Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau. Phương án này đã có sự thống nhất giữa UBND tỉnh Cà Mau và ACV.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ có các hạng mục như đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180m; Xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía bắc. Đồng thời, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 4 vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp (A320/321...).
Cùng đó, tiến hành nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới 1 triệu hành khách/năm và giữ nguyên vị trí khu hàng không dân dụng theo quy hoạch được duyệt. Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.253 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau sẽ được nghiên cứu đầu tư, cải tạo đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m (xây dựng trong giai đoạn 2030) thành đường lăn song song; Xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m ở phía Nam và cách đường lăn song song 180m, xây dựng mới các đường lăn nối. Ngoài ra, xây dựng mới khu hàng không dân dụng ở phía Bắc Cảng hàng không Cà Mau.
Kế hoạch triển khai xây dựng mở rộng sân bay Cà Mau giai đoạn đến năm 2030 dự kiến khoảng 38 tháng, với các công việc cụ thể như lập, trình, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau.
Trong đó, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự kiến trong 6 tháng và thời gian thực hiện trong 32 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư (thời gian thực hiện chưa kể thời gian giải phóng mặt bằng).
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sân bay toàn quốc, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn đến năm 2050 sẽ là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm.
Cảng Hàng không Cà Mau được định hướng đảm bảo tiếp nhận các dòng tàu bay tầm trung của các hãng hàng không A321, A320, A319, Embraer 195.
Từ đây, ACV đề xuất UBND tỉnh Cà Mau báo cáo Bộ GTVT chấp thuận cho tỉnh Cà Mau tài trợ sản phẩm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau theo Nghị định số 05/2021 của Chính phủ về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay.
Ngoài ra, đề xuất UBND tỉnh Cà Mau báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho ACV thực hiện đầu tư xây dựng. UBND tỉnh Cà Mau cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV triển khai thực hiện dự án.
ACV sẽ chịu trách nhiệm triển khai các thủ tục theo quy định để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Hiện nay, sân bay Cà Mau là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 200.000 hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm là 150 hành khách/giờ cao điểm.
Nhà ga có 2 tầng với tổng diện tích mặt sàn 2.717 m2 và công trình hạ tầng khu bay, bao gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500m x 30m, kết cấu bê tông nhựa, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương.
Hệ thống đường lăn có 1 đường lăn vuông góc với đường CHC, kích thước 81m x 15m cùng sân đỗ tàu bay có kích thước 120mx60m, với 2 vị trí đỗ theo nguyên tắc tự vận hành.
Đến tháng 7/2023, Cảng hàng không Cà Mau phục vụ khai thác 2 loại máy bay là máy bay ATR72 của Công ty Bay dịch vụ Hàng không Việt Nam (VASCO) và máy bay Embraer E190 của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Tàu bay ATR72 đang khai thác chặng Cà Mau — TP.HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến/tuần; Tàu bay Embraer190 khai thác chặng Cà Mau – Hà Nội và ngược lại với tần suất 3 chuyến/tuần. Tuy nhiên, Bamboo Airways đã ngừng khai thác đường bay Hà Nội – Cà Mau từ 25/7 và theo kế hoạch cơ cấu đội tàu bay của hãng, loại tàu bay E190 sẽ không được sử dụng tại Việt Nam.
Nguồn Báo Giao thông