quốc không thiếu những cách thức hay để huy động vốn cho phát triển hạ tầng đường bộ. Một trong số đó là hình thức cho tư nhân thuê đất của dự án. Khi lập quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng giao thông, Chính phủ Hàn Quốc sẽ quy hoạch sử dụng phần diện tích đất lớn hơn diện tích cần thiết để xây dựng công trình. Đối với đất của người dân, Chính phủ sẽ bỏ tiền ra để mua đất, thương lượng, bồi thường thỏa đáng, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phần đất thừa không sử dụng để xây dựng công trình giao thông sẽ được cho tư nhân đầu tư, khai thác. Việc cho tư nhân kinh doanh có thời hạn tại các phần đất này để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở để bán và cho thuê… đã phát huy hiệu quả, giúp hệ thống đường bộ ở Hàn Quốc có được diện mạo hiện đại, thông thoáng và văn minh như ngày nay.
Nhật Bản, Mỹ và Pháp xây dựng quỹ phát triển đường bộ
Mỗi lần bơm xăng hay mua nhiên liệu, người đi ô tô, xe máy ở Mỹ sẽ phải trả một khoản thuế khoảng hơn 18 cent (hơn 4.000 đồng)
Tại Nhật Bản, Quỹ Phát triển Hệ thống đường cao tốc được gây từ nguồn thuế, phí đường bộ; điều tiết lãi từ những đoạn đường có khả năng hoàn vốn để đầu tư cho những dự án đường bộ sẽ triển khai. Chính phủ Nhật Bản chủ trương xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia vận hành theo khung cơ chế thống nhất, do đó việc quy hoạch phải tiêu chuẩn hóa, chỉ cho phép những nhà đầu tư thật sự có năng lực tham gia. Các ban quản lý dự án phải kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng hàng năm với các công ty bảo trì đường bộ ngay từ đầu năm tài khóa. Nhà thầu được chọn theo hình thức đấu thầu công khai và hợp đồng luôn có những điều khoản ràng buộc về công tác sửa chữa sau thiên tai, sự cố… Sự tham gia của tư nhân đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo giao thông đường bộ hiện đại như ngày nay ở Nhật Bản.
Tại Mỹ, Quỹ Phát triển Giao thông lại được huy động theo một cách khá độc đáo. Mỗi lần bơm xăng hay mua nhiên liệu, người đi ô tô, xe máy sẽ phải trả một khoản thuế khoảng hơn 18 cent (hơn 4.000 đồng). Khoản thuế này sẽ được tự động trích vào Quỹ Tín thác đường cao tốc chủ yếu phục vụ cho một số dự án giao thông riêng của các bang triển khai, trong đó có thể bao gồm những hạng mục như: Mở rộng đường cao tốc, thay thế cầu cũ, sửa chữa vỉa hè trên các tuyến phố chính... Còn đối với những dự án đặc thù, Chính phủ liên bang sẽ chi trả 80% phí và các bang chịu 20% còn lại.
Những chính sách thu hút vốn đầu tư của những quốc gia có hạ tầng đường bộ hiện đại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ... là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu phát triển đường bộ của đất nước đang không ngừng đòi hỏi trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế
Theo tapchigiaothong.vn