1. Chỉnh gương chiếu hậu giảm thiểu điểm mù:

Nếu hình ảnh ở gương chiếu hậu ngoài phần lớn là hông xe của chính bạn thì có nghĩa bạn chỉnh chưa đúng. Nên ghi nhớ những vị trí đơn giản như ảnh trên.

2. Xoay bàn chân kiểu chữ V:

Vị trí để chân hợp lý là chân trái trên côn hoặc bệ đỡ trên xe số tự động. Đặt cố định gót chân phải, xoay kiểu chữ V di động giữa hai bàn đạp phanh, ga.

3. Lùi chuồng chính xác:

Sở hữu kỹ năng lùi chuồng thành thạo là một lợi thế lớn với các tài xế, đặc biệt ở những đô thị đông đúc, nơi không gian đỗ xe thường hạn chế. Lùi chuồng giỏi sẽ giúp bạn không sợ những bãi đỗ dường như lúc nào cũng chật kín, hoặc những vị trí đậu xe khó. Cảm biến đỗ xe, camera lùi có thể là những trợ thủ đắc lực.

4. Biết cách xử lý khi xe bị trượt bánh:

Ôtô bị trượt bánh trước (Understeer) hay trượt bánh sau (Oversteer) khi vào cua đều là những trường hợp nguy hiểm. Nếu đang lái xe trên đường trơn, ướt, không nên tăng tốc quá nhanh. Việc duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp tránh phần lớn nguy cơ trượt bánh.

Lưu ý: nếu bị trượt bánh, đừng nhả chân ga hoặc chân phanh quá nhanh.

Nếu bị trượt bánh trước, giảm tốc bằng cách bỏ chân ga nhưng không đạp phanh dúi dụi. Ở những xe có ABS, tài xế có thể áp dụng phanh, nhưng chỉ là đạp nhẹ, chứ không đạp lút. Trả lái đôi chút về hướng thẳng hoặc gần thẳng, giúp chiều lăn và trượt của lốp gần trùng nhau, nhờ đó lấy lại độ bám đường của lốp nhanh hơn. Sau khi xe đã giảm tốc và nhận thấy độ bám đường phù hợp đã trở lại, tài xế đánh lái theo hướng vào cua để xe tiếp tục hành trình. 

Khi bị trượt bánh sau, không phải cố chống lại, mà phải xoay theo sự cố. Việc cần làm là không được nhìn theo hướng xe đang xoay, mà phải nhìn theo hướng muốn tới. Khi đã xác định được hướng muốn tới, đánh lái ngược (countersteering) về phía hướng đó để chống lại hiện tượng xoay tròn của xe. hiện tượng này giống như việc các tay đua drift qua khúc cua. Để lấy lại độ bám cho bánh sau, có thể đạp mớm ga. 

5. Cầm vô-lăng đúng cách:

Vị trí an toàn, dễ kiểm soát và thoải mái nhất là 9 giờ - 3 giờ. Đây cũng là tư thế tốt nhất giúp tay bạn đỡ mỏi nhất khi lái xe trong thời gian dài.

6. Giữ tốc độ và khoảng cách hợp lý:

Ai cũng biết điều này khi đi học lái. Nhưng không phải tất cả các tài xế đều tuân thủ khi đã có bằng. Chạy xe ở tốc độ thấp hơn hoặc cao hơn những xe xung quanh, hoặc đi quá sát/bám đuôi ai đó là điều nguy hiểm và có thể gây tai nạn. 

7. Không phanh bằng chân trái:

Phanh bằng chân trái là kỹ năng khó, đòi hỏi phải luyện tập và thực hành thường xuyên, thường chỉ các tay đua chuyên nghiệp mới sử dụng. Biết cách sử dụng kỹ năng này sẽ giúp bạn quay xe nhanh hơn bằng cách giữ được tốc độ động cơ và tốc độ xe ở mức cần thiết, đồng thời kiểm soát được trượt bánh sau. Nhưng tốt nhất không nên sử dụng khi tham gia giao thông, bởi bạn không thể biết mình có chắc chắn thực hiện chính xác mọi thứ và tránh được va chạm hay không.

8. Học cách lái xe phòng vệ:

Bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học nâng cao tay lái. Các khóa học lái xe phòng vệ không chỉ hữu ích dành cho những người bắt đầu, mà cả những tài xế đã có kinh nghiệm. Đó là nơi bạn được hướng dẫn cách làm chủ những quy tắc giao thông cũng như những kỹ thuật lái xe cơ bản với mục đích giảm thiểu va chạm và các tình huống nguy hiểm trên đường. Đó có thể là việc giữ khoảng cách an toàn với xe trước, quy tắc 3 giây hoặc cách tránh lọt vào điểm mù xe khác...

vnexpress.net