Đại đức Thích Phước Nguyên, Ủy viên thường trực Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam

Bậc Đại giác Thế tôn đã chỉ rõ về bốn điều khó nhất trong một đời người của mỗi chúng ta, đó chính là:

                        - Thân người thì khó gặp;

                        - Chân lý thì khó nghe;

                        - Thời gian thì qua mau;            

                        - Sự nghiệp thì khó thành.

 Thật vậy, trong bốn điều khó mà bậc Đại Giác đã chỉ dạy, điều khó nhất chính là tìm được thân người. Ngài đưa ra ví dụ rằng: “Có một con rùa mù đang bơi giữa đại dương, muốn tìm được bọng cây để bơi vào bờ còn dễ hơn tìm được thân người. Một cây kim nhỏ xíu bị chìm sâu dưới đáy biển, chúng ta có thể tìm lại được, nhưng nếu thân người để mất đi rồi, muốn tìm lại được thì khó gấp trăm ngàn lần tìm được cây kim dưới đáy biển”. Ngài còn nói rõ hơn rằng: “Khi được thân người là một phúc đức, nhưng nếu có được thân tướng tốt đẹp thì phúc hậu trang nghiêm trọn vẹn, không có bất cứ khuyết tật nào, đó cũng là một hạnh phúc không gì sánh kịp”.

Quả thật, từ vô lượng kiếp rồi, chúng ta mới mai mắn có được thân thể của con người, do vậy cần phải vận dụng cho trọn vẹn đoạn đường 100 năm ngắn ngũi ấy của một đời người, bằng tất cả sức khỏe và tài năng của mình để làm được nhiều việc lợi ích, để cống hiến, để đắp xây cho hạnh phúc chính mình và xã hội.

 Khi chúng ta mới chào đời, chúng ta có đầy đủ thân căn, không bị tật nguyền, cha mẹ vui mừng lắm,một con muỗi cắn hay một vết thương nhỏ thì cha mẹ cũng đau lòng lắm. Khi đã lớn khôn và trưởng thành trong sự gian khổ của cha mẹ sao chúng ta nở tàn phá thân thể của mình bằng thuốc lá, rượu chè, rồi chạy xe lạng lách, quá tốc độ,…bất kể thân mạng, để rồi gây ra bao hậu quả khôn lường,…thử hỏi bậc làm cha, làm mẹ đau đớn biết dường nào.

Mỗi hành động từ thân, miệng, ý của chúng ta khởi ra là nhân, thì tiếp ngay đó là quả. Người ta khi bước chân ra đường hay đang điều khiển xe máy, ô tô tham gia giao thông, chấp hành đúng Luật Giao thông (thân) nói năng nhẹ nhàng, êm ái (miệng), luôn kiểm soát được mọi hành động của mình, đúng luật thì thực hiện, không đúng phải dừng ngay (ý), như vậy sẽ không bao giờ có tai nạn, lúc nào cũng an vui, hạnh phúc.

Còn ngược lại sẽ chịu khổ (tai nạn gây thương tích hoặc mất mạng…), ví dụ: thói quen uống rượu thành nghiệp, dẫn đến (ý) mất bình tĩnh, sáng suốt, thân hành động gây tai nạn (nghiệp). Theo trưởng lão Thích Thông Lạc, muốn tránh được tai nạn khi tham gia giao thông, hạn chế tối đa việc tắc đường thì mọi người đều phải học Luật Giao thông, kể cả các cháu nhỏ chưa đến tuổi điều khiển phương tiện cũng phải học Luật Giao thông. Song chỉ có học Luật Giao thông thì chưa đủ, mà còn phải học đạo đức nhân bản - nhân quả về giao thông. Hành động từ thân, miệng, ý của con người tạo ra gọi là nhân bản, tức là những hành động gốc nơi thân người. Nếu họ hiểu biết đạo đức nhân bản, nhân quả, mọi hành động của họ đều đúng thì không làm khổ mình, khổ người.

Cầu siêu tưởng niệm những người tử vong do TNGT.

Tai nạn giao thông, chúng ta không được đổ thừa cho số phận. Đối với tai nạn giao thông thì không có số phận nào cả, mà do chính con người của chúng ta gây tạo ra. Nếu chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông, biết giữ khoảng cách an toàn, giữ  đúng tốc độ, có ý thức quan sát tốt nếu tai nạn có xảy ra thì hậu quả không lớn lắm.

Thật là đau đớn và xót xa khi mới hôm qua chúng ta còn gặp cha mẹ, người thân và mới vừa lúc nãy chúng ta còn nói chuyện vui cười qua điện thoại với anh em, bạn bè,…bây giờ chỉ trong nháy mắt, người thân bổng hóa thành thiên cổ, nằm bất động trong cổ quan tài, vĩnh viễn không còn gặp nhau trên cõi đời này nữa.

Thông thường cha mẹ của chúng ta phải mất đến 30 năm nuôi dưỡng, để tạo nên một đứa con hoàn chỉnh, có đầy đủ tài năng để tạo dựng sự nghiệp, đắp xây hạnh phúc và để cống hiến cho xã hội. Nhưng khi lâm vào hoàn cảnh cha mất con thơ, vợ mất chồng,…bao nhiêu ước mơ cho tương lai tươi đẹp, nay bổng tan tành mây khói, thật là đau đớn tột cùng không có gì bù đắp nổi.

Chúng ta nên biết rằng, con người khi bị chết oan trong tai nạn thì khó siêu thoát lắm, mà khó siêu thoát thì không thể đầu thai để làm người trở lại. Khi bị chết tức tưởi trong oan ức thì oan hồn tử nạn lại lôi kéo theo nhiều người khác, vì vậy trên những đoạn đường thường hay xảy ra tai nạn giao thông, người ta thường xây dựng những ngôi miếu để thờ cúng những người quá cố tử nạn, để nơi đó sẽ không còn tai nạn xảy ra nữa.

Vì lý do kỳ diệu đó, nhiều năm liền tỉnh Cà Mau tổ chức đàn tràng kỳ siêu khai mở để hóa giải mọi oan nghiệt cho các vong linh đã tử nạn, cầu cho chư nguyên vong linh nghe theo lời kinh kệ mà tha thứ, hỷ xả cho những người gây nên cái chết oan ức cho mình. Những người ở lại hôm nay và những người gây nên oan nghiệt xin được sám hối bao lỗi lầm và nguyện sẽ có ý thức hơn nữa, nguyện sẽ tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn nữa để tất cả chúng ta và con em chúng ta biết quý trọng mạng sống của chính bản thân mình và tất cả mọi người.

Mong rằng các thanh thiếu niên sẽ sớm giác ngộ ý thức của mình khi tham gia giao thông.

Chúng ta phải thật sự tĩnh tâm, không nôn nóng, vội vã, phải thấy rõ mạng sống có giá trị tuyệt đối không có gì so sánh nổi. Phải thấy rõ công lao của cha mẹ là quá to lớn, do vậy phải biết giữ gìn thân mạng của mình để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Phải hiểu rõ tôn trọng pháp luật về trật tự an toàn giao thông là giữ gìn sinh mạng của mình và của mọi người.

Xin hãy bỏ qua những lỗi lầm không đáng kể, khi vô tình gây nên tai nạn bất ngờ trên những đoạn đường sẽ đi qua. Hãy hít thở thật sâu và tiếp tục tĩnh tâm kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình mình khi tham gia giao thông vào những thời điểm quá đông người, hãy nhường đường cho nhau một cách vui vẽ và thân thiện để còn gặp nhau trên cõi đời hữu hạn này. Hãy chậm rãi và thông thã trên con đường về nhà với gia đình để được đi đến nơi và về đến chốn./.

Hà Giang