Đây là tuyến đường đóng vai trò rất quan trọng trong giao thông vận tải ở Việt Nam, giúp giao thương, phát triển kinh tế xã hội và kết nối các tỉnh hai miền Nam- Bắc. Tuyến đi qua 31 tỉnh, thành phố, đặc biệt tuyến nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Lưu lượng phương tiện giao thông trên QL1A ngày càng tăng nhanh. Các hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, đặc biệt là vận tải đường dài tuyến Bắc – Nam chiếm tỷ lệ cao trong thị phần vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ (lượng hàng hóa vận chuyển trên QL1A chiếm khoảng 65% lượng hàng hóa vận tải Bắc Nam). Mặc dù tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng để nhằm mục đích giảm tải cho QL1A nhưng gần như rất ít phương tiện xe khách sử dụng tuyến đường này trong hành trình. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của QL1A còn nhiều hạn chế (đường hẹp, giao thông hỗn hợp, hành lang an toàn giao thông bị lấn chiếm, các điểm đấu nối chưa hợp lý v.v…) đã và đang làm cho tình hình tai nạn giao thông trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách đường dài, điển hình là: vụ tai nạn giao thông ngày 4/2/2014 tại km 109 + 900 trên Quốc lộ 1A (Bắc Giang) làm 3 người chết; vụ tai nạn giao thông ngày 17/2/2014  tại km 1551+300  trên  tuyến Quốc lộ 1A (Ninh Thuận) làm 2 người chết; vụ tai nạn giao thông ngày 19/10 tại km 421+ 800 trên Quốc lộ 1A (Nghệ An) làm 3 người chết.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trong thời gian tới trên tuyến Quốc lộ 1A, ngày 28/11/2014 tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân đã phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A. Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tai nạn”.

Hội thảo đã được nghe phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng TS. Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A. Đặc biệt, Hội thảo đã nhận được 38 bài báo cáo khoa học của các nhà khoa học, nhà quản lý, trong đó có 09 tham luận đã được trình bày. Nội dung các tham luận tập trung khẳng định sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu thực trạng và các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A, cụ thể như sau:

  1. Thực trạng an toàn giao thông và hoạt động đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A

Tuyến Quốc lộ 1A được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II và cấp III đồng bằng; bề rộng mặt đường phổ biến là 11 - 15 m, đoạn qua các đô thị có bề rộng 20,5 - 30,5m. Trắc ngang của đường có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, lề đường, rãnh thoát nước. Trên một số đoạn tuyến có dải phân cách giữa (km 132-km330, km1925-km2100). Tình trạng mặt đường chủ yếu là bê tông nhựa, một số đoạn tuyến sử dụng mặt đường bê tông xi măng. Chất lượng mặt đường ở mức độ khá và trung bình, nhiều đoạn xấu do thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão gây hư hại nền mặt đường. Hệ thống biển báo hiệu giao thông về cơ bản đáp ứng yêu cầu khai thác của tuyến.

Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 1A có tính chất giao thông phức tạp, có sự biến đổi lớn về thành phần và tốc độ dòng xe dọc theo tuyến. Hiện nay, do tốc độ tăng trưởng vận tải trên tuyến quá lớn, lưu lượng giao thông bình quân lên đến 18.423 xe con quy đổi/ ngày - đêm. Thống kê cho thấy nhiều đoạn trên tuyến đã mãn tải (tại các cửa ngõ giao thông của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và sẽ mãn tải toàn tuyến vào giai đoạn 2015 - 2025.

Về tình hình tai nạn giao thông, theo báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 trên toàn tuyến Quốc lộ 1A đã xảy ra 1.275 vụ TNGT, làm chết 458 người và bị thương 1.170 người. Trong giai đoạn từ 16/11/2012 đến 15/9/2014, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách trên tuyến Quốc lộ 1A có chiều hướng gia tăng, cụthể là: xe ô tô con chiếm 11,14%; xe ô tô khách chiếm 33,02%; xe ô tô tải chiếm 9,20%; mô tô và xe máy chiếm 10,7%. Ngoài ra, phân tích đặc điểm tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A cho thấy các đối tượng gây tai nạn chủ yếu là người điều khiển mô tô (chiếm 43%), thời gian xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu là từ 18h đến 24h (chiếm 38,7%). Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn trên tuyến Quốc lộ 1A là: đi không đúng phần đường (chiếm 21,6%); chuyển hướng không đảm bảo an toàn (chiếm 10,7%; vượt xe không đúng quy định (chiếm 9%); không đảm bảo khoảng cách an toàn (chiếm 7,3%); vi phạm tốc độ (chiếm 6,84%),…

Ngoài các nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông thì cần phải kể đến nguyên nhân do sự bất cập của kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ (cụ thể là trên tuyến có 194 khu công nghiệp, 2.001 khu dân cư, 1008 trạm xăng dầu). Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A. Theo số liệu khảo sát trên Quốc lộ 1A, chiều dài đoạn có hành lang an toàn thực tế dưới 7m chỉ chiếm 37,2%; từ 7m đến 15m chiếm 39% và bình quân số đường ngang là 3,3 đường ngang cho 1 km, nghĩa là cứ 300m lại có một đường ngang.

Tình trạng quy hoạch đô thị sát dọc, kéo dài và lấy Quốc lộ 1A là đường trục đã trở nên phổ biến. Theo thống kê trên 31 tỉnh thành phố đã quy hoạch tới 130 thành phố, thị xã và thị trấn lấy Quốc lộ 1A làm đường trục đô thị với chiều dài đô thị hóa lên đến 550 km (không kể khu dân cư chưa xếp loại đô thị), chiếm 24% chiều dài toàn tuyến. Đây là những nguyên nhân chủ yếu gây ra mất trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua, tạo nên sự bức xúc trong dư luận xã hội.

  1. Kiểm soát quá khổ, quá tải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A

Trong những năm gần đây, các phương tiện vận tải đường bộ phát triển mạnh mẽ về số lượng. Bên cạnh phương tiện siêu trường siêu trọng thì còn một bộ phận không nhỏ phương tiện có tải trọng lớn, kích thước thùng hàng không phù hợp. Cùng với nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tình trạng các phương tiện chở quá tải đã diễn ra phổ biến dẫn đến phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Năm 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” và thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cùng các Bộ, ngành và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện đạt những kết quả tích cực. Kết quả sau 06 tháng (từ 01/4/2014 đến 30/9/2014) đồng loạt triển khai trong cả nước đã tiến hành kiểm tra 276.204 xe ôtô, trong đó tỷ lệ phương tiện vi phạm về tải trọng là 16,03% (tương đương 44.289 trường hợp).

Tuy nhiên, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn một số tồn tại, khó khăn như sau:

  •  Ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải còn hạn chế, dẫn đến tình trạng tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở quá tải. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông còn mỏng, việc duy trì hoạt động chế độ 24/24h tại nhiều điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động là rất khó khăn, dẫn đến tình trạng không chấp hành lệnh dừng xe kiểm soát, trốn “né” và ồ ạt chạy qua các trạm, điểm kiểm soát trong khoảng thời gian giao ca.
  • Công tác triển khai hoạt động kiểm tra tải trọng xe tại các kho, cảng, bến bãi chưa được chưa thực hiện tốt nên nhiều vi phạm chưa được xử lý ngay tại nơi xuất phát. Số lượng các điểm, trạm kiểm tra tải trọng còn rất hạn chế (hiện tại chỉ có 63 xe kiểm tra tải trọng lưu động, 02 trạm kiểm tra tải trọng cố định và một số cân xách tay). Bên cạnh đó, chưa làm tốt công tác khảo sát xác định vị trí mặt bằng đặt cân, bãi hạ tải, thiết bị hạ tải dẫn đến tình trạng chỉ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quá tải trọng nhưng không buộc hạ tải ngay nên nhiều xe sau khi bị xử lý vi phạm vẫn tiếp tục lưu thông.

  1. Thực trạng công tác phòng ngừa và điều tra tai nạn giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ1A.

Lực lượng Cảnh sát giao thông của C67 và Công an các tỉnh thành phố có tuyến Quốc lộ 1A đi qua đã chủ động và có nhiều cố gắng thực hiện các Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an trên cơ sở tiến hành các biện pháp nghiệp vụ (công tác tham mưu; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tuần tra kiểm soát giao thông; tổ chức giao thông…) nhằm đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính của người tham gia giao thông. Kết quả bước đầu đã ổn định trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến, tình hình tai nạn giao thông (số người chết và số người bị thương) đã có chiều hướng giảm.

Công tác điều tra cơ bản các hệ nghiệp vụ, thống kê, phân tích số liệu liên quan đến trật tự an toàn giao thông chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, công tác dự báo tình hình để đề xuất với các cấp lãnh đạo các chủ trương, biện pháp và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đảm bao trật tự an toàn giao thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông được các cơ quan điều tra địa phương thực hiện trên cơ sở Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và quy định của Bộ Công an. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2014, lực lượng Cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 46.824 vụ, phạt tiền 56.936 triệu đồng, tước 13.157 giấy phép lái xe các loại. Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp ra Quyết định khởi tố điều tra 23.439 vụ với 23.349 bị can. Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 21.841 vụ với 22.788 bị can; Toàn án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 21.222 vụ với 22.078 bị can. Ngoài ra, từ kết quả điều tra, xử lý tai nạn giao thông cho thấy mặc dù số vụ ra quyết định xử lý hành chính có xu hướng giảm dần hàng năm so với số vụ xảy ra nhưng số vụ khởi tố điều tra, truy tố xét xử lại có xu hướng gia tăng năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, thực trạng công tác điều tra tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn còn tồn tại, hạn chế trong một số giai đoạn: tiếp nhận và xử lý tin báo (không ghi chép và báo cáo đầy đủ); khám nghiệm hiện trường (hiện trường bị xáo trộn và không còn nguyên vẹn do những lý do khách quan); khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông (khám nghiệm sơ sài, thiếu thông tin về phương tiện); ghi lời khai của những người có liên quan (chưa căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện để đưa ra các câu hỏi đi sâu vào diễn biến vụ việc), khám nghiệm thương tích nạn nhân, cầu đường, giám định thương tật…

  1. Y tế, khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an toàn giao thông

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: chất lượng mũ bảo hiểm tại Việt Nam, các biện pháp nâng cao hiệu quả cấp cứu tai nạn giao thông, yêu cầu quản lý tốc độ phương tiện giao thông và hiệu quả của hệ thống giám sát hành trình đối với xe ô tô trên tuyến Quốc lộ 1A. Theo đó, chất lượng mũ bảo hiểm ở Việt Nam cần phải được quan tâm và quản lý chặt chẽ, hệ thống cấp cứu các cơ sở y tế cần được củng cố, phân bố phù hợp cũng như bổ sung nguồn nhân lực và các trang thiết bị cấp cứu. Ngoài ra, đối với biện pháp quản lý tốc độ phương tiện cần phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh giới hạn tốc độ (điều chỉnh quản lý tốc độ “động” trên tuyến), đặc biệt là trong điều kiện một số đoạn tuyến vừa khai thác vừa tiến hành nâng cấp, sửa chữa và duy tu bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã chỉ ra cần phải tăng cường hoàn thiện pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó cần nghiên cứu, trao đổi và học tập kinh nghiệm chính sách của các nước trên thế giới trong phòng chống và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đặc biệt là kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về nồng độ cồn gây ra.

Trên cơ sở phân tích thực trạng tai nạn và hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ; các đại biểu đề xuất những kiến nghị và giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo các điều kiện thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 - CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 30/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ; Kế hoạch triển khai “Chiến lược Quốc gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” ở tất cả các cấp, các ngành.   

Hai là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, tập trung rà soát, cải tạo và xóa bỏ các điểm đen trên tuyến Quốc lộ 1A. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đặc biệt là các khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các địa phương thường xuyên phải chịu tác động của thời tiết, bão lũ. Đối với các đoạn tuyến vừa thi công vừa khai thác, các địa phương cần chỉ đạo yêu cầu nhà thầu có các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phân làn, thu dọn nguyên vật liệu gây cản trở lưu thông của phương tiện giao thông.

Ba là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Tăng cường kiểm soát quá khổ, quá tải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, giải tỏa và xử phạt nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ góp phần đảm bảo trên tuyến Quốc lộ 1A.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phòng ngừa và điều tra tai nạn đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A. Đối với các vụ tai nạn giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông cần nhanh chóng kết hợp với các lực lượng Cảnh sát khác và Công an cấp huyện nơi tuyến đường đi qua tổ chức bảo vệ hiện trường tai nạn, cấp cứu người bị nạn, bảo vệ tài sản, ghi lời khai của người bị hại, khám nghiệm hiện trường, truy bắt các đối tượng gây tai nạn bỏ chạy. Đặc biệt cần nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát và cưỡng chế của lực lượng Cảnh sát giao thông đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng các chất kích thích (ma túy và rượu bia), chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, kiên quyết xử phạt vi phạm tạm giữ phương tiện vi phạm.

Năm là, nâng cấp, mở rộng các trung tâm, bổ sung nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1A nhằm giảm thiểu số người tử vong do đa chấn thương.

Sáu là, tích cực nghiên cứu, trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Đầu tư và nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát và hệ thống cảnh báo sớm về tắc đường, sự cố giao thông. Mặt khác, các thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị mới trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải được nối mạng về các trung tâm chỉ huy và điều khiển giao thông, từng bước triển khai kết nối với từng cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông trên tuyến.

Theo TS. Nguyễn Thành Trung
Trung tâm nghiên cứu ATGT – Học viện CSND