Kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 1

Khẳng định nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe là góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ công trình đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, do đó phải tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng xe, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đường bộ.

Để thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp. Thiết lập một môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

UBND tỉnh yêu cầu công tác kiểm soát tải trọng xe phải được thực hiện một cách chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh vận tải, theo đó:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác kiểm soát tải trọng xe bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực quan trên đường, phát tờ rơi, trên phương tiện thông tin đại chúng,… để cho các lái xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp thấy được việc vi phạm tải trọng xe gây hậu quả cho cộng đồng xã hội và chính bản thân chủ xe, chủ doanh nghiệp; công tác bao quát địa bàn của các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tải trọng xe.  Tổ chức kiểm tra, rà soát lại việc tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng quá tải trọng, không xếp hàng hóa lên xe quá tải trọng cho phép. Doanh nghiệp nào chưa ký cam kết thì yêu cầu phải ký cam kết, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký của các doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe bằng Trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên các tuyến cửa ngỏ của tỉnh như quốc lộ 1, quốc lộ 63, quản lộ Phụng Hiệp, đường Hành lang ven biển phía Nam,… nhằm ngăn chặn các việc chở quá trọng xe ra, vào địa bàn tỉnh. Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện thì thực hiện kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay.

Kiểm tra tải trọng xe tuyến đường cửa ngỏ Quản lộ Phụng Hiệp

- Công tác kiểm soát tải trọng xe phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng công an và Thanh tra giao thông vận tải và kiểm soát quân sự (nếu thật sự cần thiết).

- Công tác kiểm tra, xử lý phạm về tải trọng xe phải được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy trình, đảm bảo tính chính xác, công bằng. Xử lý vi phạm phải nghiêm túc, chặt chẽ, tạo răn đe cho các trường hợp vi phạm khác.Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, xếp hàng hóa lên phương tiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

- Công tác kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ của các ngành, các cấp và là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và người đứng đầu chính quyền địa phương. Do đó, công tác kiểm soát tải trọng xe nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

- Kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó Thanh tra Giao thông vận tải là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong công tác kiểm soát tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng phối hợp trong việc dừng phương tiện kiểm tra vi phạm. Công tác kiểm soát tải trọng xe các tuyến đường còn lại trên địa bàn tỉnh thực hiện thông qua cân xách tay, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Đối với các địa phương chưa có cân xách tay, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải xây dựng phối hợp, hỗ trợ công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn huyện.

Sở Giao thông vận tải

Là cơ quan Thường trực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Rà soát, thống kê các văn bản quy định về hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ cấu tổ chức, địa điểm đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe, đồng thời thường xuyên chỉ đạo về công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.

Ban hành quy chế hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên cơ sở các quy định hiện hành. Xây dựng quy chế phối hợp với Công an tỉnh về cử lực lượng tham gia công tác kiểm soát tải trọng xe và công tác đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm kiểm tra tải trọng xe. Kiểm tra, rà soát cắm đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết, thực hiện và là căn cứ để xử lý vi phạm.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe theo Quy chế phối hợp số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 giữa Tổng cục đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, về thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tổ chức rà soát việc ký cam kết không chở quá tải và xếp hàng hóa lên xe vượt quá tải trọng cho phép, yêu cầu doanh nghiệp chưa ký cam kết thực hiện việc  ký cam kết theo quy định.  Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về kiểm soát tải trọng xe; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của việc chở quá trọng tải xe, quá tải trọng cầu đường, mức xử lý đối với hành vi này, đồng thời kêu gọi người dân tham gia tố giác hành vi chở quá tải trọng cho phép qua đường dây nóng về an toàn giao thông. Chỉ đạo Thanh tra giao thông vận tải tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra về tải trọng xe trên địa bàn, tập trung vào các cảng, bến, điểm tập kết vật tư, hàng hóa lên ô tô,...

Thanh tra GTVT phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra tải trọng xe bằng cân xách tay trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam.

Công an tỉnh

- Cử lực lượng tham gia phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải để kiểm soát tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Chỉ đạo Cảnh sát trật tự, công an các địa phương hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay thông quá công tác tuần tra, kiểm soát trên đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tải trọng xe, tập trung các địa bàn trọng điểm, địa bàn có dư luận không tốt về tải trọng xe. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đối với những địa phương thiếu cân xách tay để kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn.

- Giám sát, phòng chống, đề xuất xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe (kể cả tại Trạm kiểm tra tải trọng xe).

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường thường xuyên công tác kiểm soát tải trọng xe. Kiên quyết không để xe quá tải trọng hoạt động trên địa bàn.

Đối với những địa phương chưa có cân xách tay thì xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải để tổ chức việc kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn.

Kinh phí thực hiện

Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động sử dụng kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ để hoạt động. Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay, sử dụng kinh phí đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị, địa phương mình.

Theo định kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo công tác kiểm soát tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe.  Đối với các đơn vị, địa phương tổng hợp báo cáo công tác kiểm soát tải trọng xe theo định kỳ vào báo cáo hoạt động đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị, địa phương mình.

Với sự quan tâm sâu sắc của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương, tỉnh Cà Mau quyết tâm sẽ kiểm soát tốt tải trọng xe trên địa bàn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT./.

Huỳnh Anh