Hết tháng 7, các chủ đầu tư đã giải ngân được gần 42.400 tỷ đồng. Như vậy, bốn tháng cuối năm, kế hoạch còn tới 44.400 tỷ đồng.
Bứt tốc thi công
Trung tuần tháng 8, gói thầu 12-XL dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đón nhận những tín hiệu tích cực khi thủ tục xin cấp phép khai thác 3 mỏ đất với tổng trữ lượng hơn 3 triệu m3 được hoàn thiện, dự kiến có thể khai thác vào cuối tháng 9.
Tính đến hết tháng 7/2023, các ban QLDA/chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT đã giải ngân được gần 42.400 tỷ đồng. Ảnh: Tạ Hải.
Ông Đàm Đức Ngọc, chỉ huy gói thầu thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường cho biết, bên cạnh việc khơi thông nguồn đất đắp, nhà thầu cũng đang tập trung huy động vật liệu cát về để phục vụ thi công.
Tổng nhu cầu cát phạm vi gói thầu Xuân Trường đảm nhận thi công là hơn 500.000m3. Trong khi chờ địa phương cấp phép khai thác mỏ Kỳ Lạc, nhà thầu đã huy động hơn 120.000m3 từ các mỏ thương mại. Dự kiến, khoảng 180.000m3 cát sẽ tiếp tục được mua thương mại để tăng tốc các hạng mục, đảm bảo kế hoạch thi công và giải ngân đã đăng ký.
Nỗ lực của các đơn vị thi công là rất lớn, song ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, hiện tại, Hàm Nghi - Vũng Áng vẫn là dự án có tiến độ giải ngân chậm nhất trong các dự án Ban làm chủ đầu tư.
Năm 2023, dự án được giao gần 2.500 tỷ đồng nhưng hết tháng 7, giá trị giải ngân mới đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Nguyên nhân do kế hoạch đến 30/6 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng, song đến nay địa phương vẫn chưa bàn giao hết.
Cận thời điểm về đích, dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đang bước vào những ngày bứt phá sản lượng.
Theo đại diện ban điều hành dự án (Ban QLDA 6), những ngày thời tiết thuận lợi, khối lượng bê tông nhựa được các nhà thầu thi công cao điểm có ngày lên đến 7.000 - 7.500 tấn, tăng gấp đôi so với thời điểm lớp móng chưa hoàn thành toàn bộ.
Công trường được tăng tốc, sản lượng giải ngân tăng lên nhanh chóng. Nếu thời điểm tháng 4, 5, 6/2023, giá trị giải ngân trung bình tại dự án khoảng 100 tỷ đồng/tháng thì riêng tháng 7/2033, con số này tăng lên 300 tỷ đồng, bằng 3 tháng trước cộng lại. Tính đến ngày 13/8, sản lượng giải ngân cho công tác xây lắp đã đạt 3.700 tỷ đồng (84%).
Đáp ứng nhiệm vụ giải ngân gần 4.400 tỷ đồng trong năm 2023 tại dự án, các nhà thầu vẫn đang dồn lực thi công xuyên ngày đêm, phấn đấu đến ngày 20/8 hoàn thành thảm 15.000 tấn bê tông nhựa còn lại. Các hạng mục ATGT, hàng rào, lưới chống chói, tôn hộ lan sẽ được hoàn thiện trước ngày 25/8/2023.
Đảm nhận giá trị thi công hơn 1.800 tỷ đồng (chiếm gần 56% tổng giá trị gói thầu) đường tại gói thầu XL1 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, Tập đoàn Cienco4 cũng đang dồn lực chạy đua, bám đuổi kế hoạch đăng ký năm 2023.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc điều hành gói thầu thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, hiện trên 16km đường phụ trách, nhà thầu đang tổ chức 27 mũi thi công, hơn 300 kỹ sư, công nhân và 90 đầu máy thiết bị.
Nếu hai tháng đầu năm, sản lượng xây lắp chỉ đạt gần 10 tỷ đồng thì trong tháng 7, giá trị tăng lên gần 46 tỷ đồng. Tổng giá trị xây lắp đến nay gần 200 tỷ đồng, đạt hơn 12%, cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Nhiều Ban Quản lý dự án giải ngân tốt
Hàng trăm kỹ sư, công nhân Tập đoàn Cienco4 bám công trường ngày đêm để hoàn thành sớm các hạng mục, đưa dự án Nghi Sơn - Diễn Châu về đích đúng kế hoạch.
Được giao kế hoạch vốn kỷ lục gần 10.800 tỷ đồng trong năm 2023, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị đã giải ngân hơn 6.700 tỷ đồng (đạt 62%).
Kết quả trên có được nhờ một số dự án trọng điểm như cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau được địa phương đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cũng đang được đẩy mạnh thi công. Trong đó, phần cầu chính Nhơn Trạch (gói CW1) đã có mặt bằng, tiến độ vượt xa kế hoạch.
Thách thức tại các dự án còn rất lớn, tiến độ thi công vẫn bị ảnh hưởng bởi mặt bằng, vật liệu, song Ban QLDA Mỹ Thuận vẫn đang nỗ lực cùng nhà thầu, địa phương tháo gỡ các nút thắt, phấn đấu hoàn thành tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Bám sát mặt bằng giải ngân chung của Bộ GTVT, theo đại diện Ban QLDA 7, tính đến nay, đơn vị này đã giải ngân được 5.850 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn hơn 12.800 tỷ đồng năm 2023.
Trong đó, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Vân Phong - Nha Trang có tiến độ và giải ngân tốt, vượt và đạt yêu cầu đăng ký. Dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong có tiến độ giải ngân chậm do khó khăn cấp mỏ đất khai thác và công tác GPMB của địa phương chưa đạt.
Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2023, các ban QLDA/chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn gần 86.800 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2023, các chủ đầu tư đã giải ngân được gần 42.400 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 49%.
Một số ban QLDA có kết quả giải ngân tương đối tốt, đạt trên 50% kế hoạch như: Ban QLDA 2, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA Mỹ Thuận và Ban QLDA 7.
Tính chung, trong tổng kế hoạch vốn hơn 94.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT năm 2023, thống kê đến hết tháng 7, sản lượng giải ngân ước hơn 44.500 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch.
Gỡ khó giải ngân vốn phục hồi kinh tế
Tiến độ giải ngân vẫn bám sát kế hoạch nhưng nỗi lo lớn nhất với Ban QLDA Thăng Long hiện tại là vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Trên cơ sở cho phép của cấp có thẩm quyền, đơn vị đã điều hòa linh hoạt nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cho dự án Mai Sơn - QL45 (1.000 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn gần 2.200 tỷ đồng) và Phan Thiết - Dầu Giây (700 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn hơn 1.800 tỷ đồng).
Đến nay, nguồn vốn giao cho hai dự án theo kế hoạch năm đã tiêu hết, song hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ nguồn vốn phục hồi vẫn chưa có nên việc phân khai giải ngân chưa thể thực hiện. Vì thế, Ban QLDA Thăng Long mong muốn Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ chuyên ngành xem xét, ban hành hướng dẫn cụ thể.
Rút ngắn thời gian giải ngân cho nhà thầu
Đáp ứng khối lượng giải ngân còn lại trong 4 tháng cuối năm, quy trình xử lý hồ sơ nghiệm thu, thanh toán cũng đang được hầu hết các ban QLDA tối ưu các bước, rút ngắn thời gian.
Lãnh đạo một ban QLDA cho biết, trước đây, công tác giải ngân phải trải qua các bước như: phòng dự án rà soát ở hiện trường chuyển lên phòng kỹ thuật - thẩm định và phòng kế hoạch - tổng hợp của ban xem xét, sau đó mới chuyển sang phòng tài chính thực hiện các thủ tục chuyên ngành rồi gửi giám đốc ban ký ủy nhiệm chi.
Hiện tại, sau khi được phòng dự án hiện trường xác nhận, hồ sơ chỉ cần gửi qua phòng kỹ thuật - thẩm định rà soát theo hợp đồng rồi chuyển ngay sang phòng tài chính xử lý bước tiếp theo. Nhờ đó, thời gian xử lý hồ sơ giải ngân cho nhà thầu được giải quyết chỉ trong 1 - 2 ngày.
Theo Báo Giao thông