Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt tham dự Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 1, triển khai phương hướng nhiệm vụ quý 2 năm 2023 tại điểm cầu Cà Mau
Thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023, các lực lượng chức năng của địa phương thường xuyên bám địa bàn, triển khai nhiều giải pháp về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; kết quả đạt được rất khả quan, số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau giảm so với cùng kỳ năm 2022. Quý I năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ (không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy), làm chết 01 người, bị thương 02 người. Số vụ (3/10), giảm 07 vụ (-70%); số người chết (01/03), giảm 02 người (-66,7%); số người bị thương (02/09) giảm 07 người (-77,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Cà Mau đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp như:
Tăng cường chỉ đạo toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc và có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.UBND Tỉnh Cà Mau chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của ngành, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý hành lang an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng xe. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là việc không uống rượu, bia trong giờ làm việc; đã uống rượu, bia - không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện trường của một vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bản tỉnh Cà Mau
Chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TT ATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông là giải pháp quan trọng nhằm làm chuyển biến nhận thức của người tham giao thông, góp phần làm kiềm chế tai nạn giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trong từng ngành, lĩnh vực với nhiều cách tiếp cận pháp luật về TT ATGT cho cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên thông qua các hoạt động sinh hoạt chi, tổ, hội, các hội thi, sự kiện truyền thông.
UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các khu dân cư nhằm phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng xe cá nhân, đặc biệt trong dịp lễ, tết khi đi trên các tuyến có cự ly dài, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Trong đó, tập trung tuyên truyền đối với thanh, thiếu niên, người dân ở vùng nông thôn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn: Vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm; dừng, đỗ xe trái quy định. Tăng cường công tác tuần ta, kiểm soát trên các tuyến, luồng phức tạp, bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch,…Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông với tinh thần thực hiện nghiêm minh, công bằng và không có ngoại lệ, không loại trừ bất kỳ ai. Trong quý I năm 2023 các cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt hơn 13 ngàn trường hợp vi phạm, với số tiền gần 27 tỷ đồng, tạm giữ 7.647 xe, tước có thời hạn 2.082 Giấy phép lái xe, tước quyền sử dụng có thời hạn 05 phù hiệu xe ô tô.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương 04 tỉnh Đắk Nông, Long An và Cà Mau giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông, các địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông… nhằm kéo giảm nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông cũng như giảm thiểu thiệt hại về tài sản, sức khỏe và sinh mạng của người tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra trên đường thủy nội địa
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, quý II năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc phát triển để tạo đà thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng của cả năm, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ Lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch Hè 2023, tạo nên thách thức lớn cho công tác bảo đảm TTATGT, do đó trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông tỉnh tiếp tục chỉ đạo:
Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Tiếp tục duy trì việc nêu gương của cán bộ công chức, viên chức trong chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, con cán bộ, công chức, lãnh đạo vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự, an toàn giao thông, thông qua các kênh báo, đài của địa phương, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ở trường học thông qua các buổi sinh hoạt lớp, thông qua các cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông,…
Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các lỗi vi phạm điển hình như : nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường,…Tập trung đối tượng là xe mô tô, xe gắn máy, ở địa bàn quốc lộ và nông thôn.
Về đường thủy nội địa: Tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn; người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định, không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh; chở vượt quá sức chở của phương tiện, quá vạch dấu mớn nước an toàn; phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng,… Cương quyết đình chỉ hoạt động bến đò ngang không phép, các phương tiện chở khách ngang sông đảm bảo điều kiện an toàn.
Mộng Tuyết