Một bến thủy nội địa không phép ngang nhiên hoạt động tại xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).
Vẫn còn 2.300 bến không có giấy phép
Trong những năm qua, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố đã có nhiều chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động giao thông ĐTNĐ. Nhờ đó, hoạt động vận tải thủy nội địa đã có sự thay đổi rất tích cực với sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng nhanh và ổn định. Song hành với đó, TTATGT được đảm bảo, TNGT giảm hàng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn không ít các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác giao thông chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ, đặc biệt là bến thủy hoạt động chưa được cấp phép còn chiếm tỷ lệ cao.
Về thực trạng hoạt động của các bến thủy không phép, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 2.300 bến thủy nội địa hoạt động mà chưa được cấp phép, hoặc giấp phép đã hết hạn, trong đó, trên tuyến ĐTNĐ quốc gia có 1.315 bến, trên tuyến ĐTNĐ địa phương có 985 bến.
Tình trạng khai thác, kinh doanh bến thủy không có giấy phép hoạt động đã gây ra không ít hệ lụy, do không được quản lý, nên phương tiện vào, rời bến không được kiểm soát về điều kiện an toàn, tạo sự bất bình đẳng với các bến được cấp phép và có quản lý.
Hoạt động của bến thủy không phép dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như thiếu điều kiện an toàn, chở quá tải,....
Theo Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bến hoạt động chưa được cấp phép là công tác xây dựng phê duyệt quy hoạch bến thủy của nhiều địa phương triển khai chậm. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của không ít chủ bến còn rất hạn chế, không thực hiện thủ tục để được cấp phép, mặc dù đã được hướng dẫn, nhắc nhỏ, thậm chí là đã bị xử phạt hành chính.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thực hiện thường xuyên, xử phạt vi phạm chưa triệt để. Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến tình trạng bến không phép, từ đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, quy định về thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa còn có những nội dung chưa phù hợp.
“Nguyên nhân bến hoạt động chưa được cấp giấy phép không chỉ xuất phát từ ý thức của chủ bến hay phương thức quản lý, giải quyết của cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông mà còn có nguyên nhân từ công tác quản lý đất đai”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho hay.
Theo đó, một số bến trước đây. Một số bến trước đây được cấp giấy phép với điều kiện về đất đai được UBND cấp xã, cấp huyện cho thuê, sau khi thực hiện Luật đất đai năm 2013, quy định về thẩm quyền cho thuê đất có thay đổi, nên khi làm lại thủ tục thuê đất cũng gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường quản lý hoạt động
Theo Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, thời gian qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo các Chi cục ĐTNĐ, Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc thường xuyên phối hợp với các Sở GTVT đẩy mạnh tuyên truyền, vận động , hướng dẫn, vận động, hướng dẫn các chủ bến thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo quy định, đồng thời tăng cường xử lý đối với chủ bến cố tình vi phạm.
Để có giải pháp quản lý đối với các bến thủy nêu trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Sở GTVT, các đơn vị trực thuộc rà soát, phân loại bến chưa được cấp phép và đề xuất các giải pháp xử lý đối với từng trường hợp.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động cảng, bến thủy, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có báo cáo với Bộ GTVT và đề nghị Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện biện pháp tích cực để hạn chế tỷ lệ bến thủy hoạt động không phép.
Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh tiến độ lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa làm cơ sở để Sở GTVT tổ chức cấp giấy phép cho chủ bến.
Để giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập, nhằm giảm số lượng bến hoạt động không phép trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ, trong đó có công tác bến quản lý bến thủy nội địa, đối với những bến chưa có quy hoạch mà không ảnh hưởng đến ATGT, không nằm trong phạm vi công trình, Sở GTVT cấp phép cho bến hoạt động, với thời hạn 01 năm, sau đó bổ sung vào quy hoạch.
Đối với bến mà hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT để cấp phép do công trình bến đã xây dựng nhưng không có hồ sơ thiết kế thì chủ bến nộp bản vẽ hiện trạng mặt bằng công trình bến và bản cam kết bảo đảm an toàn công trình bến trong quá trình hoạt động và sơ đồ vùng nước thay vì phải nộp bình đồ vùng nước như quy định
Đối với những bến nằm ở vị trí có nguy cơ gây mất ATGT, trong phạm vi bảo vệ các công trình, đề nghị UBND có chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động chủ bến ngừng hoạt động và có biện pháp giải tỏa, để đảm bảo TTATGT.
Theo tapchigiaothong.vn