Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình - ảnh T. st

Theo kết quả thống kê tháng 08/2016 bình quân có 69,42% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục ĐBVN.

Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương: Trong tháng 08/2016, cả nước có tổng số 79.305 lần vi phạm quá tốc độ; tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân trên 1.000km là 0,074 lần/1.000km.

Về tình hình xử lý vi phạm: Tháng 08/2016, các Sở GTVT đã xử lý 1667 xe (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 01 tháng là 1385 xe; từ chối cấp phù hiệu là 282 xe).

Trong 08 tháng đầu năm 2016, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 5.692 phương tiện (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 01 tháng là 4.720 xe; từ chối cấp phù hiệu là 972 xe). Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 10 đơn vị.   

Qua con số này cho thấy số lượng xử lý so với số lần vi phạm còn quá khiêm tốn.        

Theo lộ trình của Bộ GTVT; đến nay, tất cả xe tải từ 10 tấn trở lên, xe vận tải kinh doanh hành khách theo tuyến cố định, taxi đều bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình đạt chuẩn mới được phép lưu hành.

Cũng cần nói thêm rằng theo quy định hiện hành, các thiết bị GSHTgắn trên các phương tiện ô tô phải ghi nhận được các thông tin xe và tài xế; lộ trình, lịch trình di chuyển của xe; tốc độ vận hành; thông tin về thời gian và số lần dừng, đỗ, thời gian đóng mở cửa, nâng hạ ben…; thời gian làm việc trong ngày của tài xế.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, điều hành. Khi sử dụng thiết bị GSHT, công tác quản lý được tự động hóa, trở nên đơn giản và thuận tiện. Thiết bị sẽ cung cấp những thông tin về vị trí xe, cung đường, mức tiêu thụ nhiên liệu… một cách chính xác.

Khi lắp đặt thiết bị GSHT thì việc giám sát, xác định hành vi vi phạm, đảm bảo trật tự của cơ quan quản lý giao thông trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Cơ quan chức năng sẽ có bằng chứng chính xác để đưa ra hình thức xử phạt thích hợp. Ngoài ra, hộp đen ô tô còn hỗ trợ đắc lực trong việc xử lý, điều tra sau tai nạn.  

  

                Cơ chế vận hành của thiết bị giám sát hành trình - ảnh T. st

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện một số nội dung như sau:

Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015, trong đó lưu ý kiểm tra giám sát việc chấp hành đối với các xe đã thu hồi phù hiệu;  Đối với các trường hợp vi phạm thời gian lái xe liên tục, vi phạm không truyền dữ liệu, đề nghị các Sở GTVT kiểm tra, đối chiếu với kết quả tổng hợp trên phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT để so sánh trước khi quyết định xử lý.

Tiếp tục tăng cường thực hiện theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở đối với các phương tiện không truyền dữ liệu. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có biện pháp và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Xử lý nghiêm các trường hợp đã chấn chỉnh, nhắc nhở và yêu cầu thời gian phải khắc phục xong nhưng vẫn không truyền dữ liệu theo quy định.

Thực hiện rà soát, thống kê các phương tiện có trọng tải thiết kế từ 3.5 tấn đến dưới 7 tấn trên địa bàn. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lộ trình lắp đặt thiết bị GSHT đối với xe có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn từ ngày 01/01/2017 theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Báo cáo kết quả xử lý gửi về Tổng cục ĐBVN (qua Vụ Vận tải) trước ngày 10/10/2016 để tổng hợp.

  Thiên Ân