Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vào ngày 4-6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm ( TP HCM) cho rằng chất lượng phục vụ, vệ sinh trên tàu quá tệ là lý do khiến nhiều người không còn muốn đi tàu. Theo chuyến tàu SE7 từ Huế vào Nha Trang vào đầu tháng 6-2018, những gì mà chúng tôi ghi nhận được chứng minh nhận xét của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM là rất chính xác. Sự bệ rạc, xuống cấp của ngành đường sắt đã tới hồi báo động đỏ.

Bịt mũi khi tàu đến ga

Trên vé ghi giờ khởi hành của tàu SE7 là 16 giờ 23 phút nhưng gần 17 giờ chúng tôi mới lên được tàu. Tàu đi đến đâu người đứng dưới bịt mũi đến đấy vì mùi hôi thối bốc ra từ nhà vệ sinh.

So với trước đây, nhà vệ sinh trên tàu đã cải tiến hơn rất nhiều, từ thải trực tiếp xuống đường sắt đến hầm biogas, bây giờ là tự động phun nước… Nhưng những ai từng đi vệ sinh trên tàu đều lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến các phòng vệ sinh dơ bẩn, mùi xú uế nồng nặc rất khó chịu. Hầu hết nhà vệ sinh nào cũng lênh láng nước, từ sàn đến bệ ngồi. Lật bệ xuống thì vằn vện vết dơ bẩn. Các phòng vệ sinh lại rất nhỏ, chật chội tới mức không thể đẩy cửa đi vào đối với những người có thân hình to lớn. Cửa nhà vệ sinh bằng với không gian bên trong khiến hành khách rất khó để đóng, đẩy cánh cửa khép lại. Để trút được "bầu tâm sự", hành khách phải… nín thở nhiều lần.

Trên chuyến tàu từ Huế vào Nha Trang, khi chúng tôi lên tàu, nhân viên soát vé cẩn thận từng người. Hai người đàn ông không mua được vé, cố nài nỉ lên tàu. Họ được nhân viên soát vé cho lên tàu, bố trí ghế nhựa. Đến đêm, hai vị khách lăn ra giữa lối đi ngủ ngon lành.

Còn trong căn phòng của tôi gồm 6 giường, trong đó 3 giường nằm ghép. Máy lạnh của căn phòng hoạt động hết công suất nhưng vì 2 đầu không đóng cửa, cộng với 9 người trong căn phòng nhỏ khiến không khí nóng bức. Với cái giá hơn 800.000 đồng (giường tầng 2) cho 1 đêm từ Huế - Nha Trang và những gì tôi chứng kiến là quá đắt mặc dù tàu SE7 được "quảng cáo" là tiện nghi, đổi mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một người đi tàu, nói một lần ông đi từ Huế vào Nha Trang trên chuyến tàu Thống Nhất. Đoạn đường hơn 600 km nhưng gần 17 giờ hành khách mới đến ga. Ông Tuấn kể: "Khi tôi đi, một người phụ nữ có bầu 8 tháng mua vé nằm tầng 2 xin đổi với giường của nhân viên để tiện việc đi lại nhưng nhân viên tàu lè nhè. Người phụ nữ đề nghị vị trưởng tàu giúp đỡ. Trưởng tàu đến thúc giục: "Không đổi giường cho người ta à? Chê tiền à?". Nhưng sau cùng người phụ nữ mang bầu vẫn phải leo lên tầng 2 để nằm vì nhân viên say xỉn đến mức nói không nên lời".

Ám ảnh kẹt đường, tai nạn

Tại Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt, như vụ xảy ra tại chắn ghi đường sắt ở phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang vào ngày 9-1. Do thiếu quan sát, anh Nguyễn Thái Học (SN 1987; ngụ phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) bị tàu tông chết tại chỗ. Chỉ ít ngày sau, đoạn đường sắt qua phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang cũng xảy ra vụ tai nạn, làm anh Phan Đình Sinh (SN 1984, quê tỉnh Nghệ An) tử vong.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt làm 11 người chết, 2 người bị thương; tăng 3 vụ, tăng 3 người chết so với năm 2016. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra tại xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đầu tháng 10-2017. Khi đó, tài xế xe tải 79C-00735 điều khiển qua đường sắt không quan sát dẫn đến tai nạn, hậu quả tài xế thiệt mạng, 2 người đi cùng bị thương nặng. Còn nhiều vụ khác, như vụ người đi bộ ngồi chơi trên đường sắt bị tàu cán ở huyện Diên Khánh; vụ thiếu quan sát khi băng qua đường sắt ở khu vực người sống cạnh đường tàu ở TP Nha Trang, khiến nạn nhân bị tàu kéo lê hơn 100 m tử vong…

Theo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, chiều dài toàn tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gần 150 km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố nhưng lại có đến 167 đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp. Đặc biệt, tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), chỉ khoảng 1 km nhưng có đến 16 lối đi dân sinh. Tình trạng người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang đường sắt khiến việc xóa bỏ lối đi dân sinh, bảo đảm tầm nhìn bị ảnh hưởng. Nhiều điểm, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, cắm biển nhưng bị tháo dỡ…

Từ hàng chục năm qua, dù đã nhận diện rủi ro từ phía dưới con tàu, trên những đường ray cũ kỹ, đường dân sinh mọc lên ngày càng nhiều nhưng ngành đường sắt gần như bất lực giải quyết. 

Cứ mưa bão là tê liệt

Từ nhiều năm nay, hạ tầng đường sắt xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được đầu tư, cải thiện. Cứ vào mùa mưa, bão là đường sắt bị tê liệt. Như bão số 12 vào cuối năm 2017, đường sắt qua Km1226+780 - Km1226+825 thuộc khu gian Hảo Sơn - xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở nghiêm trọng khiến đường sắt bị tê liệt hơn 10 ngày và khắc phục hoàn toàn tốc độ phải mất 2 tháng. Một lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh giãi bày: "Tôi công tác ngành đường sắt gần 30 năm nay. Tôi yêu đường sắt vô cùng và cũng buồn vô cùng. Ngành đường sắt gần như giậm chân tại chỗ, tuyến đường độc đạo mà Pháp để lại đến nay vẫn còn sử dụng. Ngành đường sắt đã quá lạc hậu nhưng những cán bộ như chúng tôi không thể làm gì khác".

Theo baomoi.com