Bất chấp tính mạng

Chiếc xe giường nằm chạy tuyến Nghệ An - TPHCM vừa dừng trước Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.Thủ Đức), gần chục hành khách trên xe bước xuống. Có người được người thân chạy xe máy đến đợi sẵn để đưa đón, có người gọi xe ôm, taxi đưa về nhà. Không ít người khệ nệ mang ba lô, túi xách rồi chặn đầu dòng xe đang chạy rầm rập trên đường để băng từ bên này sang bên kia Quốc lộ (QL) 1A. Lúc đến giữa đường, mặc dù bị một lớp hàng rào bằng thép lắp đặt trên con lươn chặn lại, nhưng họ đã tìm cách chui, trèo qua hàng rào trước sự ái ngại của những người chứng kiến. Bị bất ngờ trước nhóm người ưa "đi tắt, đón đầu", nhiều tài xế container, xe tải... giật mình đạp thắng đột ngột khiến nhiều phương tiện suýt va quẹt với nhau.

Cách khu vực Chợ đầu mối không xa, con lươn dưới chân cầu vượt Gò Dưa cũng bị nhiều người, nhất là cánh tài xế giao trái cây, hàng rau củ quả... tìm cách luồn lách từ bên này sang bên kia quốc lộ. Giải thích cho việc này, anh Út, một người chuyên nhận mối trái cây, rau, củ, quả ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết: "Mình đỗ xe bên này đường, muốn sang bên kia đường nhận hàng thì phải chạy vòng lên cầu vượt Gò Dưa mới qua bên kia được. Nhiều lúc mình chỉ nhận vài bịch rau, vài túi trái cây mà chạy như vậy rất mất công, làm liều luồn lách qua con lươn cho lẹ”.

Mặc dù có cầu vượt bộ hành, nhưng nhiều người vẫn liều mạng chui hàng rào con lươn để băng qua đường khiến dãy phân cách trước Bến xe Ngã Tư Ga (Q12) trông như đường chuột chạy. Tương tự, nhiều đoạn con lươn trên QL22 cũng bị nhiều người bẻ hàng rào chui từ bên này sang bên kia đường. Để hạn chế tình trạng băng qua đường một cách tự phát trên QL, cơ quan chức năng treo bảng thông báo to tướng với nội dung: "băng đường qua hàng rào bị phạt nghiêm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP", đồng thời sử dụng các tấm kim loại bịt các "lỗ chó” này lại.

Tuy nhiên, bịt chỗ này thì người ta lại mở chỗ khác, tình trạng băng qua đường đang diễn ra nhan nhản. Có mặt tại ngã ba QL22 - Tân Thới Nhì 5 thuộc xã Tân Thới Nhì (H.Hóc Môn), chúng tôi ghi nhận, xung quanh khu vực trên có tới 3 - 4 chỗ hàng rào con lươn bị người dân tùy tiện mở lối đi. Chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ đã có hàng chục người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, người già chui hàng rào con lươn băng từ bên này sang bên kia đường đi chợ, bất chấp dòng xe đang nườm nượp qua lại.

Thót tim với cảnh công nhân trèo con lươn băng qua đường ở P.Tân Thới Nhì, Q12

Chỗ có nhiều người liều mạng băng qua đường nhất là đoạn trước Công ty CP Eternal Prowess Việt Nam (P.Tân Thới Nhất, Q12). Vào thời điểm trước và sau giờ làm, khu vực trên có hàng chục công nhân liều mình chặn đầu, luồn lách qua một "rừng" xe container, xe tải, đang phăng phăng chạy trên đường. Đến đoạn gặp con lươn, có người tìm cách lách mình qua khe cửa hẹp nối giữa con lươn với trụ đèn, có người trèo lên hàng rào con lươn để băng qua đường. Trong số những công nhân này, có không ít người là phụ nữ mang thai, người trung niên. Nhiều lúc đang băng sang đường, họ bị xe cộ chặn lại giữa chừng khiến nhiều người dúm dó đứng "chôn chân" như trời trồng, chỉ cần lơ là một chút là có thể xảy ra tai nạn như chơi.

Anh Lâm - một tài xế lái xe container lái xe ở khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) ngao ngán: "Mỗi lần qua đây, cánh tài xế phải căng mắt ra ngó trước, nhìn sau. Nhiều lúc đang chạy ngon trớn, bỗng đâu có người lù lù xuất hiện trước đầu xe. Có lúc họ luồn chỗ này, lách chỗ kia, nếu không may rơi vào "điểm mù”, "điểm chết" mình không quan sát được là rất nguy hiểm. Qua đường kiểu "bán mạng" như thế này thì nguy hiểm quá!".

Tương tự, tại khu vực trước Khu công nghiệp Tân Tạo, mặc dù có hầm chui nhưng mỗi khi sang đường, nhiều công nhân vẫn vô tư leo dải phân cách để băng từ bên này sang bên kia đường. Lý giải về nguyên nhân trèo dãy phân cách, anh Lê Văn Tiến - một công nhân làm ở Khu công nghiệp Tân Tạo cho hay: "Khu vực hầm ngầm Tân Tạo và đoạn ưu tiên dành cho người đi bộ băng qua đường nằm cách cổng công ty khá xa nên để cho kịp giờ làm hoặc muốn về nhà nhanh chóng, nhiều công nhân thường leo rào... cho tiện".

Hiểm họa khôn lường

Việc leo trèo, chui hàng rào con lươn để băng qua đường tuy tiết kiệm về thời gian, quãng đường đi lại, nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong tháng 10/2023, TPHCM đã có không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến người đi bộ qua đường.

Sáng 31/10, bà P.T.T (68 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đang đi bộ qua đường Chu Văn An - đoạn gần cầu Chu Văn An (P12, Q.Bình Thạnh) thì bị anh N.H.T (20 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) chạy xe máy tông phải. Bà T. văng ra nằm bất động, được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng không qua khỏi.

Sáng 24/10, ông C (SN 1946) đến một ngân hàng nằm đối diện nhà mình thuộc xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TPHCM) rút tiền. Xong việc, ông C. đi bộ qua đường Đặng Thúc Vịnh trở về nhà thì bị một nam thanh nên (18 tuổi) đi xe máy biển số 59Y3 - 739.40 tông phải. Cả người cùng xe máy trượt, văng xa trên đường khiến ông C. tử vong tại chỗ, nam thanh niên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khu vực xảy ra tai nạn không có điểm mở dải phân cách, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Nhận tin báo, Công an H.Hóc Môn đến giải quyết hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, tháng 12/2022, ông Đ.T.T (56 tuổi, quê Khánh Hòa) lái xe bồn trên đường Trần Văn Giàu, khi đến khu vực xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TPHCM) thì xảy ra va chạm với bà N.T.T.N (75 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) khiến bà N. tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do bà N. qua đường không đúng nơi quy định. Được biết, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2022 đến đầu tháng 02/2023, TPHCM xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, trong đó có 8 người chết và 12 người bị thương.

Điều 12, Nghị định 34 của Chính phủ quy định, xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi vượt qua dải phân cách bị phạt từ 60.000 - 80.000 đồng. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được nhiều người dân biết đến và những trường hợp vi phạm cũng chưa bị xử lý dẫn đến hiện tượng "nhờn luật".

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, nhất là các cháu học sinh, sáng 11/12, Công an TPHCM phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức Lễ phát động "Đi bộ, sang đường an toàn" diễn ra tại Trường tiểu học Đông Ba, quận Phú Nhuận, dành cho học sinh các trường tiểu học và THCS năm học 2023 - 2024. Thời gian thực hiện cuộc vận động "Đi bộ, sang đường an toàn" của TPHCM bắt đầu từ tháng 9/2023 - 4/2024. Cuộc vận động sẽ được tổng kết vào tháng 5/2024.

 Theo Báo Công an TPHCM