Quy định mới về điều kiện dự thi nâng hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy- Ảnh 1.

Quy định mới về sửa đổi, bổ sung điều kiện cụ thể dự thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy tại Thông tư số 38/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 38/2023/TT - BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019 quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Theo đó, đáng chú ý là sửa đổi quy định về điều kiện cụ thể để được dự thi lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (gọi tắt là bằng) thuyền trưởng, máy trưởng các hạng nhất, nhì theo hướng thuận lợi hơn cho người muốn nâng hạng bằng.

Cụ thể, đối với bằng thuyền trưởng hạng nhất, điều kiện để dự thi: Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có bằng thuyền trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng nhất đủ 24 tháng trở lên.

So với quy định hiện nay, thay vì giới hạn người có bằng hạng nhì và đã đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì từ đủ 24 tháng trở mới được dự thi, quy định mới cho phép người có đảm nhiệm chức danh thuyền phó cũng được dự thi.

Đối với bằng máy trưởng hạng nhất, điều kiện để dự thi: có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có bằng máy trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh máy trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng nhất đủ 18 tháng trở lên. Quy định mới này cũng cho phép trường hợp đã đảm nhiệm chức danh máy phó từ đủ 18 tháng cũng được dự thi.

Tương tự, trường hợp thi nâng bằng thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng ba lên hạng nhì cũng được bổ sung, mở rộng hơn, cho phép người đảm nhiệm chức danh thuyền phó, máy phó được dự thi. Tuy vậy, vẫn giữ điều kiện về khoảng thời gian đã đảm nhiệm chức danh như quy định hiện nay (đối với thi nâng hạng từ thuyền trưởng hạng ba lên hạng nhì phải đủ 18 tháng trở lên giữ chức danh thuyền trưởng hạng ba hoặc thuyền phó; đối với thi nâng bằng máy trưởng từ hạng ba lên hạng nhì phải có từ đủ 12 tháng trở lên giữ chức danh máy trưởng hạng ba hoặc máy phó…).

Nói thêm, đối với các trường hợp được cấp bằng đào tạo nghề (tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng máy, điều khiển tàu thủy, tàu biển…) điều kiện để dự thi để lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất, nhì không thay đổi so với như hiện nay.

Cũng đáng chú ý, thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức thi, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Theo đó, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng nhì trở lên trên phạm vi cả nước (trừ 5 địa phương được phân cấp) và bằng thuyền trưởng hạng tư trở lên, máy trưởng hạng ba trở lên tại cơ sở đào tạo trực thuộc Cục; quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi bằng loại đặc biệt. Các Sở GTVT tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi bằng thuyền trưởng hạng ba, hạng tư và bằng máy trưởng hạng ba.

Tuy nhiên, riêng tại 5 địa phương: Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Ninh Bình và Quảng Trị,  Sở GTVT các địa phương này thực hiện thẩm quyền tổ chức thi, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng tất cả các hạng (thẩm quyền của các Sở GTVT và thêm thẩm quyền như Cục Đường thủy nội địa VN).

Thông tư cũng nêu rõ, kể từ ngày thông tư có hiệu lực (15/2/2024) đến ngày 1/1/2025, nếu các Sở GTVT nêu trên chưa thực hiện được nhiệm vụ tổ chức thi, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo phân cấp thì có văn bản đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN tiếp tục thực hiện.

Theo quy định hiện hành, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (bằng) của thuyền viên phương tiện thủy được chia thành các loại: 4 hạng bằng thuyền thuyền trưởng (hạng nhất, nhì, ba, tư), 3 hạng bằng máy trưởng (nhất, nhì, ba).

Chứng chỉ chuyên môn, gồm: Chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản, Chứng chỉ nghiệp vụ (thủy thủy, thợ máy, lái phương tiện), Chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (6 loại: chứng chỉ điều khiển phương tiện cao tốc, điều khiển phương tiện đi ven biển, làm việc trên phương tiện đi ven biển, làm việc trên phương tiện chở xăng dầu, làm việc trên phương tiện chở hóa chất, làm việc trên phương tiện chở khí hóa lỏng).

Nguồn Tạp chí Giao thông Vận tải