Muôn trùng sóng gió

Đội ngũ thuyền viên hiện nay được coi là một trong những nhân tố quyết định trong việc thực hiện chiến lược biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Theo đó, thuyền viên là nghề đặc thù đòi hỏi phải có kiến thức và tay nghề cao, cường độ lao động vất vả, chịu ảnh hưởng của môi trường độc hại, khắc nghiệt, rủi ro. Các con tàu chứa đầy hàng hóa với giá trị kinh tế cao là đối tượng không thể bỏ qua của cướp biển. Đã có nhiều vụ tàu bị cướp biển tấn công, bắt bớ, giam cầm, thậm chí giết chết thuyền viên để đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên, những thử thách nói trên vẫn không thấm vào đâu so với nỗi chịu đựng về tinh thần mà mỗi thuyền viên phải đối mặt, không có cách thay thế nào khác. Đó là sự xa cách gia đình, vợ con, người thân khi họ phải lênh đênh trên biển cả, có khi vài năm chưa được về nhà.

Chính vì những thiệt thòi lớn này, nhiều nước trên thế giới đã có chính sách ưu đãi riêng đối với thuyền viên như: Chế độ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, chế độ phúc lợi và an sinh xã hội, chính sách ưu đãi về thuế... Trong khi đó, thuyền viên Việt Nam lại chưa thực sự được quan tâm. Hiện nay, họ đang chịu nhiều thiệt thòi, nhiều điều bất hợp lý trong khi hành nghề.

Thực tế cho thấy, thuyền viên Việt Nam, đặc biệt là thuyền viên tàu ven biển bị ép trả lương thấp, chế độ ăn ở, đời sống hàng ngày, y tế trên tàu không đảm bảo. Chế độ quản lý an toàn trên các tàu chạy ven biển nội địa chưa thực sự tối ưu khiến nhiều tai nạn xảy ra, không những ảnh hưởng đến tài sản doanh nghiệp mà làm nhiều thuyền viên  thương vong.

Tình trạng các chủ tàu nợ lương, thậm chí quỵt lương thuyền viên rất đáng lo ngại. Nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng về việc số lượng các doanh nghiệp chủ tàu, các công ty môi giới đang nợ lương thuyền viên ngày càng gia tăng. Các công ty môi giới tuyển người cho các doanh nghiệp vận tải không những cắt xén đồng lương vốn đã rất thấp của thuyền viên mà còn nợ lương của họ. Một số thuyền viên sau khi bị nợ lương muốn rời tàu cũng không được, vì chủ tàu đòi hỏi phải kiếm người thay thế thì họ mới trả giấy tờ, bằng cấp cho thuyền viên. Cũng có trường hợp thuyền viên ký vào những bảng bản hợp đồng không công bằng mà trong đó quy định khi tìm được người thay thế mới được rời tàu. Thực tế hiện nay, nhiều chủ tàu chỉ thuê thuyền viên theo thời vụ để tránh mua bảo hiểm xã hội, trong khi thuyền viên không nhận thức rõ ràng việc này nên sẽ thiệt thòi về sau vì không có chế độ hưu trí.

Đặc biệt, mặc dù từ năm 2015 đã có luật miễn thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên nhưng trên thực tế họ còn chưa nhận được đầy đủ các chính sách bảo vệ lợi ích cho mình, chưa có một tổ chức đại diện đầy đủ quyền lực đứng ra đấu tranh đòi thực thi các chế tài bồi thường liên quan đến quyền lợi mà họ đáng được hưởng phát sinh khi họ làm việc trên tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài kể cả các trường hợp thuyền viên hồi hương, bị thương hoặc tử vong. Không có một tổ chức nào hỗ trợ thuyền viên khi các điều khoản trong Thỏa ước Lao động tập thể CBA theo quy định Công ước Lao động Hàng hải (MLC) năm 2006 thiếu công bằng hoặc không được thực thi.

Cần được bảo vệ

Trao đổi về vấn đề này, ông Tiếu Văn Kinh - Chủ tịch Câu lạc bộ Thuyền trưởng Việt Nam chia sẻ, hiện nay có một câu hỏi đặt ra cần được các cơ quan chức năng quan tâm là thuyền viên nằm ở tổ chức công đoàn nào? Trong thực tế, thuyền viên Việt Nam được coi là đang sinh hoạt tại các công đoàn cơ sở ở các công ty vận tải doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, tư nhân. Các tổ chức công đoàn này được tổ chức theo hình thức trực thuộc các tỉnh, thành phố về danh nghĩa.

Thực tiễn cho thấy, các tổ chức công đoàn này không có bất kỳ hoạt động nào đối với thuyền viên, chỉ có các hoạt động dành cho nhân viên công ty, thậm chí nhiều công ty tư nhân không có tổ chức công đoàn. Thực chất công đoàn các công ty lại là những tổ chức đối lập với quyền và lợi ích của lao động thuyền viên.

Thuyền viên Việt Nam không có tổ chức công đoàn của mình, vì vậy khi hợp đồng lao động giữa thuyền viên và công ty bị vi phạm thì không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Thuyền viên chỉ còn cách gửi đơn thư lên các cơ quan chính quyền, các tổ chức hội, đoàn không có quyền lực và cũng không có khả năng giải quyết các vấn đề đó. Vì vậy, đến nay tồn động rất nhiều vụ việc về bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thuyền viên không được giải quyết.

Đồng thời, không có tổ chức công đoàn của thuyền viên nên Việt Nam không thể tham gia các tổ chức bảo vệ người lao động quốc tế và không được bảo hộ, khiến thuyền viên Việt Nam lao động trên các tàu nước ngoài phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các đồng nghiệp ở các nước khác. Khi phát sinh vấn đề mâu thuẫn quyền lợi, đặc biệt là khi thương lượng về lương bổng, chế độ đãi ngộ, thuyền viên Việt Nam không biết bấu víu vào tổ chức nào ở Việt Nam để yêu cầu hỗ trợ giải quyết, phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về thuyền viên Việt Nam. Đây cũng là một trong các lý do khiến thuyền viên Việt Nam khó chen chân vào thị trường lao động quốc tế.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định liên quan đến chức trách thuyền viên, nhưng các quy định liên quan đến tiền lương, bảo hiểm, y tế, chế độ đãi ngộ thuyền viên được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế… và thuộc sự quản lý của các bộ, ngành liên quan khác nhau (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Tài chính). Thực tế là không có một tổ chức nào đứng ra kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định nói trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên khi các quy định đó bị vi phạm.

“Cũng cần nói thêm, với một quốc gia biển như Việt Nam, để khuyến khích phát triển và bảo vệ người đi biển, nhà nước ta cũng nên có một sắc luật riêng cho thuyền viên do Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành quy định chi tiết về nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý và lợi ích hợp pháp, địa vị xã hội, trách nhiệm xã hội, quản lý, giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nhân tài… đối với thuyền viên nhằm phát triển ngành Hàng hải, đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường biển. Với tất cả lý do nêu trên, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cho phép thành lập một tổ chức công đoàn cho thuyền viên Việt Nam, có thể lấy tên là Liên hiệp Công đoàn Thuyền viên Việt Nam hoặc Công đoàn Thuyền viên Việt Nam”, ông Tiếu Văn Kinh đề nghị.Theo đó, Liên hiệp Công đoàn Thuyền viên Việt Nam này sẽ quy định các cơ chế pháp lý để giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra ở trên và sẽ là đầu mối kết nối, giám sát, thanh kiểm tra, kiến nghị và giải quyết những vấn đề liên quan nhiều bộ, ngành phụ trách như nói trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên.

“Sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với thuyền viên - một nghề nghiệp đặc thù là nguồn động viên khích lệ thanh niên không ngại ngần tiến ra biển lớn, dốc lòng kiến tạo một quốc gia biển hùng mạnh. Một tổ chức công đoàn như vậy được thành lập sẽ giúp duy trì sự phát triển của nghề đi biển, đó là nguồn nhân lực để phát triển vận tải biển Việt Nam”, thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh nhìn nhận

Theo Tạp chí GTVT