Ảnh minh họa
Đây là nội dung Công điện số 27/CĐ-TCĐBVN về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 02/9/2018 và khai giảng năm học 2018-2019 vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV và Cao tốc; các Sở Giao thông vận tải; Cục Quản lý xây dựng đường bộ; các Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục; các Nhà đầu tư BT, BOT đường bộ; Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Công điện nêu rõ, để tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 02/9/2018 và khai giảng năm học 2018-2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị trên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được giao; ưu tiên quét dọn vệ sinh mặt đường, mặt cầu, dặm vá ổ gà, sửa chữa khe co giãn hư hỏng, bạt lề, khơi thông rãnh, cống thoát nước, cắt xén phát quang cây cỏ, dặm vá, sơn tim đường, lau chùi biển báo, tăng cường kiểm tra các cầu yếu; chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn, không để ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lớn, bão gây ra trên hệ thống đường bộ; đối với các vị trí chưa kịp xử lý xong phải tổ chức bảo đảm giao thông tạm (lắp đặt các thiết bị cảnh báo, rào chắn…) và bố trí lực lượng trực, để kịp thời bảo đảm giao thông; tăng cường kiểm tra, duy trì hoạt động các bến phà, cầu phao, sửa chữa các hư hỏng, bổ sung phương tiện cứu sinh.
Kiên quyết xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; xây dựng lều quán, ki ốt bán hàng, dựng rạp để vật tư, hàng hóa trong phạm vi lòng, lề đường, taluy; xử lý hành vi dừng, đỗ xe trái quy định; mở đấu nối trái quy định. Kiểm tra xử lý vi phạm thi công xây dựng trên đường đang khai thác; chấn chỉnh các chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện đầy đủ biển báo hiệu, cọc tiêu, rào chắn, đèn tín hiệu ban đêm, chỉ dẫn giao thông; thường xuyên có người trực gác, tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, nhà đầu tư BOT sửa chữa ngay hư hỏng trong thời gian bảo hành. Tổ chức các đoàn, đợt kiểm tra trên toàn bộ các tuyến đường được giao quản lý về các nội dung trên.
Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên cần xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đường bộ và tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, đèo dốc để xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông nhanh nhất. Tăng cường các biện pháp cảnh báo, tuyên truyền để các lái xe, đặc biệt là xe chở khách qua các khu vực đèo dốc, có ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt tiềm ẩn mất an toàn giao thông, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông trên đường bộ.
Chỉ đạo Nhà đầu tư BOT, VEC yêu cầu các trạm thu phí sử dụng đường bộ có phương án tăng cường bố trí nhân viên bán vé, tăng số cửa thu, soát vé; mở cửa trạm để giải quyết ùn tắc theo quy định hoặc phân luồng khi cần thiết điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc.
Giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông đặc biệt trên các cửa ngõ ra, vào đô thị lớn, các tuyến đường huyết mạch trọng điểm, đầu mối giao thông (Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Bến xe Miền Đông...).
Kiên quyết không cho xe mất an toàn xuất bến
Ngoài ra, các đơn vị cần chỉ đạo và có kế hoạch tổng thể công tác phục vụ vận tải dịp Lễ 02/9/2018 và khai giảng năm học mới 2018-2019 tại địa phương; rà soát, kiểm tra chất lượng phương tiện vận tải thuộc địa phương quản lý và triển khai xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách trên cơ sở dự báo lưu lượng khách trên các tuyến cố định; có kế hoạch huy động phương tiện chuyển tải khách của các xe bị xử lý vì chở khách quá tải trên địa bàn địa phương; bố trí cán bộ trực để cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định cho phương tiện tham gia giải toả khách theo đúng quy định và giải quyết những công việc cần thiết khác.
Phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận chuyển, niêm yết giá cước trên phương tiện và thu giá cước theo đúng quy định, tránh các trường hợp lợi dụng lượng hành khách tăng cao đột biến để tăng giá cước mức cao, ép khách. Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với bến xe tổ chức kiểm tra phương tiện và người lái tham gia vận tải hành khách ngay tại các bến xe, kiên quyết không cho xe xuất bến nếu phương tiện không đảm bảo an toàn, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện lưu thông; không bố trí đủ lái xe, lái xe sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện.
Bố trí cán bộ tăng cường theo dõi thông tin qua thiết bị giám sát hành trình (giám sát trực tuyến) để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chạy xe vượt quá tốc độ, dừng đỗ trái phép, lái xe liên tục quá 4 giờ… gây mất an toàn giao thông. Tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải cao trong dịp nghỉ Lễ, nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và đầu mối giao thông lớn.
Yêu cầu các đơn vị vận tải phải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là về tốc độ, chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định; kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô chở khách ngay tại bến (đặc biệt lưu ý điều kiện an toàn cháy nổ của xe khách), cương quyết không cho xuất bến các xe không bảo đảm điều kiện an toàn, xe có dấu hiệu nhồi nhét khách, người lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu, bia; bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội lớn.
Các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị phải công khai và thường trực số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin về vận tải, tai nạn giao thông nghiêm trọng, sự cố cầu đường, ùn tắc giao thông.
Theo baochinhphu.vn