Trung tâm sát hạch lái xe loại 2 tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Khánh Ngọc

Trước khi học lái xe, cần phải tìm hiểu hạng Giấy phép lái xe (GPLX) được điều khiển loại xe, nào, thời gian nâng hạn là bao lâu. Ví dụ như bạn đang có nhu cầu lái xe tải phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình thì cần phải đăng ký học lái xe ô tô hạng C. Nếu như bạn chỉ có nhu cầu lái xe ô tô nhỏ của gia đình thì chỉ cần đăng ký học lái xe ô tô hạng B1 hoặc B2.

Khi đã xác định mình cần học lái xe ô tô hạng nào, việc làm tiếp theo là liên hệ với các trung tâm đào tạo lái xe ô tô để tìm hiểu và lựa chọn học theo hình thức nào cho phù hợp với thời gian nhàn rỗi của mình. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 02 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, đó là Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô Cà Mau (Trường Trung cấp Kinh tế Cà Mau) và Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Khang Minh (Trường Khang

Minh), cả 02 cơ sở đào tạo này điều có hình thức đào tạo tập trung và hình thức bán tập trung (học ban đêm và học thứ 7, chủ nhật).

Sau khi xác định được các điều kiện cần thiết, việc tiếp theo là bạn cần phải tìm hiểu điều kiện học lái xe theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Theo thông tư này, điều kiện đối với người học lái xe như sau:

- Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

- Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

Đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

- Hạng B1 (số tự động) lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

- Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

- Hạng C, D, E lên FC: thời gian hành nghề 01 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

- Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, D, E lên hạng F tương ứng: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

- Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Điểm đáng lưu ý đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Để làm hồ sơ học lái xe người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định;

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Đối với người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

- Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều Thông tư này;

- Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật;

- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);

- Bản sao giấy phép lái xe (xuất trình bản chính khi dự sát hạch và nhận giấy phép lái xe).

Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

Kỳ sát hạch lái xe ô tô hạng B2 của Cà Mau tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng.Ảnh Khánh Ngọc

Khi đã nộp hồ sơ tại cơ sở đào tạo và nộp học phí xong, người học lái xe cần phải tìm hiểu qua về các môn học, thời gian học. Theo quy định:

Thời gian học lái xe ô tô Hạng B1:

- Xe số tự động:           476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340);

- Xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420);

 Thời gian học lái xe ô tô Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420);

 Thời gian học lái xe ô tô Hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752).

Các môn kiểm tra:

- Kiểm tra tất cả các môn học trong quá trình học; môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường và môn Nghiệp vụ vận tải đối với hạng B1, B2 học viên có thể tự học nhưng phải được cơ sở đào tạo kiểm tra;

- Kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi kết thúc khóa học gồm: môn Pháp luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết; môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.

Các môn học bắt buộc như sau: Pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo, sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; đạo đức lái xe và văn hóa giao thông; thực hành kỹ thuật lái xe (tập số, bò bãi, đường trường, nội ô, ban đêm, chạy sa hình, chữ chi).

Như vậy tổng thời gian học hạng B1 số tự động là 76,5 ngày; hạng B1 số sàn là 88,5 ngày; hạng B2 là  92,5 ngày; hạng C là 140 ngày.

Đối với người học nâng hạng giấy phép lái xe

1. Thời gian đào tạo

a) Hạng B1 (số tự động) lên B1: 120 giờ (lý thuyết: 00, thực hành: 120);

b) Hạng B1 lên B2: 94 giờ (lý thuyết: 44, thực hành lái xe: 50);

c) Hạng B2 lên C: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144);

d) Hạng C lên D: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144);

đ) Hạng D lên E: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144);

e) Hạng B2 lên D: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280);

g) Hạng C lên E: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280);

h) Hạng B2, D, E lên F tương ứng: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144);

i) Hạng C, D, E lên FC: 272 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 224).

2. Các môn kiểm tra

a) Kiểm tra các môn học trong quá trình học;

b) Kiểm tra cấp chứng chỉ đào tạo đối với nâng hạng lên B1, B2, C, D, E khi kết thúc khóa học gồm: môn Pháp luật giao đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết; môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường;

c) Kiểm tra cấp chứng chỉ đào tạo đối với nâng hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng khi kết thúc khóa học gồm: môn Pháp luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết; Thực hành lái xe trong hình và trên đường theo quy trình sát hạch lái xe hạng F.

Thời gian học hạng B1 số tự động nâng hạng B1 số sàn là 18 ngày; nâng hạng B1 lên hạng B2 là 16 ngày; nâng hạng B2 lên hạng C là 30 ngày; nâng hạng C lên hạng D là 30 ngày; nâng hạng D lên hạng E – nâng hạng B2, D, E lên hạng F là 30 ngày; nâng hạng C, D, E lên Fc là 40 ngày;  nâng B2 lên hạng D là 52 ngày; nâng hạng C lên hạng E là 52 ngày

Sau khi học hoàn thành chương trình học, người học lái xe phải thi tốt nghiệp, nếu đạt phần thi tốt nghiệp thi mới được đi dự sát hạch cấp GPLX.

Dừng và khởi hành xe trên dốc được coi là bài thi khó và dễ rớt nhất trong 11 bài thi sa hình. Ảnh Khánh Ngọc.

 về nội dung và quy trình sát hạch lái xe

- Sát hạch lý thuyết: gồm 450 câu hỏi, thí sinh phải thi theo hình thức trắc nghiệm;

- Sau khi thi đạt môn lý thuyết thì mới đủ điều kiện thi thực hành lái xe trong hình: người dự sát hạch phải thực hiện đúng trình tự và điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch như: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B1, B2 và C thực hiện ghép xe dọc; hạng B1, B2 và D, E thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng FB2, FD và FE: người dự sát hạch điều khiển xe qua bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với hạng FC: người dự sát hạch điều khiển xe qua 02 bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ;

- Sát hạch thực hành lái xe trên đường: người dự sát hạch điều khiển xe ôtô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường giao thông và thực hiện hiệu lệnh của sát hạch viên.

 Việc tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện như sau:

- Sát hạch lý thuyết thực hiện trắc nghiệm trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát và công khai quá trình sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch có thiết bị chấm điểm tự động, không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1,B2, C, D, E và F;

- Sát hạch thực hành lái xe trên đường đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động và có một sát hạch viên trên xe.

Như vậy, sau khi học, thi đạt tốt nghiệp, người lái xe mới đủ điều kiện sự thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, nếu đạt kỳ thi này thì mới đủ điều kiện được cấp GPLX. Xin thông tin thêm, trong năm 2016 khi sát hạch cấp GPLX hạng B1, B2, C thường được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Sát hạch các hạng cao hơn ở tỉnh An Giang.

Hiện nay, Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Khang Minh đang đầu tư Trung tâm sát hạch lái xe loại 2 (sát hạch hạng B1, B2, C). Dự kiến đầu năm 2017 Trung tâm sát hạch sẽ đưa vào hoạt động. Đây là tín hiệu vui cho những người học lái xe ô tô hạng C trở xuống, sẽ được sát hạch tại Cà Mau vào năm 2017, nếu được sát hạch tại Cà Mau học viên sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, cũng như chi phí đi lại./.

Hà Giang