Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên hệ thống quốc lộ đã ngày càng được nâng cao, đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn và thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có chỗ, có nơi chưa thực hiện tốt công tác này còn tồn tại và ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải quản lý quốc lộ, các Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng, kinh doanh khai thác đường quốc lộ, cao tốc theo hình thức PPP đang trong giai đoạn khai thác, thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác này, thực hiện nghiệm thu theo đúng kết quả thực hiện của nhà thầu, quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BGTVT ngày 17/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và hợp đồng, quy định khác của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện. Tổ chức thực hiện theo các quy định tại văn bản số 3415/KH- CĐBVN ngày 30/5/2023 của Cục ĐBVN về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch 4485/KH- BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg. Trong đó cần lưu ý rà soát, đánh giá việc nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, cán bộ tuần kiểm, nhân viên tuần đường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định của Thông tư số 04/2019/TT-BGVT của Bộ GTVT (Quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ KCHTGT đường bộ).
2. Rà soát lại quy định trong hợp đồng về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT -BGTVT ngày 17/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các quy định có liên quan; trên cơ sở đó cập nhật, điều chỉnh lại hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên theo quy định. Lưu ý các trường hợp sau:
- Đối với một số công tác quản lý đường bộ trong dự toán được duyệt và hợp đồng không yêu cầu thực hiện định kỳ hàng tháng như công tác đếm xe (trường hợp dự toán và hợp đồng yêu cầu 1 quý đếm 1 lần); công tác kiểm tra cầu trước và sau mùa mưa bão; công tác trực bão lụt, v.v..., thì phải có quy định về thời điểm thực hiện, địa điểm thực hiện, và các yêu cầu kỹ thuật, quy định về giám sát, nghiệm thu.
- Định kỳ rà soát khối lượng các công trình đường bộ trên tuyến khi có sự thay đổi so với quy định hợp đồng; trên cơ sở đó cập nhật, điều chỉnh lại các điều kiện hợp đồng có liên quan theo quy định.
- Bổ sung yêu cầu về việc xây dựng kế hoạch chi tiết hàng quý, hàng tháng và ghi nhật ký. Rà soát, điều chỉnh yêu cầu chất lượng, giám sát, đánh giá nghiệm thu đối với công tác quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và đấu nối vào quốc lộ trong hợp đồng để đảm bảo việc thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Chỉ đạo các nhà thầu, doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tổ chức quản lý chất lượng thực hiện nội bộ công tác công tác quản lý,bảo dưỡng thường xuyên theo đúng hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký.Trên cơ sở tiêu chí chất lượng thực hiện, khối lượng thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên được giao,.... đã được quy định của hợp đồng, đặc điểm của đoạn tuyến thực hiện để xây dựng kế hoạch chi tiết hàng quý, hàng tháng để tổ chức thực hiện (Theo mẫu kèm theo văn bản này) với một số nội dung chính sau đây:
- Phần kế hoạch chi tiết thực hiện các công việc có tính chất định kỳ như tuần đường, kiểm tra, cập nhật số liệu cầu đường, kiểm tra định kỳ cầu, kiểm tra cầu trước sau mùa mưa bão, vệ sinh mặt đường, lau chùi biển báo, nạo vét cống ngang đường, nạo vét rãnh dọc, sơn sửa cọc tiêu, cột H, cột Km, biển báo, v,v... Nội dung kế hoạch thể hiện thời gian thực hiện, lý trình thực hiện, người thực hiện.
- Phần kế hoạch chi tiết để thực hiện các công việc phát sinh trên tuyến như sửa chữa mặt đường bị rạn nứt, ổ gà, cao su, lún lõm, sửa chữa, nắn chỉnh cọc tiêu, biển báo bị xiêu vẹo, hót sụt, sửa chữa ta luy, tứ nón cầu bị nứt vỡ, sạt lở, sửa chữa thay thế tấm đan rãnh dọc, v.v.... Nội dung kế hoạch dự kiến người, nguồn vật liệu, thiết bị thực hiện để thực hiện, khi phát sinh hư hỏng thì bổ sung, cập nhật vào kế hoạch để xử lý.
Kế hoạch chi tiết hàng tháng được xây dựng trước ngày 25 của tháng trước liền kề, lưu tại đơn vị và gửi cho cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ, Ban Quản lý bảo trì, cơ quan, đơn vị trực tiếp giám sát, theo dõi công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên trước ngày 28 của tháng trước để làm cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên khi nghiệm thu.
Tổ chức ghi nhật ký thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Trong đó thể hiện kết quả thực hiện với các yêu cầu sau: Ngày thực hiện, vị trí, lý trình thực hiện, người thực hiện, khối lượng thực hiện; ý kiến của lãnh đạo đơn vị trực tiếp thực hiện (nhà thầu thực hiện); ý kiến của tuần kiểm viên hoặc giám sát. Đối với các công việc sửa chữa phát sinh trên tuyến ngoài nội dung này còn thể hiện rõ ngày hư hỏng phát sinh, ngày sửa chữa khắc phục; ngoài ghi chép vào sổ nhật ký, nhà thầu có trách nhiệm chụp ảnh khi xảy ra hư hỏng, sự cố và khi đã xử lý, sửa chữa hư hỏng và lưu trữ trong máy tính. Đối với công tác tuần đường được ghi nhật ký riêng theo quy định tại Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/01/2019 của Bộ GTVT.
4. Một số nhiệm vụ khác:
Tổ chức thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quản lý chất lượng, thi công và bảo trì công trình xây dựng; trong đó lưu ý nội dung ghi chép kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng công trình. Lưu trữ các biên bản xử lý vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, các vụ tai nạn giao thông, các phiếu kiểm tra định kỳ cầu, kiểm tra trước và sau mùa mưa bão; các báo cáo sự cố, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, điểm đen; các văn bản khác có liên quan hàng tháng để làm cơ sở nghiệm thu thanh toán. Tăng cường kiểm tra theo dõi tình hình giao thông trên tuyến; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để sử dụng vốn bảo dưỡng thường xuyên khắc phục kịp thời theo chỉ đạo tại văn bản số 3415/KH- CĐBVN ngày 30/5/2023 và các chỉ đạo khác của Cục ĐBVN.
Đối với trường hợp có va chạm, tai nạn giao thông cần nghiêm túc xem xét, đánh gia về kết cấu hạ tầng, nếu kết cấu hạ tầng có hạn chế ảnh hưởng phần nào đến va chạm, tai nạn thì khắc phục kịp thời; trường hợp quá khả năng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thì phải có biện pháp khắc phục tạm thời để bảo đảm an toàn giao thông đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, nhưng không được lạm dụng hoặc trông chờ dự án sửa chữa. Kiên quyết xử lý vi phạm đấu nối, vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ. Lập sổ theo dõi tình hình quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ hiện tại; kiên quyết không để vi phạm phát sinh.
Người đứng đầu Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải nhận quản lý quốc lộ cho Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam; Hội đồng Quản trị, đại diện theo pháp luật Doanh nghiệp dự án BOT trực tiếp tổ chức quán triệt thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT- TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Kế hoạch số 4485/KH-BGTVT ngày 29/4/2023 của Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch số 3415/KH- CĐBVN ngày 30/5/2023 của Cục ĐBVN và văn bản này, nhằm tạo chuyển biến về chất lượng công tác bảo trì nói chung, chuyển biến về công tác bảo dưỡng thường xuyên, kiến quyết khắc phục kịp thời các hư hỏng, xuống cấp, tồn tại là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Góp phần thực hiện thành công các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác này./.
Mộng Tuyết