Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng có mức phạt tương tự. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX từ 14 - 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 đang quy định phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX từ 3 - 5 tháng.

Ở mức thấp nhất, khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở mức phạt được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX từ 1 - 3 tháng.

Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được đề xuất tăng nặng ở mức cao nhất là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.

Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Người điều khiển xe mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy có mức phạt tương tự.

 

Trường hợp điều khiển xe môtô mà có chất ma túy trong cơ thể, Tổng cục Đường bộ đề xuất mức phạt tiền từ 18-20 triệu đồng, tước bằng lái xe 22-24 tháng. Quy định hiện nay là tước bằng lái xe 22-24 tháng với người có bằng lái, phạt tiền 3-4 triệu đồng với người không có bằng lái hoặc có mà đã bị tước.

Đối với tài xế ôtô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy, Tổng cục Đường bộ đề xuất mức phạt tiền từ 34-40 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 22-24 tháng thay cho mức phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 4-6 tháng như hiện nay.

Đối với người điều khiển môtô, xe máy nếu không chấp hành yêu cầu trên, Tổng cục Đường bộ đề xuất mức phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng thay vì mức phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng như hiện nay.

Hiện nay, không có quy định phạt đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng tài xế lái xe sử dụng ma túy. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ đề xuất bổ sung phạt tiền chủ đơn vị kinh doanh vận tải là cá nhân từ 6-8 triệu đồng, là tổ chức từ 12-14 triệu trong trường hợp này, đồng thời bổ sung quy định xử phạt trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.

Hiện trường vụ TNGT tại Hà Nội mới đây do tài xế sử dụng rượu bia, một nữ lao công đã thiệt mạng (ảnh: ANTĐ)

Mới đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm liên quan đến việc tài xế sử dụng rượu bia xảy ra, gây thiệt hại lớn về người. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ra chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bộ trưởng GTVT một lần nữa yêu cầu sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng nặng; nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Theo Dân Trí