Khóa trẻ em trên cánh cửa sau

Bộ phận này thường nằm trên cánh cửa sau của ô tô, mặt tiếp xúc với phần chốt trên thân xe. Công dụng của lẫy khóa trẻ em là không cho mở cửa từ bên trong, dù xe đang di chuyển hay khi dừng lại.

Nhấn để phóng to ảnh

Lẫy khóa trẻ em trên Ford Escape

Vị trí của lẫy gạt khóa trẻ em thường nằm bên trong hoặc dọc theo thân cánh cửa sau của ô tô. Chi tiết này được thiết kế kiểu lẫy hoặc ổ khóa để có thể vặn bằng tay hoặc đầu nhọn của chìa khóa.

Khi sử dụng chế độ này, người ngồi sau không thể mở cửa từ bên trong. Chỉ có tài xế có thể mở cửa từ bên ngoài. Để hủy chế độ này, tài xế mở cửa và xoay lại lẫy về vị trí ban đầu.

Lẫy gạt chống chói gương chiếu hậu

Trên các dòng xe cao cấp thường có gương chống chói tự động. Tuy nhiên, các dòng xe phổ thông có thể không có chức năng này. Thay vào đó, nhà sản xuất đã thiết kế một lẫy nhỏ đằng sau gương chiếu hậu.

Nhấn để phóng to ảnh

Tài xế nên gạt gương chống chói lên khi di chuyển vào ban đêm

Trong điều kiện thời tiết ban ngày, không cần chống chói, lái xe điều chỉnh gương đủ để quan sát. Khi di chuyển vào ban đêm, tài xế gạt lẫy để chuyển sang chống chói.

Lúc này, tầm quan sát trên gương chiếu hậu có thể bị giảm đi đôi chút, nhưng sẽ giảm sự khó chịu do đèn pha của phương tiện phía sau chiếu vào.

Chốt mở khóa hộp số tự động (Shift Lock)

Vai trò của chốt này là để về mo (N) trong các trường hợp khẩn mà không nổ được máy. Chẳng hạn, khi hộp số bị kẹt, xe hết điện hoàn toàn, kéo xe khi bị ngập hay di chuyển bằng xe cứu hộ mà không cần nổ máy...

Nhấn để phóng to ảnh

Chốt mở khóa hộp số tự động thường nằm cạnh cần số.

Để mở chốt, tài xế sử dụng chìa khóa, tuốc-nơ-vít nhấn vào lẫy mở khóa gần cần số, lúc này cần số có thể về số N. Trên một số dòng xe, vị trí Shift Lock có thể được thiết kế thêm nắp chụp để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Một số dòng ô tô cao cấp có thể không có Shift Lock.

Đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard)

Nhiều tài xế có thói quen sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm "vô tội vạ" khi vượt xe, đi qua vòng xuyến hoặc ngã tư. Đúng như tên gọi, đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ nên được dùng trong trường hợp nguy hiểm và cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều tài xế dùng đèn cảnh báo nguy hiểm như đèn ưu tiên.

Theo hướng dẫn của chuyên gia, đèn cảnh báo nguy hiểm được dùng ở các trường hợp như xe bị hỏng, xe dừng bên đường hoặc trong các tình huống khẩn cấp như mất phanh hoặc không thể kiểm soát...

Ngoài ra, tài xế cũng có thể dùng đèn khẩn cấp trong một số tình huống khác như đi trong sương mù, mưa lớn để cho các tài xế khác quan sát dễ dàng hơn.

Các khe nhỏ trên bảng táp lô

Nhấn để phóng to ảnh

Các khe cửa nhỏ nằm gần cột A có tác dụng chính là thông gió và sấy kính

Các khe nhỏ trên bảng táp-lô thường bị nhầm lẫn với cửa gió của điều hòa. Chúng được thiết kế gần cột A và có hướng chéo ra bên ngoài. Tác dụng thật sự của các khe này là thông hơi và sấy kính để tài xế có thể quan sát tốt, ngay cả trong điều kiện thời tiết có nhiều độ ẩm.

Chỉ số độ mòn của lốp

Các chỉ số độ mòn của lốp (thanh mòn) được đặt ở các rãnh chính và cách đều nhau quanh lốp. Khi thấy lốp đã bị mòn bằng với chiều dài của thanh mòn thì tài xế nên thay lốp mới.

Nhấn để phóng to ảnh

Vị trí của chỉ số mòn lốp

Nếu đi ít, tài xế vẫn nên thay lốp sau khoảng 6 - 7 năm, theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngay cả với lốp không dùng, xe không chạy thì cũng cần thay sau 10 năm.

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/cong-dung-cua-nhung-chi-tiet-nho-tren-o-to-khong-phai-ai-cung-biet-20200721075235774.htm#utm_source=Cate_TuVanXe&utm_campaign=Cover&utm_medium=1

Theo Báo Dân Trí