Trải nghiệm dịch vụ xe đạp điện-xe đạp công cộng tại Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)
Với mục tiêu thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc chính thức đưa dịch vụ xe đạp điện-xe đạp công cộng vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của thành phố.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Tập đoàn Trí Nam thông tin: Trong giai đoạn đầu, 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện sẽ được bố trí tại 79 điểm trạm. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Giá thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng. Đây là mức chi phí được người tiêu dùng và khách du lịch đánh giá là khá rẻ.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Tập đoàn Trí Nam phát biểu tại lễ khai trương. (Ảnh: Thành Đạt)
Để sử dụng xe, khách thuê sẽ tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý.
Các trạm xe không cần người trông coi. Người dùng có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ và ngay cả khi số tiền trong tài khoản không còn đủ, vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp điện công cộng. Bởi tiền thuê xe sẽ được tính trong lần tiếp theo khi người dân nạp tiền vào tài khoản.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và khoa học kỹ thuật của cả nước, Hà Nội luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng Thủ đô xanh-văn minh-hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khai trương. (Ảnh: Thành Đạt)
Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Giải pháp sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện, xe đạp điện sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Thành phố.
"Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Đại diện thành phố Hà Nội và công ty Trí Nam ấn nút khai trương dịch vụ xe đạp điện-xe đạp công cộng tại Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)
Cũng theo ông Quyền, thời gian tới đây, Hà Nội cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ xe đạp đô thị nói riêng và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch nói chung.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý, trong thời gian thí điểm 1 năm, đề nghị công ty Trí Nam theo dõi phản hồi của khách hàng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ; trên cơ sở đó tổng hợp kết quả triển khai sau thời gian thí điểm.
Người dân trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng trong ngày đầu tiên hoạt động. (Ảnh: Thành Đạt)
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.
Theo ông Đỗ Bá Dân, trong 7 ngày vận hành thử nghiệm (từ 16-22/8), Trí Nam đã tiếp nhận hơn 16.000 tài khoản được mở mới. Khách hàng đã thực hiện hơn 7.000 chuyến đi, trên 46.000km di chuyển, đạt trung bình 6,3km/chuyến. Đặc biệt, 100% các khung giờ đều có khách sử dụng dịch vụ.
Nguồn Báo Nhân dân