Gần 5h chiều 30/10 vừa qua, anh Trần Bá Phú ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ lui cui chuẩn bị đi làm.

Cống Cái Khế đóng khiến bên trong và bên ngoài, nước phân định cao thấp rõ ràng.

Anh nhét vào cốp xe đôi dép. Kinh nghiệm triều cường: Phòng khi trên đường tới chỗ làm, nơi nào ngập sâu quá, dắt bộ thì phải lột giày, "lên" dép.

Con nước rằm khiến nước dâng mấy ngày qua. Và hôm ấy mới 16 âm lịch, nên dự báo còn chịu triều cường ít nhất 3-4 ngày nữa.

Thế nhưng, điều bất ngờ, chiều tối hôm ấy đến chỗ làm, anh Phú không gặp phải đoạn đường nào bị ngập!

Sáng hôm sau, chiều và những ngày sau cũng vậy… Hầu hết các con đường thường xuyên ngập ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy đã bất ngờ khô ráo.

Nguyên nhân làm nên điều "thần kỳ" giúp hàng loạt cơ sở dịch vụ, quán ăn… bớt đau đầu vì ế ẩm mỗi khi triều cường, xuất phát từ cống ngăn triều - âu thuyền Cái Khế.

Trước đó, chiều 30/10, cống này được đóng. Và con rạch Cái Khế dẫn nước từ sông Hậu qua các phường An Nghiệp, Thới Bình, An Hội, An Khánh, Cái Khế… không thể dâng cao. Triều cường chấm dứt, không ảnh hưởng đến các khu dân cư bên trong.

Âu thuyền Cái Khế được thiết kế như một hệ thống khóa và xả để điều tiết lượng nước vào mùa mưa bão.

Công trình có ba khoang cống chính (mỗi khoang rộng 20m) và một khoang âu thuyền. Khi cần chống ngập cho thành phố, ba khoang cống này sẽ đóng lại ngăn nước từ sông Cần Thơ đổ vào nội ô.

Chế độ thuỷ lưu ở Cần Thơ là nước từ sông Hậu đổ qua trung tâm Cần Thơ, thông qua sông Cần Thơ.

Và con sông này chảy vào nội ô quận Ninh Kiều, chỉ đổ vào quận trung tâm Cần Thơ - Ninh Kiều, phía bên phải (bên trái là quận Cái Răng) bằng các con rạch Cái Khế, rạch Đầu Sấu (khá nhỏ) và rạch Cái Sơn.

Hiện rạch Đầu Sấu đã xây cống, còn phía trong rạch Cái Sơn cũng đang xây dựng âu thuyền.

Ba cái "van" đã được kiểm soát. Trong tương lai, quận trung tâm Cần Thơ xem như được bảo vệ trước triều cường, vì nước không đổ vào được sẽ theo sông Cần Thơ đi tiếp về huyện Phong Điền xuôi ra hướng biển. Chỉ một vài nơi ven sông, nước dâng lên đôi chút.

Cảnh ngập ở quận Ninh Kiều trước đây mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường.

Rất nhiều người dân Ninh Kiều - nhất là các cơ sở kinh doanh, hết sức vui mừng khi biết sắp tới sẽ xa dần những "dòng sông", "con rạch" trước nhà mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn.

Cống ngăn triều - âu thuyền Cái Khế là công trình thủy lợi - giao thông cấp III, hình thức cống hở, xây dựng trên rạch Cái Khế.

Thực ra hồi chưa khởi công âu thuyền, vẫn còn một số địa phương nghi ngờ tính khả thi của dự án. Cho nên nhiều con đường lớn vẫn được nâng cao 30-40cm, như đường Nguyễn Văn Cừ chẳng hạn.

Phương án làm cống ngăn triều được các chuyên gia, lãnh đạo thành phố chọn và đến nay hiệu quả bước đầu đã rõ ràng. Ba cái "van" Cái Khế, Đầu Sấu, Cái Sơn cần được kiểm soát là đúng bài.

Đến nay, sau gần một năm thi công (khởi công tháng 9/2022), tiến độ thi công công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế đã đạt khoảng 60%, giá trị thực hiện được hơn 280/436 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay.

Cùng với gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều, âu thuyền Cái Khế được xem là giải pháp chống ngập cho vùng lõi nội ô Cần Thơ.

Cả hai gói thầu trên thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là Dự án 3), do Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

"Chuyện Cần Thơ làm cống ngăn nước là đúng trong lúc này", chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập Nguyễn Hữu Thiện, nhận định.

Bài học về cống ngăn triều của Cần Thơ rất đáng để TP.HCM suy ngẫm, khi một dự án chống ngập lớn triển khai ì ạch nhiều năm nay và gần 10 năm vẫn chưa thấy kết quả.

Đó là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, khởi công từ giữa năm 2016.

Công trình do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Nhưng đến nay, khi công trình đã hoàn thành hơn 90%, cần thêm khoảng 1.800 tỷ đồng nữa để hoàn thiện 10% còn lại, thì nhà đầu tư gặp trục trặc về tài chính. Đồng thời, cũng gặp những trục trặc về phương thức hợp tác khi một thời gian dài hình thức BT bị ngưng triển khai, khiến ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

Hiện nay, mỗi khi triều cường, hàng triệu người dân ở TP.HCM đều rất khổ sở, đường sá nước ngập nửa mét là chuyện bình thường.

So sánh công trình 10.000 tỷ của TP.HCM với công trình tại Cần Thơ có thể là khập khiễng nếu xét về quy mô hay tổng vốn đầu tư.

Nhưng chắc chắn việc trong vòng một năm Cần Thơ đã giải quyết được câu chuyện chống ngập cho dân là kinh nghiệm đáng để tham khảo, không chỉ TP.HCM mà còn với những đô thị phía Nam có chế độ nhật triều.

Lâu nay, các công trình chậm tiến độ đều có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân gì đi nữa thì cũng có cách tháo gỡ, nếu như thực sự có quyết tâm, nỗ lực, vì lợi ích chung. 

Còn nếu cứ đổ lỗi cho cơ chế hay lấy lý do này hay lý do khác sẽ chẳng giải quyết được gì, mỗi ngày chậm tiến độ là mỗi ngày phát sinh chi phí. Điều đó không chỉ gây lãng phí rất lớn, mà còn khiến người dân càng thêm bức xúc.

Nguồn atgt.vn