Ảnh minh họa
Điều tôi chưa từng thấy ở Việt Nam
Vào sân bay Liên Khương (Đức Trọng) để trải qua quá trình kiểm tra hành lý và check-in, phía trước mặt tôi là đoàn gồm 5 người Nhật đứng tuổi, gồm 3 nam và 2 nữ, đều dùng xe đẩy hành lý trông khá cồng kềnh. Trong khi sau lưng tôi chỉ đeo ba lô và tay cầm thêm túi nhỏ đựng quần áo.
Điều khiến tôi bất ngờ và nhớ mãi là một người đàn ông Nhật mặc áo khoác đầy màu sắc tiến đến gần và nói (tiếng Anh) rằng: “Phía bên này còn trống. Mời anh lên trước”. Có lẽ ông ấy thấy tôi mang theo ít đồ và không muốn tôi phải chờ quá lâu vì nhóm của mình nên nhường check-in trước.
Sững sờ trong vài giây vì hành động đẹp này, tôi cám ơn ông ta rồi bước lên. Khi đến gần quầy check-in, một người đàn ông Nhật khác đưa tay mời tôi làm thủ tục trước.
Dù trong người có chút mệt mỏi sau khi ăn đám cưới vào buổi trưa trên Đà Lạt và phải xuống TP.HCM gấp buổi tối cùng ngày, song việc chứng kiến hành động chưa từng thấy ở Việt Nam giúp tinh thần của tôi vô cùng phấn chấn.
Trước khi đi vào bên trong để ngồi chờ lên máy bay, tôi gật đầu chào hai người đàn ông Nhật như lời cảm ơn và bày tỏ sự nể phục với họ. Cả hai đều nở nụ cười thân thiện và gật đầu chào lại tôi.
Đoàn 5 người Nhật nói chuyện nhỏ nhẹ để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.
Vào đến phòng ngồi chờ ở cổng số 3, trong khi đoàn gồm 4 người Trung Quốc cười nói ồn ào như ngoài chợ thì 5 người Nhật ấy trò chuyện với nhau nhỏ nhẹ và tế nhị vì không muốn ảnh hưởng đến người xung quanh.
Chuyến bay Đà Lạt – TP.HCM của VietJet Air bị hoãn 4 lần khiến tôi ức chế tột độ vì đến 1 giờ 20 sáng hôm sau mới về đến nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM, song dù sao tôi đã có kỷ niệm khó quên với những người Nhật đáng mến.
Văn hóa ứng xử đáng ngưỡng mộ của người Nhật
Sau hành động đẹp của hai đàn ông người Nhật, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm văn hóa ứng xứ ở đất nước mặt trời mọc thông qua trang Wikia Nhật Bản.
Nhật Bản có nhiều đặc điểm gần với Việt Nam, nhưng phong cách ứng xử của người Nhật nổi tiếng lịch sự, nhã nhặn và trách nhiệm. Để có được điều đó, trẻ em Nhật phải chịu rèn luyện rất nghiêm túc từ khi còn trứng nước.
Theo trang Wikia, xã hội Nhật Bản hiện đại có một nền tảng quan trọng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy trong cuộc sống, điều tối kị là làm ảnh hưởng và xâm phạm đời tư của người khác. Bạn có thể làm gì tùy ý trong không gian riêng tự do, nhưng ở nơi công cộng phải tôn trọng những qui tắc đã có.
Một trong những quy tắc ứng xử đầu tiên cần phải học khi đến Nhật là giữ trật tự. Rất ít khi tỏ thái độ nhưng nếu bạn gây ồn, người Nhật sẵn sàng nhắc nhở, thậm chí nổi nóng. Điều này được cho là xuất phát từ việc Nhật Bản đất chật người đông, việc va chạm hàng ngày khó tránh khỏi nên họ luôn luôn chú ý cách cư xử của bản thân để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.
1. Quy tắc ứng xử chung
Ngày mưa, hai người cầm ô đi đối diện nhau sẽ nghiêng ô ra ngoài để tránh nước giọt sang ướt người đối diện.
Tuyệt đối phải đúng giờ. Việc không hẹn mà tới, trễ hẹn... gọi là kẻ ăn cắp thời gian của người khác.
Khi không may bị người khác dẫm phải chân thì cũng nói xin lỗi (Sumimasen), giúp không khí bớt căng thẳng.
Qui tắc 7/3: Dành 3 phần đường mình đi, còn 7 phần dành cho xe khi khẩn cấp.
Những thói quen như rung đùi, khạc nhổ được cho là rất bất lịch sự, cần sửa ngay lập tức.
Không được tự tiện cho số điện thoại, email, địa chỉ... của người khác mà không xin phép trước.
2. Nơi công cộng
Tất cả mọi người đều đứng bên trái (riêng ở Osaka thì đứng bên phải).
Trên một cầu thang cuốn, bao giờ cũng có một bên dùng để đứng và một bên dành cho người đi để tránh đứng cản đường đi của người khác. Hầu hết mọi nơi ở Nhật, bên trái dành cho người đứng, bên phải dành cho người vội. Còn ở Osaka thì ngược lại, bình thường đứng bên phải, người vội đi bên trái. Lí do là ở Osaka trước có rất nhiều khách nước ngoài thường không biết quy định đi bên trái của Nhật và để chỉ dẫn cho họ đi theo thói quen của Nhật thì rất khó khăn. Vì thế, người Nhật ở Osaka đã thay đổi theo cách của người nước ngoài đến du lịch.
Mọi người Nhật đều đứng bên trái (riêng ở Osaka thì đứng bên phải).
Người Nhật rất hay đeo khẩu trang, đặc biệt vào mùa cúm hoặc do bị dị ứng phấn hoa. Do đó việc đeo khẩu trang khi nói chuyện không bị coi là bất lịch sự. Ngược lại, nếu bạn bị ốm (cảm cúm, sổ mũi) hãy đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác.
Không nói to, cười đùa, bật nhạc ầm ĩ. Nếu có thấy người khác làm vậy thì cũng không nên bắt chước theo.
Mùi cơ thể cũng là một điểm cần chú ý vì ở Nhật, việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến.
Người cùng giới đi ngoài đường không choàng vai bá cổ nhau.
Tắt tiếng điện thoại khi ra ngoài.
3. Nơi ở
Ở Nhật, nhà ở thường là chung cư hoặc nằm sát gần nhau, tường khá mỏng nên rất dễ gây những tiếng động ảnh hưởng đến hàng xóm. Ban đầu bạn có thể chỉ nghe thấy tiếng gõ nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc nụ cười trừ. Nhưng nếu không chú ý, bạn có thể bị chủ nhà mời đi chỗ khác ở, thậm chí sẽ gặp rắc rối với cảnh sát. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa tiếng ồn nhất là khi đã khuya như nhảy, đi lại mạnh trên sàn nhà, sập cửa khi ra vào, bật nhạc to, tụ tập bạn bè, xả nước và tắm lúc nửa đêm, dùng máy giặt và máy hút bụi vào buổi buổi đêm hoặc sáng sớm.
Nhiều nơi ở không cho phép nuôi thú nhỏ hoặc bạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền nhất định để nuôi. Hãy xem kỹ hợp đồng thuê nhà hoặc hỏi văn phòng bất động sản trước khi mang thú nhỏ về nhà.
Vứt rác đúng ngày, giờ và vứt vào đúng chỗ quy định. Một số nơi có vài chỗ tập kết rác cạnh nhau, hãy hỏi nhân viên của văn phòng bất động sản xem nên vứt vào chỗ nào cho đúng. Làm sai một trong những quy định trên có thể sẽ bị người dân xung quanh nhắc nhở, thậm chí bị phạt tiền.
4. Trên phương tiện công cộng
Hầu hết trên các tàu và xe buýt đều có những chỗ ngồi ưu tiên dành cho người già, người tàn tật, phụ nữ có mang hoặc có trẻ nhỏ. Khi không có ai, bạn có thể ngồi nhưng hãy mạnh dạn đứng dậy nhường chỗ cho những người nói trên.
Chỗ ngồi ưu tiên trên tàu ở thủ đô Tokyo.
Hạn chế tối đa việc nói chuyện điện thoại. Nếu không có cách nào khác hãy cố gắng nói nhỏ.
Khi lên tàu, xe buýt hãy chờ cho những người xuống tàu/xe ra hết rồi mới lên.
5. Ăn uống
Người Nhật khá cầu kì trong nấu nướng nhưng cũng sẵn sàng ăn tạm một món ăn nhanh để tiết kiệm thời gian.
Khác nhau về văn hóa dẫn đến nhiều món ăn của người Nhật cũng không hợp khẩu vị của người Việt và ngược lại. Việc khen một món ăn (dẫu không ngon) trở thành tính cách của họ trong giao tiếp. Vì vậy cũng cần chú ý khi mời người Nhật ăn. Việc khám phá một món ăn công phu cũng là tìm hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản.
Ngược lại với Việt Nam, ở Nhật (hay Hàn Quốc) khi ăn các món bún, mỳ, miến mà phát ra tiếng "sụp soạp" thì không bị coi là bất lịch sự. Trái lại, người ta quan niệm tiếng "sụp soạp" đó tạo cảm giác ngon miệng.
Giống như ở Việt Nam, khi ăn cơm nên cầm bát trên tay chứ đừng đặt trên bàn rồi cúi đầu xuống ăn.
Khi ngồi trong bàn ăn, không nên tự rót nước/rượu cho bản thân mà hãy rót cho người bên cạnh.
Trong các nhà hàng ăn tự chọn (buffet), ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Đừng lấy thật nhiều rồi bỏ thừa, như thế sẽ rất không hay, thậm chí bạn có thể bị phạt tiền.
Ở Nhật hầu như không có văn hóa tiền boa. Việc bạn boa tiền có thể gây khó xử cho nhân viên nhà hàng do một số nơi có quy định không được nhận tiền boa.
6. Trang phục
Nhật Bản là nơi khá tự do về ăn mặc, thời trang. Quần áo cũng đẹp và rẻ nên thay đổi theo mùa khá dễ dàng. Hãy mặc đồ sạch sẽ, gọn gàng, hợp phong cách.
Ở Nhật, phụ nữ thường mặc áo kín đáo, hầu như không hở ngực hoặc lưng, duy chỉ có váy ngắn và quần ngắn thì không sao.
7. Giao tiếp
Việc chào hỏi nhau là một nghi thức không thể thiếu ở Nhật. Để đánh giá một con người, người ta thường đánh giá mức cơ bản nhất là biết chào hỏi hay không. Việc cảm ơn và xin lỗi trong mọi trường hợp là điều bình thường ở xã hội Nhật.
Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình.
Không dùng ngón tay chỉ vào người khác.
Ngoài người yêu, vợ, chồng và con, không nên động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc thân mật cũng như lúc giận giữ, cãi cọ.
8. Tặng quà
Nên tránh tặng những món quá đắt tiền, xả xỉ. Tốt nhất hãy tặng những món quà hữu dụng, có giá trị vừa phải hay những món quà thủ công, mỹ nghệ mang từ Việt Nam sang.
Khi đang nhờ người Nhật một việc gì đó, tuyệt đối không được tặng quà. Người Nhật có tính tự trọng rất cao, làm như vậy sẽ bị coi như là hối lộ. Thêm nữa, họ rất ngại việc nhận quà rồi mà lỡ không thực hiện được điều được nhờ.
Theo Một Thế Giới.