Ấp Đông Giang A bị chia cắt hoàn toàn với xã Đông Bình. (Ảnh: Bảo Trân).

Đến xã Đông Bình vào giữa trưa tháng 7, con đường mòn đầy bùn nhỏ xíu từ xã dẫn chúng tôi vào ấp Đông Giang A, một ấp nhỏ bị cô lập khỏi xã này bởi một con kênh.

Nhiều năm nay, muốn ra khỏi ấp Đông Giang A người dân chỉ có cách đi bè qua sông. (Ảnh: Bảo Trân).

Ông Nguyễn Thanh Tùng (người dân ấp Đông Giang A) tâm sự: "Người lớn chịu khó một chút cũng chẳng sao nhưng trẻ con đi học quá tội. Trời mưa, cháu tôi phải đi bè qua sông đi học, có khi qua đến bên kia sông, nước văng, đồ bị ướt không đi học được, buộc phải nghỉ. Tụi nó tủi thân rồi khóc vì điều kiện thiếu hụt, sa sút so với bạn bè".

Vì bị con sông chia cắt, để đến được với con chữ, các em học sinh ở ấp Đông Giang A phải đi bè tự chế qua sông và chờ người nhà chở đi thêm từ 5km đến 7km đường mòn.

"Chúng tôi tha thiết mong muốn có một cây cầu để con cháu đi học đỡ vất vả trong mùa mưa bão này, việc buôn bán hay trồng trọt hoa màu cũng thuận lợi cho bà con", ông Tùng bày tỏ.

Kể với chúng tôi, ông Tùng cho hay, các hộ gia đình ở ấp Đông Giang A đều thuần nông, rời khỏi nhà mưu sinh từ sáng sớm. Không có cầu, việc đưa đón và chờ rước con, cháu về hằng ngày là một việc mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến kế mưu sinh của người dân.

Ông Tùng kể, nhiều học sinh trong ấp phải nghỉ học vì ướt đồ khi qua bè (Ảnh: Bảo Trân).

Không thể qua sông đã đành, các em học sinh cũng chẳng thể đến trường một mình trên con đường mòn nhỏ hẹp, đầy bùn đất và đá xen lẫn nhau.

"Đi bè qua sông trời mưa con sợ ướt đồ, phải mặc áo mưa nhưng đến trường giày và cặp của con đều ướt với dính đất. Nếu có cầu con xin ba mẹ đi xe đạp để ba mẹ đỡ vất vả", em Nguyễn Thị Thanh Tư (học sinh cấp 2, ấp Đông Giang A) nói.

Để được đến trường, các em học sinh ấp Đông Giang A phải theo bè qua sông và đi hơn 5km đường mòn đầy bùn đất (Ảnh: Bảo Trân)

Không có cầu nên nước sạch cũng không tới

Không có cầu, nước sạch cũng không thể đến với bà con ấp Đông Giang A. Nhiều năm họ phải sống trong tình cảnh lo ngại về điều kiện sức khỏe, không thể ổn định đời sống.

Anh Nguyễn Văn Nhất (người dân ấp Đông Giang A) bộc bạch: "Tôi cũng giống nhiều người dân ở đây làm ruộng thuê, gia đình khó khăn lại bị tách biệt với xã, chúng tôi rất mong mỏi có cầu nối liền hai bờ, cho nước sạch về để trẻ em và người lớn tuổi có nguồn nước sạch dùng đảm bảo sức khỏe".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình cho biết, ấp Đông Giang A là một ấp nằm sâu trong địa bàn xã. Sở dĩ, ấp này chưa có nước sạch là vì thiếu cầu.

"Trung tâm cấp thoát nước Cần Thơ có yêu cầu địa bàn ấp cần phải có cầu để dẫn ống cấp thoát nước ngang. Vì chưa có cầu nên hiện nay ấp Đông Giang A vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch để ổn định cuộc sống", ông Chính thông tin.

Theo ông Chính, ấp Đông Giang A có hơn 30 hộ dân, trẻ trong độ tuổi đến trường khoảng 30 đến 40 em.

Đường đi lại của bà con ấp Đông Giang A sau khi qua bè. (Ảnh: Bảo Trân).

Công tác chăm lo đời sống cho người dân địa phương và các em học sinh được xã đặt lên hàng đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế từ công tác vận động mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động hết mình và luôn mong mỏi quý mạnh thường quân gần xa có thể cùng chúng tôi giúp cho bà con ấp Đông Giang A có một cây cầu đi lại, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tiến đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới".

Về đoạn đường đất dài hơn 2km dẫn vào điểm qua phà, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình cho biết, nếu được mạnh thường quân hỗ trợ xây cầu, xã sẽ trình lãnh đạo huyện xem xét mở đường, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi nhất cho người dân ở cả hai ấp Đông Giang A và Đông Giang.

Theo Báo Dân Trí