Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT)
Quản lý bất cập, xe điện biến tướng
Ông đánh giá thế nào về nguy cơ TNGT liên quan đến việc sử dụng xe điện của học sinh hiện nay?
Tình trạng sử dụng xe đạp điện, xe máy điện của học sinh hiện nay (chủ yếu là học sinh THCS và THPT) khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ TNGT. Thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 học sinh do TNGT năm 2016 lên đến 7,39. Con số này cao hơn gấp nhiều lần trên thế giới như: Gấp 1,25 lần tỷ lệ trung bình của Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc.
Việc quản lý xe đạp, xe máy điện ở nước ta đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy định, xe đạp điện được quản lý như xe thô sơ, tốc độ của xe đạp điện không quá 25km/h, công suất không được quá 250W, trọng lượng toàn bộ xe không được quá 40kg và có bàn đạp; Xe máy điện công suất lớn hơn 250W, tốc độ cao nhất có thể đến 45km/h, công suất lớn nhất dưới 4KW; Mô tô điện công suất lớn hơn 4KW, tốc độ trên 45km/h.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính từ ngày 1/2014 - 10/2017, số lượng xe máy điện nhập khẩu và lắp ráp ở nước ta lần lượt là: 488 xe và 685.303 xe; số lượng xe đạp điện nhập khẩu và lắp ráp lần lượt là: 5.485 xe và 305.672 xe; số lượng xe máy điện và xe đạp điện đã đưa ra thị trường ước tính khoảng 3 triệu xe. |
Tuy nhiên, việc quản lý của chúng ta hiện nay còn nhiều những bất cập. Đơn cử, trường hợp xe đạp điện được coi là phương tiện thô sơ nên nghiễm nhiên không cần đăng ký, không cần bảo hiểm, người điều khiển không cần giấy phép lái xe mà chỉ cần hiểu về Luật GTĐB. Điều đó dẫn đến những khó khăn nhất định cho các cấp chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trong vấn đề kiểm soát thông tin phương tiện, xử lý vi phạm trên đường (vượt đèn đỏ, không đội MBH...). Điều này dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của một bộ phận học sinh.
Hiện tại, trên thị trường còn đang xuất hiện tình trạng xe máy điện, thậm chí là mô tô điện tốc độ cao nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, không qua cơ quan chuyên môn làm thủ tục. Các xe này được lắp thêm pedan “biến tướng” thành xe đạp điện rồi đến tay người tiêu dùng, gây hậu quả khó lường.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến những vụ TNGT đáng tiếc ở học sinh do việc sử dụng xe điện?
Những vụ tai nạn do xe đạp điện, xe máy điện khởi nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc thiếu am hiểu kiến thức về giao thông của học sinh là nguyên nhân chủ yếu.
Thực tế, khi lưu thông trong các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng,… không khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp học sinh cấp 2, cấp 3 đi xe đạp điện đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, rượt đuổi nhau trên đường với tốc độ gần như tối đa trong tình trạng đầu không đội MBH. Những tai nạn các em gặp phải còn do sự thiếu quan sát, thiếu kỹ năng xử lý khi gặp phải sự cố bất ngờ trên đường.
Cùng đó, sự quan tâm chưa đầy đủ và đúng cách của phụ huynh cũng là điều chúng ta phải bàn tới. Thậm chí, khi đi mua xe, phụ huynh cũng chưa có sự nghiên cứu để mua cho các em chiếc xe đúng chủng loại, phù hợp với lứa tuổi để có thể hạn chế rủi ro lớn nhất trong quá trình sử dụng.
Một bạn trẻ vô tư điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm qua chốt CSGT trên phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Phải siết chặt quản lý
Vậy, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì để giảm thiểu TNGT từ việc sử dụng xe điện của học sinh hiện nay?
Theo tôi, để hạn chế những hiểm họa từ xe đạp, xe máy điện đối với các em học sinh, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi quy định liên quan đến việc kiểm soát xe điện trong quá trình sửa đổi Luật GTĐB.
Đồng thời, để bịt lỗ hổng, không nên phân chia xe điện thành 3 loại: Xe đạp điện, xe máy điện, mô tô điện như hiện nay mà nên thu gọn thành 2 loại: Xe máy điện và mô tô điện. Tức là áp dụng quy trình quản lý xe điện như xe máy dưới 50cc mới bắt buộc được người sử dụng phải có chứng chỉ về luật giao thông, có kĩ năng tham gia giao thông, tốc độ của phương tiện cũng được khống chế.
Cùng đó, các cơ quan liên quan phải quản lý được vấn đề nhập khẩu xe máy điện, xe đạp điện qua biên giới. Có như vậy, sự kiểm soát của cơ quan chức năng mới được siết chặt, sự an toàn khi sử dụng của người tiêu dùng nói chung, các em học sinh nói riêng mới được đảm bảo ở mức tối đa.
Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, sát sao hơn khi giao phương tiện cho con mình.Các trường học, cơ sở giáo dục cần phối hợp với đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức những hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ đến học sinh, tổ chức các khóa học tìm hiểu về kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng xử lý tình huống để các em có được nhận thức và bản lĩnh tốt nhất khi lưu thông trên đường.
Theo Báo giao thông