Vụ tai nạn do xe máy chạy tạt đầu xe tải khiến nhiều người rùng mình

Tại Việt Nam, do quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, đường quốc lộ còn xen lẫn vào những khu vực đông dân cư, những chiếc xe có tải trọng lớn vẫn thường xuyên lưu thông chen chúc với xe máy và ô tô. Vì kích thước xe lớn, tải nặng đồng thời có nhiều điểm mù nên tài xế xe tải khó xử lý kịp nếu xảy ra tình huống ngoài dự tính. Nhưng bản chất, nguyên nhân dẫn đến tai nạn chưa hẳn thuộc về người lái xe tải, mà đa phần do hầu hết người sử dụng phương tiện khác không biết cách lái xe như thế nào cho an toàn khi đi bên cạnh những “hung thần khổng lồ” này.

Luôn giữ khoảng cách

Chưa cần phải nói gì sâu xa, chỉ thấy vẻ ngoài đồ sộ của những chiếc xe tải hay container cũng đủ khiến người đi xung quanh khiếp sợ. Do có diện tích bề mặt lớn, nên người lái khó kiểm soát hoàn toàn chiếc xe về mặt khí động học, nhất là khi không chở hàng, đôi khi gặp sức gió mạnh, xe có thể bị “dạt” vào phần đường của phương tiện khác. Ngược lại, trong trường hợp tải nặng, việc đánh lái hay phanh gấp không đạt được hiệu quả ngay tức thời mà cần một quãng đường nhất định, nếu đi quá gần thì nguy cơ xảy ra va chạm rất lớn.

Nhỏ gọn như chiếc ô tô cũng đã có điểm mù, thì ở xe tải to lớn, đặc biệt là phía ghế phụ, khoảng điểm mù càng nhiều hơn nữa. Do đó, đừng bao giờ chạy lởn vởn bên xe tải, hãy nhanh chóng đi lên, hoặc tốt nhất tụt hẳn lại phía sau để giữ khoảng cách an toàn, bởi những bác tài xe tải không biết bạn đang ở đâu mà tránh. Ngoài ra, còn có một số trường hợp người đi xe máy chạy song song với container để… tránh nắng, thật biết cách đùa giỡn với tính mạng. Những chiếc xe có trọng tải từ vài tấn đến vài chục tấn, nếu nổ lốp sẽ “giải phóng” áp lực lớn đến cỡ nào, chắc hẳn có thể thổi bay người đi bên cạnh, đó là chưa kể đến việc xe bị chệch hướng dẫn đến tai nạn.

Cần phải tránh cả ba trường hợp: Bám đuôi, chạy trước lẫn bên cạnh xe tải, container. Lúc bám đuôi, tầm nhìn lái xe sẽ giảm bởi xe phía trước quá lớn, chắn hết không gian, khi đó người đi sau hoàn toàn bị động trong việc điều khiển, nếu trên đường có ổ gà hay vật cản thì khó phản ứng kịp, nghiêm trọng hơn thì rúc gầm khi xe trước phanh gấp. Chạy phía trước càng nguy hiểm, chẳng may “gã cao lớn” phía sau phanh không kịp hậu quả ai cũng rõ. Còn khi chạy bên cạnh, xe của bạn sẽ chẳng có không gian để đánh lái, trái lại còn dễ bị kẹp, nhất là ở những đoạn đường đèo núi.

Cảnh giác khi vượt, tốt nhất nên nhường

Chính vì kích thước cao lớn, tải trọng lớn nên xe tải thường chạy chậm hơn ô tô hay cả xe máy. Do đó, đa phần mọi người đều muốn vượt ngay khi có cơ hội, lúc đó hãy vượt càng nhanh càng tốt, nhưng luôn đi ở phần bên ngoài làn đường của xe tải. Hãy bật tín hiệu xi nhan từ sớm, chỉ vượt bên trái và chú ý giữ khoảng cách an toàn, thao tác dứt khoát. Điều quan trọng, đừng bao giờ tạt ngang đầu, nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra cũng chỉ vì nguyên nhân này.

Trong một số trường hợp như xe tải quay đầu, vào cua, lên dốc, chuyển làn, tốt nhất nên chủ động nhường. Chẳng hạn lúc xe vào cua, tài xế phải đánh lái nhiều sang làn bên cạnh để tạo đủ không gian rẽ. Nếu cố chen lên đi ngang hàng, chiếc xe của bạn có thể bị ép giữa lề đường và xe tải, vô cùng nguy hiểm. Hay tình huống khá quen thuộc, xe tải quay đầu hay đi từ trong hẻm ra đường lớn, nhiều người tỏ ra nóng vội, chỉ thấy xe hơi nhích để lộ khoảng trống là lao lên ngay. Lúc này, tài xế xe tải thường tập trung vào giao thông phía trước, lại có nhiều điểm mù nên khó phát hiện “vật thể” nhỏ bám đuôi hoặc hai bên hông, chỉ cần nhích lại phía sau một chút là có thể đụng phải phương tiện khác.

Trước nay, người sử dụng ô tô và xe máy thường có cái nhìn ác cảm với xe tải, ví đây như “hung thần xa lộ”, nhưng bản thân lại không tự hoàn thiện kỹ năng lái xe để bảo vệ chính bản thân mình. Thực chất, lái một chiếc xe cồng kềnh là công việc nặng nề và đầy áp lực, bởi chỉ cần sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cả người điều khiển xe tải lẫn các phương tiện khác đều cần có cái nhìn thân thiện hơn với nhau, luôn thận trọng mỗi khi cầm lái và tránh tâm lý hơn thua trên từng cây số, nên biết lúc nào cần vượt, lúc nào cần nhường để đảm bảo an toàn.

Nguồn thanhnien.vn/ - Ngọc Hân st