Sự tiến bộ vượt bậc của thành tựu khoa học kỹ thuật đã giải phóng sức lực con người trong hoạt động giao thông vận tải. Song, cũng từ đó, con người phải đối mặt với những hiểm hoạ mới do TNGT gây ra. Từ chỗ TNGT đường bộ chỉ là những sự kiện hiếm hoi, ít thấy, hậu quả không đáng kể; nhưng đến nay cùng với sự mở rộng qui mô, phát triển mạnh mẽ các phương tiện giao thông cơ giới có tốc độ cao thì TNGT đã trở nên phổ biến và thực sự là mối nguy hiểm thường xuyên, trực tiếp đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của con người.

Với bản chất là một loại tai nạn xã hội phát sinh trong quá trình tiến hành các hoạt động GTVT, TNGT vừa thể hiện những đặc tính cơ bản bao trùm nhất của tai nạn nói chung, đó là "tính bất ngờ, rủi ro, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người về hậu quả xảy ra"; vừa thể hiện những đặc điểm gắn liền với tính chất đặc thù của hoạt động giao thông (quy tắc giao thông, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của cầu đường, phương tiện giao thông, cũng như trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông...).

Tỷ lệ thuận với đào tạo lái xe kém chất lượng là tai nạn giao thông thảm khốc.

Một trong những yếu tố chủ yếu, tác động trực tiếp gây ra các vụ TNGT đó là người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo thống kê của Bộ Công an chỉ tính từ năm 2010 đến hết năm 2015 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 141.127 vụ TNGT đường bộ, làm chết 58.487 người, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 9.748 người chết, mỗi ngày có 26,71 người chết do TNGT đường bộ. Cũng trong thời gian nói trên đã có 135.981 người bị thương do TNGT đường bộ, trung bình mỗi năm có 22.663,5 người, và mỗi ngày có đến 62,09 người bị thương do TNGT đường bộ gây ra.

Về tình hình người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm pháp luật giao thông, là một trong nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT trong 6 năm gần đây đã xảy ra trên 34, 5 triệu vụ vi phạm, trung bình mỗi năm xảy ra 5.752.012 vụ, mỗi ngày xảy ra trên 15.758 vụ vi phạm; số tiền phạt thu nộp ngân sách 14.217 tỷ đồng, số người vi phạm bị tước giấy phép 2.087.606 trường hợp, mỗi năm có 347.934,3 trường hợp bị tước giấy phép lái xe (GPLX); số phương tiện bị tạm giữ trong 6 năm là 687.463 trường hợp. Với những số liệu nói trên cho thấy tình hình TNGT đường bộ xảy ra chủ yếu do người điều khiển phương tiện mà nguyên nhân sâu xa của nó là do trình độ hiểu biết luật giao thông còn non yếu và thiếu ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Mặt khác, do khả năng điều khiển phương tiện, kỹ năng xử lý tình huống khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ còn hạn chế.

Một số bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ nhìn từ thực tiễn, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ

Công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX hiện hành do nhiều ngành, nhiều cấp của các cơ quan, tổ chức tham gia. Dưới góc độ lý luận và trên thực tiễn do chưa có điều kiện để khảo sát, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về công tác này để có đầy đủ những tư liệu để minh chứng. Tuy nhiên, qua sử dụng sản phẩm của công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên thức tế nhìn từ góc độ xã hội phần nào cũng đã phản ánh được chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở Việt Nam còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục, có thể khái quát trên một số phương diện sau.

Thứ nhất, đánh giá về chương trình đào tạo, là những người trực tiếp đã qua đào tạo chúng tôi cho rằng, việc phân định chương trình đào tạo, thời gian đào tạo đối với từng loại phương tiện có cấu tạo, tính năng vận hành khác nhau chưa rõ ràng, thời gian đào tạo các khâu lý thuyết, thực hành của khóa học sắp xếp chưa hợp lý. Nội dung đào tạo đơn điệu, các tình huống phức tạp phát sinh trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ không được đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và ý thức của người tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam. Phương pháp đào tạo nặng về hình thức, chưa chú ý coi trọng đến công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông và kỹ năng thao tác điều khiển phương tiện giao thông an toàn; nội dung chương trình đào tạo với thực tiễn hoạt động đào tạo còn nhiều bất cập, không nhất quán, thường bị cắt xén bởi nhiều yếu tố tác động.

Trung tâm sát hạch lái xe

Thứ hai, về hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX của các cơ quan Nhà nước được trao thẩm quyền bị buông lỏng, thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá kết quả đào tạo và sản phẩm của các cơ sở đào tạo. Hoạt động đào tạo chủ yếu giao khoán cho các cơ sở đào tạo, hoạt động kiểm tra, giám sát nặng về hình thức, chủ yếu dựa trên sổ sách giấy tờ thông qua một số hoạt động cụ thể trong đào tạo, chưa chú ý quan tâm đến thực tiễn chương trình, nội dung, phương pháp, chất lượng sản phẩm đào tạo. Sau hoạt động đào tạo, sát hạch cấp GPLX thường là các cơ sở đào tạo, cơ quan Nhà nước và các cán bộ được trao thẩm quyền là thành viên của Hội đồng sát hạch hết trách nhiệm về sản phẩm đào tạo. Công tác quản lý GPLX và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sau sát hạch hầu như không được thực hiện, có chăng chỉ là hình thức. Theo đó, dẫn đến một thực tế việc quản lý, giám sát, theo dõi sản phẩm đào tạo của các cơ sở hầu như không nắm được nên không có cơ sở để phân loại, thanh loại những cơ sở đào tạo yếu kém không đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, về cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tại ở nhiều Bộ, Ngành và địa phương thành lập cơ sở đào tạo và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đào tạo; thậm chí có những Bộ, Ngành vừa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa thực hiện sát hạch, cấp GPLX nên mặt nào đó chưa thể hiện được tính khách quan công tâm trong sát hạch cấp GPLX. Nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện trên thực tế cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX thực sự chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi có thể khai quát trên mọi phương diện như: hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ  học tập chắp vá, hệ thống phòng học thiếu chuyên nghiệp, hệ thống nhà xưởng nhiều cơ sở chưa được xây dựng hoặc nếu có chỉ đơn sơ, hình thức, đối phó; đội ngũ giáo viên tuyển dụng thiên hướng tìm kiếm công ăn việc làm, chưa đạt chuẩn, các cơ sở tự tuyển dụng theo chủ quan của cơ sở đào tạo, chủ yếu hợp đồng ngắn hạn, hoặc giáo viên đứng trên danh nghĩa để đủ điều kiện cấp phép đào tạo; hệ thông sân bãi, phòng học chuyên dùng chưa đạt chuẩn, phương tiện dạy lái chủ yếu là các phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn… dẫn đến chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi.  

Thứ tư, công tác sát hạch cấp GPLX trong những năm gần đây tuy đã có những bước cải tiến, tiến bộ; tuy nhiên chất lượng sát hạch, cấp GPLX của cơ sở này hoặc cơ sở khác trong từng thời điểm vẫn thiếu nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nhân nhượng, tiêu cực xảy ra nhưng chưa được khắc phục nên vẫn còn tình trạng giấy phép thật nhưng kiến thức giả, đó là chưa kể đến tình trạng giấy phép giả trôi nổi xảy ra ở nhiều địa phương, thậm chí rao bán công khai trên cả các trang mạng xã hội nhưng chưa có biện pháp xử lý. Về công tác sát hạch cấp GPLX chúng tôi cho rằng cần xem xét học hỏi vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển. Cần phân định rõ chức năng đào tạo và chức năng quản lý nhà nước trong sát hạch đào tạo cấp GPLX. Theo đó, cơ quan thực hiện nhiệm vụ sát hạch cấp GPLX đồng thời phải là cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, đội ngũ sát hạch viên làm nhiệm vụ giám sát, sát hạch cấp GPLX phải được đào tạo bài bản và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm theo thời hạn sử dụng, đây là điều kiện để thanh loại những sát hạch viên không còn đủ điều kiện tiêu chuẩn.

Cần mở nhiều Trung tâm đào tạo lái xe an toàn như thế này

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Trên cơ sở những bất cập trong hoạt động đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang trở thành những nguồn nguy hiểm cao độ tác động trực tiếp tình hình TNGT đường bộ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình TTATGT cần được nghiên cứu, từng bước có biện pháp khắc phục, nhằm kéo giảm TNGT, góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo các Bộ, Ngành và các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch sớm tổng kết toàn diện công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên cơ sở đó chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế thiếu sót, những bất cập và phương hướng khắc phục, trước mắt cần tập trung trên một số mặt cụ thể sau: về chương trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX; về tổ chức cơ sở đào tạo sát hạch cấp GPLX hiện hành; về quản lý cơ sở đào tạo sát hạch cấp GPLX, về cơ quan, hội đồng sát hạch và sát hạch viên sát hạch đào tạo cấp GPLX; về quản lý người lái xe sau khi sát hạch. Theo đó, mở cuộc vận động toàn dân tham gia hiến kế, tìm kiếm giải pháp để bảo đảm TTATGT trong đó một trong những nội dung quan trọng giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Thứ hai, đối với công tác đào tạo lái xe: từ kết quả nghiên cứu thực tiễn đào tạo cấp GPLX ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước phát triển, chúng tôi cho rằng nên xã hội hóa công tác đào tạo lái xe để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, uy tín trong đào tạo, sớm khắc phục tình trạng GPLX thật nhưng kiến thức chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia qui định. Thông báo công khai, minh bạch, rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức và công dân để họ nắm vững chủ trương của nhà nước về xã hội hóa trong đào tạo cấp GPLX, theo đó nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cấp phép đào tạo đối với các cơ sở đào tạo lái xe của các cơ quan, tổ chức và tư nhân khi đạt chuẩn quốc gia qui định về đào tạo lái xe, trong đó nêu rõ một số tiêu chuẩn bắt buộc như: chương trình, nội dung đào tạo, về giáo trình  tài liệu dạy học, về cơ sở điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, đội ngũ giáo viên lý thuyết, thực hành, về quản lý hoạt động đào tạo…

Về nội dung, chương trình đào tạo đối với từng loại giấy phép, từng loại phương tiện có cấu tạo, tính năng, vận hành khác nhau phải có chương trình đào tạo khác nhau, được chi tiết trong kế hoạch đào tạo đối với từng khóa học và được phê duyệt, quản lý chặt chẽ. Việc tổ chức đào tạo phải chấp hành đúng kế hoạch đã đề ra, xiết chặt kỷ cương việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, tránh tình trạng hình thức, cắt xén thời gian, bỏ bớt nội dung chương trình đào tạo, đơn giản hóa cách thức đào tạo như một số cơ sở đang đào tạo, chỉ quan tâm đến cấp giấy phép, không quan tâm đến trình độ, kỹ năng tay nghề điều khiển của người học.

Về đội ngũ giáo viên phải đủ tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật. Tránh tình trạng như thực tế hiện nay ở một số cơ sở đào tạo mượn giáo viên danh nghĩa để đủ điều kiện cấp phép đào tạo hoặc tuyển đội ngũ giáo viên không đạt tiêu chuẩn để xác định lưu lượng đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo kém. Đội ngũ giáo viên phải có đủ giáo viên lý thuyết giảng dạy luật, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử, giáo viên thực hành tay lái trong hình, đường trường, xử lý tình huống giao thông phức tạp khi tham gia giao thông, giáo viên chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ phương tiện… Đội ngũ giáo viên phải được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên, đổi mới nội dung, hình thức phương pháp đào tạo và phải được cấp chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ chuyên môn dạy nghề nghiêm ngặt, tránh hình thức, thủ tục, qua loa đại khái đang tồn tại khá nhiều ở một số cơ sở đào tạo như hiện nay.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, các cơ sở đào tạo phải có sân bãi theo qui chuẩn, ngoài kiến thức cơ bản cần xây dựng các tình huống phổ biến phức tạp trong thực tiễn của hoạt động GTVT để học viên xử lý thuần thục, để khi ra trường học viên có đủ điều kiện điều khiển phương tiện vững vàng trong mọi tình huống, tránh tình trạng học viên sau đào tạo ra trường được cấp GPLX nhưng thực tế không điều khiển được phương tiện hoặc chỉ điều khiển phương tiện trên các tuyến đường đơn giản, ít chướng ngại vật. Ngoài hệ thống sân bãi, cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ phòng học chuẩn như: phòng chuyên dùng, phòng kỹ thuật phương tiện, phòng học lý thuyết có đủ hệ thống máy tính, xưởng sửa chữa, xe tập lái các loại có tính năng, vận hành khác nhau (số sàn và số tự động).

Sát hạch thực hành lái xe ô tô.

Thứ ba, đối với công tác sát hạch cấp GPLX. Để đảm bảo tính khách quan, trung thực, chặt chẽ trong cấp GPLX theo đúng qui chuẩn của nhà nước, tạo ra sự ràng buộc, giám sát chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và hội đồng sát hạch đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan hữu quan có liên quan cần tổng kết công tác sát hạch cấp GPLX tính từ thời điểm Bộ GTVT được Chính phủ giao nhiệm vụ này. Kế thừa thực tiễn và kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới và khu vực trong công tác sát hạch, cấp GPLX. Có tờ trình báo cáo Chính phủ chuyển giao công tác sát hạch, cấp giấy phép trở lại cho lực lượng CSGT, cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý TTATGT thuộc Bộ Công an đảm nhiệm như trước đây. Bộ Công an cần có chương trình kế hoạch kiểm tra giám sát xiết chặt kỷ cương công tác sát hạch, cấp GPLX. Kiên quyết xử lý những sát hạch viên vi phạm qui chế sát hạch nhằm nâng cao trình độ, năng lực điều khiển phương tiện của người lái xe giảm thiểu vi phạm, tai nạn, ùn tắc giao thông do người điều khiển phương tiện đường bộ gây ra.  

Thứ tư, hoạt động quản lý sau đào tạo cấp GPLX. Công tác quản lý giấy phép người lái xe sau khi sát hạch là một nhiệm vụ tất yếu nhằm quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện, chất lượng cơ sở đào tạo, cơ quan làm nhiệm vụ sát hạch cấp GPLX. Để giúp cho việc quản lý giấy phép của người lái xe sau khi đã sát hạch cấp giấy phép đồng thời quản lý chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy lái đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Cục CSGT xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin về GPLX trên địa bàn cả nước để thống nhất quản lý, trên cơ sở đó có căn cứ xử lý đối với những lái xe thường xuyên vi phạm có thể bị tước giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Đối với các cơ sở đào tạo thông qua khai thác cơ sở dữ liệu về GPLX cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có cơ sở để đánh giá làm rõ chất lượng của cơ sở đào tạo để có hình thức xử lý, nâng cao trách nhiệm trong công tác đào tạo, đối với cơ sở đào tạo có nhiều lái xe vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép. Đối với cơ quan được giao nhiệm vụ sát hạch cấp giấy phép có căn cứ để hoàn thiện nội dung, qui trình sát hạch nhằm nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe. 

Thứ năm, tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo; quản lý đào tạo; sát hạch, cấp GPLX, xử lý kiên quyết những cơ sở đào tạo, quản lý đào tạo, hội đồng sát hạch vi phạm qui chế đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, đột xuất, kiếm tra tất cả các khâu của quá trình đào tạo, quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép. Đây là việc làm không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, trong nhiều năm qua hoạt động này bị buông lỏng, kiểm tra, thanh tra nặng về hình thức vì quyền lợi của cơ sở đào tạo, của người được đào tạo nên không ai dám phản ánh dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm, tai nạn, ùn tắc giao thông.

Theo Cục CSGT