Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2016, kế hoạch hoạt động năm 2017, ý kiến tham luận của các bộ, ngành, các địa phương. Tỉnh Cà Mau gửi đến Ban tổ chức Hội nghị những đánh giá về nguyên nhân của sự gia tăng tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất những giải pháp để làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông trong năm 2017.

Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 89 vụ, làm chết 44 người, bị thương 120 người. Số vụ (89/64) tăng 25 vụ, tăng 39,1%; số người chết (44/25) tăng 19 người, tăng 76%; số người bị thương (120/87) tăng 33 người, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2015. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều có liên quan đến việc uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện, vượt quá tốc độ cho phép, tránh vượt sai quy định (chiếm gần 70%); thời gian xảy ra tai nạn từ sau 12 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau (chiếm 88%), địa bàn xảy ra tai nạn chủ yếu là các tuyến quốc lộ (chiếm 51%) và đường nông thôn (26,3%); phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện gia dụng gia đình (đường thuỷ).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ngoài ý thức của người tham gia giao thông, tai nạn gia tăng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn có những yếu tố như sau:

-  Do địa bàn tương đối rộng, lực lượng mỏng, kinh phí hoạt động tuần tra, kiểm soát không đảm bảo nên công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng không thể bao quát hết địa bàn, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt là đối với đường thuỷ nội địa. Đơn cữ là chỉ trong tháng 10, 11 năm 2016 tỉnh  Cà Mau xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, ở tuyến sông cấp xã, làm chết 06 người.

Tai nạn xe máy vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao trong thời gian qua.

- Phương tiện mô tô, xe gắn máy tăng nhanh (tỷ lệ tăng hàng năm từ 15 – 20%), trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng phương tiện hiện nay.

- Theo thống kê có hơn 50% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Điển hình tuyến quốc lộ 1 đoạn từ Cà Mau đi Năm Căn do đây là tuyến đường độc đạo đi về 04 huyện (Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, mặt đường hẹp, đặc biệt là từ khi thông tuyến Năm Căn – Đất Mũi thì mật độ phương tiện trên tuyến tăng rất nhanh), thời gian gần đây do ảnh hưởng mưa bão mặt đường bị bong chóc, hư hỏng nặng, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông do phương tiện sụp ổ gà trên đường (có những ngày xảy ra gần 10 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông trên tuyến đường này).

-  Hoạt động đảm bảo TT ATGT của lực lượng công an cấp xã còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Từ năm 2014 đến nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn kinh phí hoạt động cho công an cấp xã (công an cấp xã là đối tượng không được cấp kinh phí từ nguồn kinh phí điều tiết về của Bộ Công an) do đó, chưa làm tốt kế hoạch tuần tra, kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông khu vực nông thôn.

 - Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, người điều khiển xe gắn máy không cần có giấy phép lái xe, nên hiện nay lượng xe gắn máy (dưới 50 cm3) tăng rất nhanh, người điều khiển xe không am hiểu pháp luật, cũng như thiếu kỹ năng lái xe, trong khi Bộ GTVT chưa có chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, theo quy định của Luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe gắn máy. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cao.

Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế trên, theo định hướng hoạt động đảm bảo TT ATGT năm 2017 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tỉnh Cà Mau quyết tâm giảm từ 5- 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2016, bằng những giải pháp sau:

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên, con cán bộ, công chức, lãnh đạo vi phạm trật tự an toàn giao thông. Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông, thông qua các kênh báo đài của địa phương, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ở trường học thông qua các buổi sinh hoạt lớp, thông qua các cuộc thi tìm hiểu,…

- Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý các lỗi vi phạm điển hình như : nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường,…Tập trung đối tượng là xe mô tô, xe gắn máy, ở địa bàn quốc lộ và nông thôn. Tăng cường hơn nữa việc thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.

- Lắp đặt hệ thống camrera giám sát giao thông trên các tuyến đường trọng điểm của tỉnh. Tạo điều kiện trang bị về phương tiện, trang thiết bị, cơ chế hoạt động cho lực lượng công an xã trong công tác đảm bảo ATGT khu vực nông thôn.

Song song với những giải pháp trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị đề xuất 04 vấn đề, đó là:

- Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác duy tu, sửa chữa tuyến quốc lộ 1, Quản lộ Phụng Hiệp để giảm bớt tai nạn giao thông do kết cấu hạ tầng giao thông gây ra. Sớm có văn bản hướng dẫn chương trình đào, cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho người điều khiển xe gắn máy.

Công tác tuần tra, kiểm soát cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

- Bộ Công an xem xét cho cơ chế Công an các tỉnh thực hiện bán đấu giá biển số xe đẹp để gây quỹ hỗ trợ, chia sẽ gia đình bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế việc thường xuyên sửa đổi các văn bản này (đặc biệt là nghị định xử phạt), vì sẽ làm giảm đi hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục.

- Có thể khẳng định rằng việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông là trách nhiệm của các địa phương, trong đó Công an tỉnh, Công an huyện là lực lượng trực tiếp, nòng cốt của địa phương.  Do đó việc Bộ Tài chính hướng dẫn kinh phí xử phạt của lực lượng Công an tỉnh, Công huyện nộp về ngân sách trung ương là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Vì muốn giảm thiểu tai nạn giao thông thì các lực lượng phải thực hiện theo chương trình, kế hoạch của địa phương, nếu kinh phí của lực lượng công an do trung ương điều tiết sẽ không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông của các địa phương. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh phần kinh phí xử phạt của các lực lượng tham gia trực tiếp công tác đảm bảo an toàn giao thông của địa phương thì kinh phí xử phạt để lại cho địa phương 100%. Đối với lực lượng công an thuộc các cục, tổng cục của Bộ Công an khi tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc do Trung ương quản lý thì kinh phí điều tiết về Trung ương 100%.

Huỳnh Anh