Tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn. Ảnh Hà Giang
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, tình hình TNGT khu vực nông thôn trong những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể.Nếu như năm 2011 TNGT khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khoảng 11%, đến nay năm 2016con số này tăng lên 30%, tai nạn giao thông vùng nông thôn trên các tuyến đường liên xã, liên huyệnđang có xu hướng gia tăng rõ rệt.
Để đánh giá đúng về tình hình an toàn giao thông khu vực nông thôn hiện nay, cần phải có cái nhìn toàn diện về công tác đảm bảo ATGT khu vực nông thôn, để thấy những mặt khó khăn, hạn chế nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và bền vững.
Thứ nhất, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, còn mang tính chất giao khoán công tác này cho lực lượng công an thực hiện.
- Nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Chính phủ,... chưa được chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông ở cấp cơ sở đạt được chưa cao.
Thứ hai, sự chưa đồng bộ của kết cấu hạ tầng giao thông
Thực hiện chủ trương của tỉnh về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực nông thôn, trong thời gian qua bằng nguồn vốn của ngân sách nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực góp vốn của nhân dân và bằng nguồn vốn tài trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm,…tỉnh đã xây dựng được gần 4.500km đường nông thôn và hơn 3.200 cầu, trong đó đường huyện có 633,6km, đường xã gần 3.800km, nối liền huyện với xã, liên xã, liên ấp với nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giao thông đường bộ, đã giảm được rất lớn áp lực đi lại bằng đường thủy, góp phần đưa nông thôn phát triển mạnh về kinh tế, thay đổi đời sống xã hội. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ còn những bất cập đó là:
+ Nhiều nơi cầu không đồng bộ với đường. Do trước đây, nhiều địa phương huy động nhân dân để xây dựng đường nông thôn, quy mô nhỏ khổ cầu, đường 1,2 – 1,5 m ngang. Tuy nhiên, sau một vài năm xây dựng khi có nguồn vốn lớn hơn nên đầu tư mở rộng mặt đường lên 2,5 – 3m (theo chuẩn Nông thôn mới), thì các cầu lại không được đầu tư (do nguồn vốn lớn) nên nhiều tuyến đường xe ô tô đi được, nhưng cầu không qua được, nhiều cây cầu hai xe mô tô ngược chiều không đi được. Thậm chí có những nơi xây dựng cầu kiên cố trước, nhưng không có đường,…Do cầu, đường không đồng bộ với nhau nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Cầu chưa đồng bộ với đường (mặt đường 2,5m, cầu 1,5m). Ảnh Hà Giang
+ Việc đấu nối các tuyến đường với nhau chưa phù hợp, không theo quy hoạch, thậm chí nhiều tuyến đường đấu nối trực diện với đường vào cầu. Do vị trí đấu nối các tuyến đường với nhau không hợp lý, không đúng với tiêu chuẩn nút giao thông, nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các vị trí đấu nối trên.
Đường không đồng bộ với cầu. Ảnh Hà Giang
+ Theo thống kê có trên 70% các tuyến đường nông thôn hiện nay thiếu hệ thống biển báo hiệu. Nguyên nhân, phần lớn các tuyến đường giao thông nông thôn đều cắt bỏ dự toán phần biển báo hiệu, nhằm làm giảm bớt chi phí đầu tư xây dựng.
+ Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cầu, lộ nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, do hàng năm không có kinh phí dành cho công tác này, trước đây khi còn thu phí bảo trì đường bộ thì sử dụng kinh phí này để sửa chữa, đến nay chủ trương chung tạm ngưng thu phí bảo trì nên chính quyền cấp cơ sở không có kinh phí thực hiện; mặt khác tỉnh chưa có hướng dẫn cơ chế để tổ chức duy tu, sửa chữa các tuyến đường do cấp xã quản lý. Do đó, hiện nay nhiều công trình trên địa bàn nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông.
+ Phần lớn các cầu vượt sông trên địa bàn nông thôn không có hệ thống báo hiệu như khoảng thông thuyền, khoang thông thuyền được đi lại, không có đèn tín hiệu ban đêm, nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
+ Do các địa phương chỉ tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ nên việc nạo vét các tuyến sông để đảm bảo lưu thông trong một thời gian dài không thực hiện, do đó nhiều tuyến sông bị bồi lắng, thu hẹp luồng chạy tàu; thêm vào đó, người dân đặt nò, đó, vó, lú đánh bắt thủy sản tạo vật chướng ngại lấn chiếm luồng chạy tàu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Cầu vượt sông không đảm bảo tĩnh không thông thuyền. Ảnh Hà Giang
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế
- Tuy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm và có nhiều cố gắng trong tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tổ chức tuyên truyền còn rời rạc, chưa có chiều sâu, đôi khi còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa tập trung tuyên truyền cho đối tượng vùng sâu, vùng nông thôn.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của các cơ quan đoàn thể ở địa phương chưa có mô hình, nội dung tuyên truyền cụ thể về an toàn giao thông.
- Các huyện, thành phố không in thêm tài liệu tuyên truyền nên hầu hết các địa phương đều thiếu tài liệu tuyên truyền về các vùng nông thôn nhất là các tài liệu với hình ảnh trực quan, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật giao thông của người dân vùng sâu, vùng xa.
- Do thường xuyên sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông nên giảm đi hiệu quả công tác tuyên truyền, cũng như ảnh hưởng đến kinh phí thực hiện công tác này.
- Công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên ở trường học được ngành giáo dục đào tạo quan tâm thực hiện tốt, nhiều điểm trường đã lồng ghép công tác tuyên truyền về an toàn giao thông vào buổi sinh hoạt đầu tuần. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên làm công tác tuyên truyền chưa có chiều sâu kiến thức về an toàn giao thông, nên hiệu quả đạt chưa cao.
Giáo dục ATGT trong học đường chưa đạt kết quả như mong đợi. Ảnh minh họa. Nguồn internet
- Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên hiệu quả chưa cao do chưa có sự phối hợp tốt giữa phụ huynh và nhà trường. Phần lớn phụ huynh học sinh chưa quan tâm, còn mang nặng tâm lý giao việc giáo dục an toàn giao thông cho nhà trường.
- Chương trình giảng dạy về an toàn giao thông chỉ tập trung vào khối Mầm non, Tiểu học và khối Trung học cơ sở; học sinh khối Trung học phổ thông tỷ lệ không đủ tuổi điều khiển phương tiện vi phạm cao nhưng thời lượng giảng dạy ít nên công tác giáo dục tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao.
(còn tiếp)
Khánh Ngọc