Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ và nhà đầu tư BOT là rà soát hiện trạng biển báo tại các cửa trạm thu phí để tổ chức giao thông theo hướng lắp đặt biển số P.131 “Cấm đỗ xe” phía trước trạm thu giá khoảng 100-200m, tùy theo điều kiện cụ thể để xác định khoảng cách đặt cho phù hợp.

Tổng cục này cũng yêu cầu lắp đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút”. Biển viết bằng chữ, nền biển màu đỏ, chữ viết màu trắng, cách cabin thu phí khoảng 50m. Biển được lắp đặt trên dải phân cách giữa và trên cột cần vươn phía bên phải chiều xe chạy. Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm thu giá khoảng 100-200m.

Việc cấm đỗ xe quá 5 phút tại trạm thu phí khiến dư luận phản ứng, không đồng tình

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, đây có thể là giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm chống lại tình trạng các tài xế gây ùn tắc tại các trạm thu phí như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm: “Cắm biển cấm dừng quá 5 phút tại trạm thu phí là không phù hợp, không pháp luật nào quy định cấm như vậy. Quy định về biển báo, biển hiệu giao thông là Bộ Giao thông vận tải và phải chiếu theo Thông tư, Nghị định cụ thể. Tổng cục Đường bộ Việt Nam không có thẩm quyền để yêu cầu cắm biển cấm dừng đỗ xe”.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước phải thực thi theo pháp luật, còn những người có hành vi gây rối sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể “tuỳ tiện” đưa ra yêu cầu cắm biển cấm dừng đỗ xe và giới hạn thời gian, không gian để yêu cầu các tài xế thực hiện nhằm tránh ùn tắc giao thông.

“Người dân và chủ phương tiện đang bức xúc, phản đối nhiều trạm BOT, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại đưa ra yêu cầu cấm là không hay. Việc cấm này không những không giúp giảm ùn tắc giao thông mà chỉ gây thêm ức chế cho tài xế. Trong tình hình hiện nay, giải pháp tốt nhất là nên đối thoại chứ không phải là tạo thêm áp lực làm phức tạp vấn đề hơn” - ông Thanh khẳng định.

Trước giải pháp của Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, nói thẳng: "Qua trạm càng nhanh càng tốt, tiến tới qua trạm không dừng kia mà. Sao có chuyện dừng 5 phút, 3 phút ở đó được. Chẳng qua bí mới nói vậy chứ không phải là giải pháp".

Tại Phú Yên, nhiều tài xế cũng phản đối trạm BOT Bàn Thạch. Bộ GTVT đã thống nhất đổi tên Trạm thu phí Bàn Thạch thành Trạm thu phí An Dân (đặt tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nhằm tránh hiểu nhầm, dẫn đến phản đổi, gây ách tắc như trong thời gian qua. Theo ông Trí, Bộ GTVT đã chấp thuận miễn phí cho toàn bộ xe công vụ của huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, xe phục vụ công cộng như xe buýt, xe vệ sinh và tất cả xe loại 1 (xe khách 12 chỗ trở xuống, xe tải 2 tấn trở xuống) trên địa bàn xã An Dân khi qua trạm. "Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát và kiến nghị Bộ GTVT để tiếp tục miễn, giảm cho một số phương tiện trong khu vực" - ông Trí nói.

Tuy nhiên, theo ông Trí, việc miễn giảm phí chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình nóng lên ở các trạm thu phí. Về lâu dài, cần có một giải pháp căn cơ. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT kiểm tra, rà soát toàn bộ để đề xuất, nhưng hiện Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào. Tạm thời, chỉ cho phép thực hiện BOT trên các tuyến đường làm mới hoàn toàn, không thực hiện BOT trên tuyến đường cũ nâng cấp.

Trong khi đó, những ngày qua, điệp khúc ùn tắc, đóng - xả trạm BOT Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) liên tục xảy ra, không chỉ gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh địa phương mà còn khiến đời sống của người dân sinh sống gần các trạm thu phí bị đảo lộn, không ít doanh nghiệp bị thiệt hại nặng vì hàng hóa vận chuyển vào Nam bị ách tắc tại trạm này.

Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp tê liệt vì bị tài xế phản đối

Phản ứng về chủ trương cấm phương tiện dừng quá 5 phút tại trạm BOT, rất nhiều chủ phương tiện đã gửi ý kiến tới Dân trí để bày tỏ quan điểm. Theo đó, nhiều người cho rằng việc cấm tài xế dừng đỗ xe tại trạm BOT không khác gì “bảo kê” cho trạm BOT, cơ quan quản lý Nhà nước không tìm cách giải quyết cho người dân, không quản được thì cấm là không công bằng.

Bạn đọc Xuân Ngọc Trương đặt câu hỏi với Bộ Giao thông vận tải: “Cấm dừng 5 phút được quy định ở đâu? Khung phạt bao nhiêu?”.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Quang Trung cho hay: “Theo tôi thấy, đây đâu phải là văn bản quy phạm pháp luật? Nếu đúng thì Bộ Giao thông cần ban hành Thông tư để mọi người dân mới phải thực hiện. Để ban hành Thông tư thì phải lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan và phải được Bộ Tư pháp thẩm định, nếu đúng thi quy định mới được ban hành, quy định có hiệu lực và mọi người mới phải thực hiện”.

Theo Dân trí