Cầu Cần Thơ ( Nguồn Nhân dân)
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tiềm năng phát triển nông nghiệp to lớn, là vựa lúa của cả nước, là khu vực nuôi trồng, xuất khẩu nông, thủy hải sản lớn nhất nước ta.
Giai đoạn 2010 - 2015, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông vận tải đã hoàn thành trên địa bàn vùng ĐBSCL khoảng 58.778 tỷ đồng (chưa kể các dự án đang triển khai dở dang). Trong đó, lĩnh vực đường bộ đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, xây dựng và nâng cấp mở rộng 1.036km đường, 60,2km cầu.
Đến nay, mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều công trình giao thông hiện đại đạt chuẩn khu vực và quốc tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo ĐBSCL. Mạng lưới giao thông đường bộ hình thành theo trục dọc, trục ngang; hệ thống đường vành đai liên kết với nhau đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng trong vùng.
Cầu Cổ Chiên ( nguổn SGGP)
Những chiếc cầu lớn ở ĐBSCL như: Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Đầm Cùng, Mỹ Lợi... hoàn thành đã phá thế ngăn sông cách trở. Những cây cầu này xóa đi cảnh chen chúc lộn xộn, mất thời gian, thiếu an toàn tại các bến phà vốn tồn tại hàng thế kỷ nay, đồng thời trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch bởi quy mô và kiến trúc đẹp, hiện đại.
Các tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh đi Trung Lương (đã đưa vào sử dụng tháng 10/2010), tuyến Trung Lương đến Mỹ Thuận (đã khởi công lại vào tháng 2/2015) sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh đi Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Theo kế hoạch, đến năm 2019 hoàn thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (nối Cần Thơ và Kiên Giang) cùng với cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1. Đồng thời rút ngắn vài chục km đi từ TP.Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang so với đi quốc lộ 1.
Đường hành lang ven biển phía nam – nguồn internet.
Ngoài ra, các tuyến giao thông biên giới (N2), đường hành lang ven biển phía Nam kết nối với các nước ASEAN; các tuyến quốc lộ 61; 62; 53… được triển khai đã hình thành nên một hệ thống giao thông liên hoàn cho toàn vùng. Hệ thống giao thông đường thủy cũng không ngừng được mở rộng, từ đó cho phép các địa phương trong vùng hình thành và kết nối các nhà máy, khu, cụm công nghiệp.
Cùng với đường bộlà hệ thống sân bay Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Quốc, Cà Mau được hình thành đã tạo ra một không gian mở để ĐBSCL kết nối với cả nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu. Ðến nay những "anh hai lúa" có thể thỏa mãn ước mơ được đi trên những máy bay hiện đại, ngắm nhìn những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ðó cũng là nhờ việc quan tâm đầu tư, quy hoạch các sân bay trong vùng trên nguyên tắc bảo đảm kết nối vùng với các sân bay quốc tế và phân bố đều trong khu vực, nhất là các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL.
Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đã được cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh và khánh thành ngày 01/01/2011. Cảng có nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 20.750m2, phục vụ 3 triệu khách/năm và kéo dài 600m đường hạ cất cánh (đạt tổng chiều dài 3000m), lắp đặt hệ thống đèn đêm, hệ thống hạ cánh chính xác ILS để tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như B777-300ER, B747-400 và tương đương, nối Cần Thơ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc được xây dựng xong giai đoạn 1 vào cuối tháng 11 năm 2012 và đã bắt đầu phục vụ các chuyến bay từ ngày 2 tháng 12 năm 2012, với khả năng tiếp nhận từ 3 đến 4 triệu hành khách/năm. Cảng đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế cho các loại máy bay hiện đại hoạt động, như Boeing 777, Boeing 747-400 và tương đương. Đây là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư doanh nghiệp,tổng vốn đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng và được đầu tư theo các giai đoạn. Khi đưa vào khai thác, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc sẽ là cảng hàng không quốc tế thứ 3 được xây dựng tại miền Nam Việt Nam, Năm 2015, sân bay này phục vụ 1.467.043 lượt khách.
Cùng với đường bộ, đường hàng không, hệ thống đường sông ÐBSCL đã và đang được đầu tư nâng cấp một cách đáng kể, nhất là các tuyến sông chính, kết hợp với hệ thống đường thủy do các địa phương quản lý đã góp phần nâng cao khả năng kết nối khu vực với các cảng sông, biển. Từ TP Hồ Chí Minh, bằng phương tiện thủy, hàng hóa và hành khách có thể đi qua Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến Hà Tiên, Cà Mau... Nông sản hàng hóa vùng ÐBSCL sẽ đến nhanh hơn với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Theo Bộ GTVT, hiện giao thông thủy của vùng ĐBSCL chiếm tới 70% chiều dài đường thủy của cả nước, nhưng khai thác rất thấp. Về vận tải biển thì có tới khoảng 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của các tỉnh ĐBSCL phải thực hiện thông qua TPHCM, Đồng Nai…khiến chi phí tăng, lợi nhuận giảm…Từ những hạn chế đó, việc đẩy nhanh phát triển giao thông ĐBSCL trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2016- 2020, về đường bộ dự kiến triển khai 39 dự án giao thông ở ĐBSCL với kinh phí khoảng 73.033 tỷ đồng; về hàng hải triển khai 23 dự án với tổng kinh phí khoảng 18.006 tỷ đồng; về đường thủy nội địa triển khai 12 dự án với tổng kinh phí dự kiến 11.027 tỷ đồng; về lĩnh vực hàng không sẽ đầu tư thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp Cảng Hàng không Phú Quốc… Đối với hệ thống logistics, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển vùng ĐBSCL ngang tầm với khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển; trong đó nghiên cứu chọn Cần Thơ làm trung tâm logistics của ĐBSCL.
Cảng cần thờ. Nguồn: Internet.
Trước mắt, cảng Cần Thơ sẽ được mở rộng với năng lực vận chuyển 650.000 tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu 10.000 tấn. Cần Thơ đang xây dựng tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu và giao thông nội vùng gồm các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, sông Ô Môn, Thốt Nốt; nạo vét các kênh rạch bảo đảm cho phương tiện có tải trọng từ 5 tấn lưu thông; xây dựng thêm nhiều bến tàu hàng hóa, hành khách trên nhiều tuyến sông chính. Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ xây dựng giai đoạn 2 cảng Cái Cui (Cần Thơ) với 4 bến tàu tải trọng từ 10.000-20.000 tấn, tiếp nhận 2,3-2,5 triệu tấn hàng hóa/năm; trong đó 800.000 tấn chở bằng container.
Kênh Chợ Gạo – ( nguồn Báo Đấu Thầu)
Bộ GTVT đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, có điểm đầu tại Km0 (ngã ba sông Vàm cỏ), điểm cuối tại Km28+687 (ngã ba sông Tiền). Dự án có chiều dài 28,687 km, với tổng mức đầu tư là 2.263,7 tỷ đồng; theo đó, phân kì thực hiện đầu tư dự án theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2013 -2015) với mức đầu tư là 787 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2017) là 1.477. Tuyến vận tải sông Hàm Luông, Bạc Liêu-Cà Mau và Đồng Tháp Mười-Tứ giác Long Xuyên cũng đang được nâng cấp
Đối với đường thủy nội địa, các tuyến thủy nội địa chính sẽ được Bộ GTVT đạt cho hoàn thành nâng cấp kỹ thuật theo quy định; đồng thời, tập trung cải tạo một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác; đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách.
Cầu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đang thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ thu hẹp khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang ( Nguồn Bác Công thương)
Hiện Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án “ưu tiên” đầu tư cấp bách cho giao thông vùng ĐBSCL, từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn tập trung, vốn ODA, các chương trình mục tiêu… Cụ thể, nên xem xét đầu tư nhanh những công trình cấp bách như: Nâng cấp Quản lộ Phụng Hiệp (khoảng 1.500 tỷ đồng), nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu (khoảng 2.200 tỷ đồng), hoàn thiện Quốc lộ 60 (khoảng 1.142 tỷ đồng), đẩy nhanh xây cầu Đại Ngãi (khoảng 8.000 tỷ đồng), xây cầu Rạch Miễu 2 (khoảng 3.700 tỷ đồng), xây cầu Mỹ Thuận 2 (6.000 tỷ đồng)…
Cũng cần nói thêm rằng năm 2020, mục tiêu kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCCL “tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đối với tất cả các vùng phải đạt 100%. Theo đó, tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn tối thiểu là 50%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa phải đạt 100%, có 70% số xã đạt chuẩn (các trục đường thôn, xóm cơ bản cứng hóa)” .
Thiên Ân