Từ ngày 1-3-2016, theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM điều chỉnh nâng tốc độ ở 12 tuyến đường. Cụ thể, trong khu vực đông dân cư, tốc độ đối với mô tô từ 40km/giờ trước đây lên 50-60km/giờ; đối với ô tô từ 50-60 lên 70-80km/giờ.
Theo đánh giá của Sở GTVT, sau 8 tháng thực hiện việc điều chỉnh tăng tốc độ lên 10km/giờ trong khu đông dân cư, TNGT trên địa bàn TP trở nên phức tạp, tăng về số vụ và số người chết trên tổng số 278 tuyến đường.
Xa lộ Hà Nội là một trong 3 tuyến đường tăng số vụ, số người chết và số người bị thương từ khi được điều chỉnh tốc độ. Trong ảnh là hiện trường xe container tông xe máy trên ở làn ô tô trên xa lộ Hà Nội vào ngày 23-9, làm 2 công nhân thương vong
Trong đó, có 6 tuyến đường xảy ra TNGT trên 10 vụ (quốc lộ 1, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng); 16 tuyến xảy ra TNGT từ 5-10 vụ; 4 tuyến xảy ra 4 vụ; 31 tuyến xảy ra 3 vụ; 52 tuyến xảy ra 2 vụ và 169 tuyến xảy ra 1 vụ.
Trong số 12 tuyến đường tăng tốc độ từ ngày 1-3-2016, có 8 tuyến tăng về số người chết, 9 tuyến tăng về số vụ và 3 tuyến tăng về số người bị thương.
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng Phòng CSGT đường sắt, đường bộ (PC67) Công an TP.HCM, số vụ tai nạn và người chết tăng cao trong năm 2016 có liên quan đến ô tô va chạm với xe máy, ô tô khách, ô tô du lịch. Ngoài ra, tình hình TNGT có xu hướng dịch chuyển từ ngoại thành vào nội thành (nội thành: 510 vụ, chiếm hơn 58%; ngoại thành: 170 vụ, chiếm 19%).
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng Phòng PC67 nhận định việc tăng tốc độ lên 10km/giờ đã gián tiếp làm cho TNGT trên địa bàn TP tăng và có những diễn biến phức tạp
Phòng PC67 nhận định, nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu là tâm lý chủ quan của người tham gia giao thông và tốc độ lưu thông. Nhất là khi Thông tư 91 được thực hiện trong điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, phương tiện tăng đã gián tiếp làm tăng TNGT trên địa bàn TP.
Theo trung tá Phong, trước đây, khi xác định vi phạm tốc độ là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn thì việc ngăn chặn, hạn chế là rất dễ dàng nhưng từ khi Thông tư 91 có hiệu lực thì việc xử lý lỗi vi phạm về tốc độ gặp nhiều khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc mất trật tự an toàn giao thông.
Đồng quan điểm, đại diện Q.Bình Tân, Khu quản lý giao thông số 1, số 2… cho biết, nâng tốc độ lưu thông cao hơn 10km/giờ trong khu vực đông dân cư là nguyên nhân gián tiếp gây ra các vụ TNGT bởi đặc thù của giao thông TP là nhiều tuyến đường giao cắt với nhau.
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông khó khăn trong việc làm chủ tốc độ trên các tuyến đường có mật độ xe lưu thông cao. Do đó, các đơn vị này kiến nghị nên giảm tốc độ 10km/giờ.
Hiện trường ô tô tông chết người đàn ông trên đường Võ Văn Kiệt, bỏ chạy 4km rồi bốc cháy hồi tháng 7-2016
Theo khảo sát của Ban An toàn giao thông TP, từ khi nâng tốc độ lưu thông lên 10km/giờ đã giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, góp phần giải quyết được bài toán dịch chuyển hàng hóa.
“Sắp tới, chúng tôi phối hợp với Sở GTVT và Công an TP khảo sát kỹ các tuyến đường có tỉ lệ TNGT tăng cao để xác định rõ nguyên nhân trực tiếp là do tăng tốc độ hay ý thức của người dân nhằm có phương pháp điều chỉnh phù hợp”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cho biết sẽ rà soát các tuyến đường có TNGT tăng đột biến để có phương án điều chỉnh tốc độ phù hợp, khoa học
Tại buổi đánh giá về tình hình thực hiện Thông tư 91 của Bộ GTVT ngày 2-12, đại diện Sở GTVT đề xuất sẽ giảm tốc độ 10km/giờ so với hiện nay.
Cụ thể, Sở GTVT đề nghị giảm tốc độ ở làn đường xe ô tô và lẫn xe máy đối với đường Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội và Phạm Văn Đồng.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất giảm tốc độ 10km/giờ ở cả làn ô tô lẫn xe máy trên đường Phạm Văn Đồng
Các tuyến đường: quốc lộ 1, Kinh Dương Vương, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ và Nguyễn Văn Linh đề nghị giảm 10km/giờ ở làn xe máy.
Nguồn Báo CA TPHCM