Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trả lời

Theo quy định tại Điều 39 của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Phương tiện tránh nhau khi đi đối hướng nhau theo quy tắc sau:

1. Khi hai phương tiện đi đối hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

a) Phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Trường hợp nước đứng, phương tiện nào phát tín hiệu xin đường trước thì phương tiện kia phải tránh và nhường đường;

b) Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai;

c) Mọi phương tiện phải tránh bè và tránh phương tiện có tín hiệu mất chủ động, phương tiện bị nạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng.

2. Khi tránh nhau, phương tiện được nhường đường phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định tại Điều 46 của Luật này và đi về phía luồng đã báo, phương tiện kia phải tránh và nhường đường.

Theo quy định tại Điều 40 Luật này, quy định phương tiện tránh nhau khi đi cắt hướng nhau theo nguyên tắc sau:

Khi hai phương tiện đi cắt hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

- Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ;

- Mọi phương tiện phải tránh bè;

- Phương tiện có động cơ nào nhìn thấy phương tiện có động cơ khác bên mạn phải của mình thì phải tránh và nhường đường cho phương tiện đó.

Như vậy, về mặt căn bản thì ở đường thủy qui tắc tránh nhau khác hẳn so với đường bộ. Do đó, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường thủy nội địa, cần phải tìm hiểu, nắm vững quy tắc giao thông và hệ thống báo hiệu, để đảm bảo an toàn cho mình và người khác khi tham gia giao thông.

Mến chào bạn!

Thanh Bằng ( Ban ATGT tỉnh Cà Mau)