Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông từ 40 triệu lên 75 triệu đồng (Trong ảnh: CSGT xử lý một trường hợp vi phạm giao thông)
Phạt ở mức cao hơn để tăng tính răn đe
Sáng 10/2, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.
Ông Hiển phân tích, bài học rõ nhất là khi nâng cao mức phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông. “Nâng ly lên là nghĩ tới mức phạt tối đa lên đến 40 triệu đồng, tịch thu bằng lái 23 tháng, thì phần lớn lái xe lại đặt ly xuống hết. Do vậy, tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe của nó cả, nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến, cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Trước một số ý kiến cần xem xét đến thu nhập của người dân, hoặc có thể dẫn tới thực trạng mức phạt cao hơn cả phương tiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn tán thành với việc phạt nặng để đảm bảo tính răn đe. “Chúng ta cứ đứng trên quan điểm thu nhập của người dân, nhưng vừa rồi có những quy định xã hội phải chịu. Như phạt tiền 40 triệu đồng thì cao hơn tiền mua xe mới, thậm chí bỏ xe để không nộp phạt. Nếu không muốn ảnh hưởng thu nhập thì đừng có vi phạm”, bà Ngân nói.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh phân tích, không thể nói mức phạt cao là không tính đến dân nghèo. Bởi, đối với pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Nếu không muốn bị xử lý thì đừng có vi phạm thì pháp luật mới nghiêm được.
Cũng cho rằng việc tăng mức xử phạt hành chính trong vi phạm giao thông là cần thiết, theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cần cân nhắc chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Sửa đồng bộ để nâng hiệu quả thực tế
“
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/2, Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong 10 lĩnh vực. Cụ thể, GTVT đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu đồng; lĩnh vực quản lý công trình thủy lợi, báo chí từ 100 lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản từ 150 lên 500 triệu đồng...
Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
”
Đề xuất nâng mức xử phạt tối đa vi phạm giao thông vừa được đưa ra đã được các diễn đàn xôn xao bàn luận, trong đó có ý kiến cho rằng, nếu mức phạt cao thì người vi phạm sẽ bỏ phương tiện, giấy tờ lại thay vì nộp phạt.
Về ý kiến này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, hoàn toàn có thể xử lý dứt điểm những trường hợp vì mức phạt cao mà người vi phạm bỏ xe, bỏ giấy tờ lại nếu làm nghiêm công tác sang tên, đổi chủ xe. Khi có chính xác tên, địa chỉ người vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy báo xử lý vi phạm về tận xã, phường và công an phường, xã có trách nhiệm làm rõ, yêu cầu người vi phạm thực hiện nộp phạt. Toàn bộ quy trình này cần được siết chặt, thực hiện đồng bộ, thì sẽ không có chuyện tăng mức phạt sẽ bỏ phương tiện.
“Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết, truy đến cùng trong việc xử lý vi phạm giao thông càng cần thiết để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật”, ông Quỹ nhấn mạnh.
Luật sư Hậu cùng cho rằng: “Người vi phạm bỏ phương tiện, bỏ giấy tờ, không thực hiện việc nộp phạt là coi thường pháp luật. Tin rằng, những trường hợp bỏ phương tiện khi vi phạm hành chính chỉ là cá biệt”.
Theo luật sư Hậu, song song với việc tăng mức phạt hành chính, cần có một quy định để khuyến khích lái xe. Người hành nghề lái xe mà trong vòng 10 - 20 năm không có vi phạm nào thì có thể ưu tiên cấp cho họ thẻ lái xe màu vàng và khi đi làm thủ tục hành chính sẽ được ưu tiên làm trước. “Như thế sẽ động viên, khuyến khích những tài xế không phạm luật, nhưng nếu họ vi phạm sẽ thu hồi lại”, luật sư Hậu đề xuất.
Là người trực tiếp xử lý vi phạm giao thông, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh (Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, việc tăng mức xử phạt là cần thiết nhưng cũng cần tính đến việc sửa đổi các văn bản dưới luật sao cho đồng bộ, tránh tình trạng người vi phạm dựa vào một số văn bản luật hiện hành chưa cập nhật để gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.
Theo Báo Giao Thông