Tại cơ quan Công an, bà Nga khai rằng khi điều khiển xe ôtô đến vòng xoay Hàng Xanh, do bị vướng dây quai hậu của chiếc giày cao gót vào chân ga khiến chiếc xe vọt lên gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của bà Nga vào thời điểm tai nạn xảy ra lên tới 0,94mg/lít khí thở, cao gấp nhiều lần mức cho phép, vì vậy Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nga về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1-8-2016 Zvề xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông quy định chỉ cần người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở đã bị phạt. Mức phạt nặng nhất là 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.

Sở dĩ pháp luật phải quy định "ngưỡng" nồng độ cồn cho phép với người điều khiển phương tiện giao thông bởi theo nghiên cứu của ngành y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; ở mức 0,1mg/lít khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về. Với nồng độ 0,2mg/lít khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể bị lú lẫn khiến họ không thể tự chủ được hành vi cá nhân… còn khi nồng độ cồn trong máu đạt 50mg/100ml, người điều khiển phương tiện giao thông đã không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác khi tham gia giao thông. Khi nồng độ cồn bắt đầu vượt ngưỡng từ 50mg/100ml trở lên, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bắt đầu xuất hiện do hệ thần kinh bị suy giảm khả năng điều phối chính xác. Nồng độ cồn trong máu dao động từ 50-79mg/100ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn người không uống rượu bia tới 7-21 lần. Và nếu nồng độ cồn từ 80mg/100ml máu trở lên thì đủ khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Dù pháp luật đã có quy định cụ thể, ngành y tế cũng đã khuyến cáo rất nhiều về tác hại của rượu, bia, nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Chi phí cho tiêu thụ bia của ViệtNam khoảng 3,4 tỷ USD/năm. Vì thế, có người đã ví von rằng với "chỉ số xếp hạng" như vậy, Việt Nam đã đứng vào nhóm "cường quốc" sử dụng rượu bia.

Vào bất cứ giờ nào, nhất là là các buổi trưa, chiều tối, từ quán bia vỉa hè tới nhà hàng sang trọng, chỗ nào cũng đều tåấp nập khách nhậu. Mà khi đã uống thì sẽ chẳng có ai uống 1 cốc bia hay 1 ly rượu, mà sẽ là uống bao giờ "phê" chịu không nổi nữa mới thôi.

Dù hàng năm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đều tổ chức rất nhiều chiến dịch truyền thông với thông điệp "đã uống rượu, bia thì không lái xe", nhưng dường như cái thông điệp ấy không vào đầu được mấy người, vì thế với nhiều người sau những cuộc nhậu tưng bừng, lại ngật ngưỡng lái xe máy, ôtô về nhà vẫn là chuyện… đương nhiên; chỉ tới khi nằm trong bệnh viện thì mới ân hận "giá như…" hoặc đổ tại… số đen.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 43%. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, 65-70% các vụ tai nạn giao thông có vi phạm quy định về nồng độ cồn. Nhìn vào những con số này có thể thấy tình trạng say rượu, bia khi lái xe đã đến mức báo động.

Với tội danh bị khởi tố, bà Nga sẽ đối diện với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Vậy là những ly rượu uống mừng trong buổi tối 21-10 của bà Nga giờ đã thành rượu phạt đắng ngắt. Giờ đây, khi ngồi trong trại tạm giam, có thể bà Nga cũng sẽ lại ân hận nghĩ "giá như hôm ấy không lái xe sau cuộc nhậu". Nhưng mọi sự ân hận đều đã quá muộn.

Mọi sai lầm đều phải trả giá trước pháp luật, vì thế mỗi người hãy tự nâng cao ý thức trước khi… nâng cốc.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-6-2018), trên toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người.

Về nguyên nhân TNGT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, phân tích trên 6.804 vụ TNGT đường bộ: 26% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; 6,23% do không nhường đường; 5,97% do vượt xe sai quy định; 7,82% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,32% do tránh xe; 4,23% do sử dụng rượu bia; 29,8% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có Giấy phép lái xe, vi phạm quy trình thao tác lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do người đi bộ, do công trình giao thông và các nguyên nhân khác.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì các hành vi bị nghiêm cấm là:

8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Điều này có nghĩa là người điều khiển xe ô tô tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu hay khí thở.

Theo đó, nếu người gây tai nạn mà trong người có nồng độ cồn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là chết người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người lái xe ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây thiệt hại tính mạng cho người khác tùy tính chất mức độ thì bị phạt tù từ ba đến mười năm tù.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra người này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo quy định tại Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế như các chi phí mai táng, thiệt hại về tinh thần...Và các thiệt hại khác do luật quy định.

Chế tài xử lý đối với người lái xe sau khi uống rượu, bia (vi phạm nồng độ cồn) ở nước ta hiện nay còn quá nhẹ. Người vi phạm chưa cảm nhận được lời cảnh báo chế tài xử lý và mức độ nguy hiểm khi uống rượu, bia tham gia giao thông.

Theo luật sư Vũ Viết Năng, để ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông lái xe sau khi uống rượu, bia cần tăng nặng các hình thức xử phạt đối với tài xế say xỉn. Cần quy định nồng độ cồn trong máu từ 30 mg/100ml máu, thay vì mức 50mg như quy định hiện hành. Nếu nồng độ cồn cao trên 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép lái xe 2 năm và tịch thu phương tiện; xử phạt bổ sung như lao động công ích hoặc tài xế phải thi lại luật giao thông đường bộ.

Theo CAND