Năm 1997, Quốc hội Thụy Điển thông qua chính sách “Vision Zero”, với mục tiêu hướng tới sẽ không còn tử vong hay bị thương nào do tai nạn giao thông. Đây được xem là nền tảng giúp Thụy Điển trở thành ‘nhà vô địch’ về an toàn giao thông tại châu Âu và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp nhất thế giới.

Theo đó, kể từ năm 2000 số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Thụy Điển giảm đáng kể. Năm 2012, chỉ có một trường hợp trẻ em dưới 7 tuổi chết vì tai nạn giao thông (con số này là 58 vào năm 1970). Năm 2022, có 227 người chết vì tai nạn giao thông ở Thụy Điển, giảm hơn 60% so với năm 2000, trong khi số lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng gấp nhiều lần.

Giao thông vào buổi sáng ở Stockholm. Thụy Điển (Ảnh New York Times)

Ông Mattias Landgren, Quốc vụ khanh Thụy Điển, phụ trách Cơ sở hạ tầng chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về con số này nhưng vẫn chưa hài lòng. Một trong những yếu tố then chốt chính là mô hình ‘Vision Zero’ mà chúng tôi phát động từ năm 1997. Mục tiêu không có người tử vong hay bị thương nặng do tai nạn giao thông là tham vọng mà cả hệ thống chính trị và xã hội của chúng tôi đang phấn đấu. Chúng tôi có sự tham gia của nhiều bên liên quan như doanh nghiệp, trường học, các tổ chức phi lợi nhuận và cả người dân cùng tham gia vào mô hình này để đảm bảo không có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra”.

Chính phủ Thụy Điển đặt mục tiêu, đến năm 2030, chỉ có tối đa hơn 130 người tử vong vì tai nạn giao thông.

Để làm được điều này, Thụy Điển xây dựng hàng nghìn km đường theo kiểu ‘2+1’. Tức là, ngoài hai làn lưu thông một chiều, sau vài km sẽ có thêm một làn cho phép các phương tiện di chuyển nhanh vượt qua những phương tiện chạy chậm hơn. Bên cạnh đó, chính quyền đầu tư xây dựng rất nhiều nút giao cắt an toàn bao gồm cả cầu vượt dành cho người đi bộ và đường sọc vằn bao quanh bởi đèn nhấp nháy cảnh báo va chạm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Thụy Điển, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông có đến 90% là do con người. Vì vậy, chiến lược giảm thiểu tai nạn cần tập trung vào yếu tố con người, bên cạnh đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Claes Tingvall, Giám đốc Ủy ban An toàn Quốc gia Thụy Điển nhận định: “Khi thiết kế cầu đường hay hệ thống giao thông vận tải bạn sẽ phải tính tới yếu tố con người và hành vi con người. Rõ ràng chúng ta không bao giờ là hoàn hảo”

Giải pháp “Vision Zero” tập trung vào các hệ thống giao thông, đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn đối với việc thiết kế, quản lý và chỉ dẫn của các hệ thống này. Ông Tingvall cho biết thêm: “Chúng ta có thể làm điều này với những thứ rất đơn giản như lắp đặt barrier cảnh báo hoặc làm cho các đoạn đường trở nên mượt mà hơn. Tôi nghĩ đó là những biện pháp rất đơn giản, chúng có thể áp dụng ở mọi nơi”

Vision Zero có nghĩa, Thụy Điển không chờ đợi sự cố xảy ra mà chủ động loại bỏ một cách có hệ thống những nguy cơ tai nạn.

Cụ thể, các tuyến đường được thiết kế phải tách biệt hoàn toàn giữa ô tô và người đi bộ để tránh xảy ra va chạm hoặc phương tiện phải giảm tốc độ. Tại các con đường trong thành phố, tốc độ được giới hạn dưới 32 km/h. Ở khu vực không có vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường các phương tiện chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 10 km/h.

Bên cạnh đó, nhiều ngã tư còn lắp màn hình lớn thông báo bao nhiêu người đi bộ đang chuẩn bị qua đường, số người đang đi qua, sau khi người đi bộ qua hết thì màn hình sẽ chuyển tín hiệu.

Đúc kết về giải pháp Vision Zero, người Thụy Điển có một câu nói đơn giản, đó là trong mỗi tình huống, người tham gia giao thông có thể sai nhưng hệ thống giao thông không được phép.

Thụy Điển được xem là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông an toàn vào bậc nhất thế giới (Ảnh New York Times)

Ông Claes Tingvall, Giám đốc Ủy ban An toàn Quốc gia Thụy Điển nêu quan điểm: “Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí cả tai nạn chết người, những người thiết kế hệ thống giao thông nên tự đặt câu hỏi chuyện gì đã xảy ra, họ nên làm gì chứ không phải đổ lỗi cho người dân. Phải nghĩ xem trên cương vị là một chuyên gia, họ cần làm gì và chịu trách nhiệm như thế nào”.

Một trong những giải pháp khác, được chính phủ Thụy Điển đặc biệt quan tâm và thực hiện rất tốt, đó là giáo dục nhận thức an toàn giao thông từ sớm trong các trường học.

Bên cạnh đó, thực thi nghiêm luật giao thông đường bộ với quy định cấm sử dụng rượu bia khi lái xe, bắt buộc người điều khiển xe hai bánh, đặc biệt là trẻ em, phải đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, bất cứ ai vi phạm cũng sẽ bị xử phạt không nương tay. Từng có trường hợp ông Eriksson Airy, cảnh sát trưởng Stockholm lái xe quá tốc độ khi đi ngang qua trường mẫu giáo đã bị phạt tiền và mất chức.

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu đến 2045 không còn thương vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Tuấn Anh, Trưởng bộ môn ATGT, Trường Đại học GTVT, cùng với công tác hoàn thiện thể chế, về quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, trước hết, các đơn vị chuyên môn quản lý về ATGT phải hiểu rõ những yêu cầu về mô hình không có thương vong do TNGT: "Đầu tiên phải có nhận thức thế nào là “Vision Zero”, tức là thiết kế một con đường hoặc một hệ thống giao thông thực sự an toàn, tức là chấp nhận rủi ro tai nạn nhưng không dẫn đến tử vong. Đầu tiên là phải nhận thức, phải hiểu về nó, thì anh nhìn, anh sẽ biết con đường hoặc tổ chức giao thông thế này nó có hay không đảm bảo ATGT". 

Theo VOV giao thông