Việc quy hoạch tuyến vận tải hành khách hiện nay đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đăng ký khai thác
Thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ quy định quy hoạch tuyến vận tải khách cố định để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là khi phát sinh tuyến mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, nếu bỏ quy hoạch tuyến sẽ làm mất vai trò quản lý của Nhà nước, gây rối loạn thị trường kinh doanh vận tải.
Quy hoạch cản trở doanh nghiệp?
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho rằng, việc quy hoạch số lượng tuyến xe khách cố định thời gian qua còn nhiều bất cập. Hệ số khách trên tuyến hiện không sát với thực tế vì không dự báo hết số lượng khách tăng lên hoặc giảm đi theo thời gian. “Quy hoạch không đúng là cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Khi nhu cầu cao, doanh nghiệp muốn mua xe, tăng thêm số chuyến hoặc mở tuyến mới lại phải đợi đăng ký điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch để được bổ sung tuyến mới phải mất ít nhất 6 tháng. Điều này vô hình trung làm lỡ cơ hội kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp”, ông Quế nói.
Giải thích thêm về thời gian chờ đợi quy hoạch, ông Quế cho biết, trước tiên doanh nghiệp phải khảo sát tuyến mới, đăng ký và đưa vào quy hoạch với Sở GTVT hai đầu bến. Sau đó, doanh nghiệp phải chờ quy hoạch điều chỉnh được chấp thuận mới đăng ký khai thác tuyến. “Từ thực tế trên, tôi cho rằng nên bỏ quy định quy hoạch tuyến vận tải khách cố định để phù hợp với tình hình thực tế”, ông Quế đề xuất.
"Mọi lĩnh vực đều phải có quy hoạch, nhất là đối với kinh doanh vận tải - ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổng cục Đường bộ VN và Ban soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp”. Bà Phan Thị Thu Hiền |
Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng khẳng định, quy hoạch tuyến là rào cản đối với doanh nghiệp. Thông thường theo quy định, Nhà nước đưa ra quy hoạch luồng tuyến, bến đi, bến đến. Trên cơ sở quy hoạch luồng tuyến này, doanh nghiệp vận tải căn cứ vào đó lựa chọn tuyến để khai thác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngược lại, tất cả những tuyến phát sinh mới do điều chỉnh quy hoạch đều xuất phát từ đề xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu, sau khi khảo sát tuyến mới đề xuất với Sở GTVT hai đầu bến thống nhất và báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch, không phải là quy hoạch đã có sẵn và chính doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh lại xin đăng ký để chạy tuyến đó.
“Quy hoạch luồng tuyến hiện không phù hợp. Hay nói cách khác là quy hoạch đang chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khi một doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, sau khi điều chỉnh lại có thêm một vài doanh nghiệp khác cùng chạy, nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, cơ quan quản lý chỉ nên quy hoạch công suất khai thác của bến với số lượng xe cụ thể, còn quyền lựa chọn bến đi, bến đến là do Sở GTVT hai đầu căn cứ vào tình hình thực tế doanh nghiệp đề nghị để quyết định. “Ví dụ, quy hoạch bến xe Thượng Lý, Lạc Long, Nước Ngầm mỗi bến 500 chuyến/ngày, cơ quan quản lý đảm bảo điều tiết đúng con số đã được quy hoạch. Còn bến đi, bến đến tự doanh nghiệp và Sở GTVT hai đầu bến quyết định và không được vượt quá số chuyến đã được quy hoạch. Hoặc, khi đã công bố quy hoạch chỉ nên mang tính định hướng và phải mang tính ổn định, tối thiểu là 5 năm, không nên 3-6 tháng lại điều chỉnh”, ông Hải nêu vấn đề.
Vẫn còn ý kiến trái chiều
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, Nhà nước phải quản lý quy hoạch vì đây là công cụ của quản lý nhà nước. Nhà nước phải định hướng cho phát triển thị trường vận tải, không thể chạy theo đề nghị của doanh nghiệp rồi điều chỉnh quy hoạch, bổ sung thêm luồng tuyến. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nốt của doanh nghiệp vào sau “đè” lên nốt cũ của doanh nghiệp đang hoạt động.
“Doanh nghiệp có quyền khảo sát, đề xuất luồng tuyến nhưng cơ quan quản lý nhà nước có quyền đồng tình hay bác bỏ. Quyền quy hoạch thuộc về Nhà nước, nếu quy hoạch còn thiếu sót Nhà nước phải khắc phục”, ông Thanh nói và cho rằng: “Chỉ nên quy hoạch tần suất chạy xe trên tuyến, không nên quy hoạch rõ tài, nốt. Mà tài, nốt nên để doanh nghiệp quyết định và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng quy hoạch. Quy hoạch phải ổn định, ít nhất là 6 tháng hay 1 năm mới nên bổ sung điều chỉnh tuyến mới”.
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cũng cho rằng, việc đề xuất bỏ luồng tuyến là do doanh nghiệp muốn quay lại hình thức trước đây là cơ chế “xin-cho”. Họ được quyền khảo sát tuyến và đề xuất xin chấp thuận tuyến đã khảo sát. Tuy nhiên, việc quy hoạch luồng tuyến là để giảm cơ chế xin - cho. Trước đây, doanh nghiệp muốn xin chấp thuận tuyến phải đi lại nhiều lần, qua nhiều Sở GTVT. Để cải cách hành chính, Bộ GTVT đã nghiên cứu và giao cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở GTVT địa phương đề xuất quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu lượng hành khách hàng năm trên các tuyến, sẽ đề xuất bổ sung quy hoạch. Căn cứ vào quy hoạch đã công bố và được công khai website của các sở GTVT, doanh nghiệp chủ động đăng ký hoạt động.
“Quy hoạch luồng tuyến hiện nay là quy hoạch mở, doanh nghiệp có quyền chủ động hơn và không phải đi lại nhiều bằng việc đăng ký khai thác tuyến được niêm yết công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước không cần ra văn bản chấp thuận tuyến”, ông Long khẳng định.
Lý giải về việc dự báo nhu cầu hành khách trên tuyến chưa tốt, ông Long cho rằng, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. “Thủ tục bổ sung quy hoạch hiện nay tại Bộ GTVT rất đơn giản và Bộ cũng tạo điều kiện tối đa cho các địa phương nên không khó khăn gì trong việc xin điều chỉnh luồng tuyến”, ông Long nhận định.
Theo Báo Giao thông